Emagazine

E-magazine “Bắt mạch” thời tiết giữa đại ngàn

Đã hẹn trước, chúng tôi có mặt ở Trạm thủy văn Pmơrê khi nắng xuân vẫn da diết trên những cội mai già. Trạm Pmơrê nằm trên quốc lộ 19 thuộc địa phận thôn Nhơn Thọ (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang), cách cầu Ayun gần 1 km. Từ tòa nhà hành chính đi bộ hơn 300 m xuống tới trạm đo nằm ở bờ trái sông Ayun.

Một ca đo lưu lượng thường có 4 người, nhưng hôm nay, 1 người bị đau. Trạm trưởng Lê Thanh Vàng trèo lên nôi-một nhà tôn rộng khoảng 8 m2 treo trên dây cáp tựa như cáp treo-cách mặt đất khoảng 2 m để kiểm tra trước khi vào ca đo. Quan trắc viên Nguyễn Văn Công nhanh chóng lắp lưu tốc kế-dụng cụ đo tốc độ nước vào “con cá sắt”-máy đo lưu lượng nước, kiểm tra dây tời nối cá sắt dưới đất với nôi phía trên. Trong khi đó, nữ quan trắc viên Lê Thị Thu Hương kiểm tra sổ sách, máy hiển thị số liệu… Sau đó, cả nhóm trèo lên nôi. Muốn đưa nôi ra giữa dòng sông thực hiện đo đạc, anh Vàng và anh Công phải quay tời theo cách thủ công. Diện tích bên trong nôi khá nhỏ, mọi người phải khéo léo xoay xở mới không ảnh hưởng tới công việc của nhau.

Chiếc nôi chòng chành trượt theo dây cáp ra giữa sông. Từ trên cao nhìn xuống, dòng Ayun như một dải lụa mềm mại uốn lượn qua đồi núi, ruộng đồng. Một bức tranh rất thơ hiện ra trước tầm mắt khiến chúng tôi không khỏi trầm trồ. Nhưng các quan trắc viên dường như không quan tâm tới cảnh vật, mà tập trung cao độ vào công việc. Cá sắt nặng 80 kg mang theo lưu tốc kế từ từ được thả xuống dòng nước. Qua khung cửa sổ nhỏ, chị Hương tập trung quan sát mặt nước để phát hiện cây trôi xuống từ phía thượng nguồn. Chị cho biết, nếu không phát hiện cây trôi kịp thời, cây vướng vào cá sắt và cuốn trôi thiết bị đo hoặc làm cá mất đối trọng.

Sau thực hiện đo trên nôi, anh Công tiếp tục xắn quần lội xuống mép sông để đo và đọc mực nước. Tất cả thông số trong ca đo đạc ngay lập tức được chuyển về trung tâm. Đây cũng chính là những dữ liệu ban đầu để các dự báo viên khai thác, đưa ra những bản tin dự báo chính xác, chất lượng.

Mỗi lần đo lưu lượng nước kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ. Thời tiết mát mẻ nhưng lưng áo người nào cũng đẫm mồ hôi. Trạm trưởng Lê Thanh Vàng cười nói: “Đây là mùa đỡ vất vả nhất trong năm. Ngành này khổ nhất là vào mùa mưa lũ, bởi cứ 1 giờ, chúng tôi thực hiện “đo mưa đếm nước” 1 lần để cập nhật mực nước. Có khi lũ lên nhanh, trong 1 giờ, biên độ nước đã lên 1-1,5 m nên càng mưa to, chúng tôi càng phải bám sông, cập nhật nhanh chóng thông tin lũ chuyển về trung tâm để đưa ra những cảnh báo kịp thời, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người dân”. Cũng bởi tính đặc thù và quan trọng của công việc nên vào mùa mưa lũ, một giấc ngủ trọn vẹn đối với những quan trắc viên thủy văn là điều hiếm hoi.

Trạm thủy văn Pmơrê có 4 cán bộ, quan trắc viên, trong đó, anh Vàng và chị Hương là vợ chồng. Hai người cùng học Trường Cán bộ Khí tượng Thủy văn TP. Hồ Chí Minh (nay là Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh). Sau khi ra trường, anh Vàng về công tác tại Gia Lai, còn chị Hương có công việc ổn định ở phía Nam. Chính tình yêu đã giúp anh chị nên duyên, cả 2 cùng công tác ở trạm từ năm 2009 đến nay.

Ấn tượng ngày đầu của cô gái quê sông nước Tiền Giang về mảnh đất Gia Lai là khí hậu 2 mùa với kiểu thời tiết đặc thù. “Tôi về Gia Lai tháng 4-2008 đang giữa mùa khô, nước sông Ayun cạn tới mắt cá chân. Nhưng đến mùa mưa thì nước sông lên nhanh, đặc biệt là rất nhiều cây trôi. Trạm ở giữa vùng dân cư thưa thớt, mặt trước giáp quốc lộ nhưng kéo dài ra sau lại rất hoang sơ, chỉ có mênh mông đồi núi”-chị Hương chia sẻ.

