Hương vị Tết trong những chiếc bánh chưng của làng Tranh Khúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày này, không khí Tết ở làng nghề gói bánh chưng truyền thống Tranh Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội) trở nên tấp nập hơn ngày thường. Tết ở đây dường như ghé thăm sớm hơn so với nhiều nơi khác.

 

.



Làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh chưng. Vào dịp cuối năm, nhà nào cũng thấy lá dong, gạo nếp, cái hoa vàng, thịt lợn...

Toàn thôn Tranh Khúc có 120 hộ làm nghề. Khi vào vụ Tết, tất cả các hộ gác mọi công việc để sản xuất bánh. Cao điểm của vụ bánh Tết từ ngày 10/12 Âm lịch và đến hết tháng Giêng năm sau. Thời gian này, không khí trong làng đã trở nên sôi động, tấp nập hơn so với ngày thường.

Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cũng ảnh hưởng đến nhu cầu và thị trường tiêu thụ bánh nên người làm nghề tại đây cũng cắt giảm số lượng bánh so với năm ngoái.

Bánh chưng của làng Tranh Khúc có mặt ở khắp nơi từ Hà Nội cho đến Thành phố Hồ Chí Minh. Người Tranh Khúc làm bánh chưng quanh năm không bán lẻ mà giao cho các cửa hàng, siêu thị. Vào dịp Tết, số lượng tăng lên gấp năm, gấp bảy lần ngày thường. Trong đó có những nhà cho ra lò gần 2.000 chiếc bánh mỗi ngày.

Ở Tranh Khúc ai cũng biết gói bánh chưng, các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu được phân công đã đến mức chuyên nghiệp: Người rửa lá, xếp lá, người đồ đỗ xanh đánh nhuyễn, người "pha" thịt lợn... Người dân gói bánh bằng tay nhưng chiếc bánh vẫn vuông vắn, sắc cạnh và đều tăm tắp...

Theo Minh Hiếu (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm