Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng Tất niên 30 Tết đầy đủ và chuẩn nhất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo quan niệm từ xa xưa, đêm 30 Tết, mỗi gia đình Việt sẽ gác lại mọi việc để sửa soạn một mâm cỗ cúng giao thừa thịnh soạn nhất để cúng ông bà, tổ tiên cầu mong một năm mới tốt đẹp hơn.



Theo các chuyên gia văn hoá, bữa cơm tất niên là một trong những nghi lễ văn hóa độc đáo của người Việt. Đây được coi là nghi thức để mời ông Công, ông Táo về trần thế, tiếp tục cai quản việc bếp núc sau khi đã lên chầu trời ngày 23 tháng Chạp.

Đây cũng là dịp để mời ông bà, tổ tiên, những người đã khuất về ăn tết, sum họp cùng con cháu. Đồng thời cũng là bữa cơm kết nối các thế hệ trong gia đình, để tiễn năm cũ qua đi và đón mừng năm mới vạn sự hanh thông, nhiều điều tốt đẹp.

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, tuỳ theo hoàn cảnh của từng gia đình nhưng về cơ bản, mỗi gia đình chiều 30 Tết nên chuẩn bị 2 mâm cỗ cúng một mâm cỗ tất niên và một mâm cúng Giao thừa. Người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà sẽ thắp hương, đọc văn khấn với nội dung chính là mời thần linh, gia tiên về ăn Tết cùng gia đình.


 

Mâm cỗ cúng 30 Tết không cần quá cầu kì, miễn là thành tâm. Ảnh: ST.
Mâm cỗ cúng 30 Tết không cần quá cầu kì, miễn là thành tâm. Ảnh: ST.


Trước đây, mâm cỗ tất niên của miền Bắc nói riêng và mâm cỗ tất niên của người Việt nói chung luôn luôn đảm bảo đủ 6 bát (măng, bóng, mực, nấm thả, miến, mọc) và 8 đĩa (thịt gà luộc, giò lụa, chả quế, trứng muối, dưa hành, bánh chưng, lòng gà xào dứa và cá kho). Nhưng theo thời gian, nhiều món ăn truyền thống dần mất đi mà thay vào đó là những món ăn đặc sản thời hiện đại.

Từng vùng miền, mâm cỗ cúng tất niên và cúng giao thừa cũng có những điểm khác biệt như miền Bắc không thể thiếu bánh chưng, giò lụa, đĩa nem rán. Còn miền Trung là bánh tét, thịt heo luộc, miền Nam là thịt kho tàu, gỏi tôm thịt,...

Ngoài ra, lễ cúng còn có mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, trà, rượu, bánh chưng và mâm cỗ thức ăn (chay hoặc mặn). Mâm cỗ cúng thường được đặt ở một cái bàn con bên dưới, còn trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi, mâm ngũ quả, một ít tiền vàng mã mang tính tượng trưng.

Mâm ngũ quả dành cúng gia tiên nên chọn các loại quả ăn được, bày biện đẹp mắt, không nên dùng quả giả.

Trên đây chỉ là cách bày trí mâm cỗ cúng đêm 30 Tết một cách cơ bản. Còn tuỳ điều kiện mỗi gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên khác nhau, miễn là thể hiện sự thành kính đối với ông bà, tổ tiên.

 

https://laodong.vn/van-hoa/cach-chuan-bi-mam-co-cung-tat-nien-30-tet-day-du-va-chuan-nhat-779596.ldo

Theo L.C (LĐO)