Tuy có người bạn đời cùng nghề, cùng đơn vị công tác có thể hỗ trợ nhau trong công việc lẫn cuộc sống, nhưng do đặc thù công việc nên không khi nào gia đình chị có đầy đủ thành viên, kể cả dịp lễ, Tết. Chị Hương trải lòng: “Chúng tôi phải thực hiện công việc bất kể ngày, đêm, lễ, Tết, lúc nào cũng phải trực 24/24 giờ nên người này ở nhà thì chắc chắn sẽ vắng mặt người kia. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ thì vợ chồng tôi đều vắng nhà vì phải thực hiện đo lưu lượng từng giờ một. Đó cũng là thiệt thòi với các con. Có lần nghe con nói “Ước gì đừng có mưa lũ để bố hoặc mẹ ở nhà” mà tôi thấy nhói lòng vì thương con”.

Vất vả là vậy, nhưng điều kỳ thú về thời tiết cũng hấp dẫn khó cưỡng đối với những cán bộ ngành này. Chị Hương đùa rằng, vất vả chính là đặc thù riêng của công việc, gắn bó lâu dần cũng thành quen như người ta quen trong cái khổ vậy.

Anh Vàng, chị Hương, anh Công thuộc thế hệ trẻ của Trạm thủy văn hình thành gần nửa thế kỷ ở hạ lưu dòng Ayun. Kể từ khi thành lập (năm 1976) đến nay, Pmơrê là một trong những trạm thủy văn trong mạng lưới trạm cấp 1 của cả nước, đồng thời là 1 trong 3 trạm thủy văn của tỉnh có nhiệm vụ cung cấp thông tin, cảnh báo lũ lụt. Các quan trắc viên đều có thâm niên công tác và không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. Chị Hương là quan trắc viên giỏi của ngành. Từ năm 2010 đến nay, trừ 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nào chị cũng tham gia hội thi quan trắc viên giỏi khu vực và quốc gia.

Ông Lê Văn Hưng-Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên-cho biết, do đặc thù công việc không có ngày nghỉ, không có lễ, Tết, thu nhập lại không cao nên ngoài kiến thức chuyên môn, những người làm trong ngành khí tượng thủy văn phải thực sự yêu thích, nhiệt huyết mới có thể tận tâm, gắn bó lâu dài với nghề.

Từ một quan trắc viên đến vai trò quản lý như hiện tại, “nhạc trưởng” Lê Văn Hưng có 35 năm gắn bó với ngành khí tượng thủy văn Tây Nguyên. Ông thấu hiểu hơn ai hết cuộc sống và tinh thần cống hiến của những cán bộ trong ngành cho công việc “bắt mạch” thời tiết. Tốt nghiệp Trường Cán bộ Khí tượng Thủy văn Trung ương năm 1988 (nay là Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), ông Hưng cùng 3 người bạn hăm hở xung phong lên Tây Nguyên. Họ đi tàu vào Quy Nhơn, rồi từ đó bắt xe lên Gia Lai. Những gì diễn ra sau đó khiến ai nấy đều bị choáng. “Đoàn công tác của Đài Khí tượng chở tôi lên trạm Đak Tô (Kon Tum) trong đêm. Trạm nằm trên một đỉnh đồi giữa rừng le heo hút, bốn bề rừng núi vắng lạnh. Người cán bộ của trạm khi đó nửa đùa nửa thật rằng, phải đưa đi trong đêm chứ đi ban ngày sợ tôi biết đường bỏ về mất. Mà đúng là thế thật. Các trạm khí tượng thủy văn thường đặt đầu sông ngọn suối hoặc đồi núi heo hút, thời kỳ đó lại không có điện, chỉ dùng đèn dầu. Toàn bộ hoạt động đo đạc đều thực hiện thủ công, sau đó mã hóa ngắn gọn và gửi đi bằng điện thoại bàn quay số kêu reng reng”-ông Hưng kể.

Trong số 3 người cùng lên công tác với ông Hưng 35 năm trước, 2 người nay đã không còn. Người còn lại cũng chính là vợ ông-bà Dương Thị Thân-quan trắc viên Trạm khí tượng Pleiku. Một đời gắn bó với ngành khí tượng thủy văn, ông bà đã cùng nhau đi qua giai đoạn khó khổ nhất cho đến ngày hôm nay, trở thành một mảnh ghép quan trọng trong sự phát triển của ngành khí tượng thủy văn Tây Nguyên.

Đến nay, sự phát triển của công nghệ thông tin hiện đã hỗ trợ rất lớn cho công tác dự báo. Nếu trước đây chỉ đo đạc hoàn toàn thủ công, mã hóa số liệu và truyền đi bằng điện thoại bàn thì nay công nghệ đã hỗ trợ hoạt động này nhanh chóng, chính xác. Ông Hưng cho biết: “Ngoài 34 trạm khí tượng thủy văn, khu vực Tây Nguyên đã lắp đặt 200 trạm đo mưa tự động và sẽ còn được cấy dày, mở rộng trong thời gian tới. Các trạm có con người cũng đều được đầu tư thiết bị, hiện đại hóa công nghệ dự báo, thông tin và dữ liệu, điều tra, đo đạc khảo sát”.

Theo người đứng đầu ngành khí tượng thủy văn khu vực, chuyển đổi số trong công tác dự báo đặt ra vấn đề rất lớn về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. “Hiện các trạm đang làm việc bán tự động, nửa máy móc, nửa lao động trực tiếp. Điều đó đòi hỏi cán bộ quan trắc không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn giỏi về công nghệ thông tin để vận hành máy móc, xử lý sự cố ở các trạm tự động, nếu có vấn đề xảy ra. Ngoài đội ngũ hiện đang công tác, ngành khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên còn thiếu nhân lực nhưng rất khó khăn trong tuyển dụng. Có những trạm đáng lẽ phải có 5 người thì hiện chỉ có 3. Công việc vốn vất vả, 3 người làm việc cho 5 người thì vất vả càng nhân lên gấp bội. Trong khi đó, mức thu nhập chưa thực sự hấp dẫn nên càng khó để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác”-ông Hưng cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Canh cánh nỗi lo mía cháy

E-magazineCanh cánh nỗi lo mía cháy

(GLO)- Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt dọn ruộng mía tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Bà con nông dân đang canh cánh nỗi lo mía cháy.

Khúc hoan ca làng chài

E-magazineKhúc hoan ca làng chài

(GLO)-

Từ dăm con thuyền dạt trôi giữa mênh mông sông nước Sê San ngày nào đã hình thành 1 làng chài với hơn 30 hộ dân. Hôm nay, làng chài trên dòng Sê San đã đổi vận từ con cá và du lịch.

Xuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

E-magazineXuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

(GLO)- Sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhận được nhiều đơn hàng hơn so với năm ngoái. Đây là tín hiệu lạc quan, kỳ vọng tạo đột phá cho ngành xuất khẩu nông sản của tỉnh trong năm 2024.
Cô gái 9X và hành trình đạp xe xuyên Á

E-magazineCô gái 9X và hành trình đạp xe xuyên Á

(GLO)- Đang yên đang lành với công việc có thu nhập cao tại TP. Hồ Chí Minh, cô gái quê Gia Lai Trương Mỹ Châu (SN 1990) quyết định “đặt xuống mọi thứ” để thực hiện chuyến xuyên Việt, rồi xuyên Á bằng xe đạp.

Chàng trai Bahnar dẫn nước về làng

E-magazineChàng trai Bahnar dẫn nước về làng

(GLO)-Xuân này tròn 3 năm kể từ lúc dân làng Hrach (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) đón nguồn nước ngọt lành từ đỉnh núi Bok Ưng về tưới mát cả một vùng khô cằn. Câu chuyện về chàng trai Đinh Hmach dẫn nguồn nước về làng được đồng bào Bahnar nơi đây truyền tai nhau như một kỳ tích.
Trăm năm cõi chè

E-magazineTrăm năm cõi chè

(GLO)- Hàng thông trăm tuổi và Biển Hồ chè xanh bạt ngàn từ lâu đã trở nên nổi tiếng và quen thuộc, thu hút bao du khách gần xa đến tham quan, chiêm ngưỡng. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội đi một chặng đường dài để trải nghiệm hương vị cuộc sống ở cõi chè trăm năm này.

Mùa đót nở hoa

E-magazineMùa đót nở hoa

(GLO)-

Hàng năm, cứ đến độ xuân về, dọc khắp các con dốc, ven suối hay ở những triền đồi tại xã Hà Đông (huyện Đak Đoa), cây đót bắt đầu bung hoa.

Gặp kỷ lục gia Lê Mạnh Đông

E-magazineGặp kỷ lục gia Lê Mạnh Đông

(GLO)-Từng phải bỏ học giữa chừng vì trí nhớ không tốt, thế nhưng mới đây, anh Lê Mạnh Đông (tổ 4, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã trở thành kỷ lục gia Việt Nam khi ghi nhớ chính xác 500 số ngẫu nhiên trong thời gian ngắn nhất.