Bạn trẻ nước ngoài thích tết Việt Nam vì những điều này...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM cho biết rất thích tết cổ truyền của Việt Nam vì có nhiều hoạt động văn hóa phong phú, thắt chặt tình cảm giữa mọi người.

2 năm đón tết Việt Nam, lần nào cũng nhớ

Đang học tập tại Việt Nam, Sengchan Avouy đã đón Tết Nguyên đán được 2 lần. Chàng trai Lào đang theo học tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và sống ở Ký túc xá dành cho sinh viên Lào tại TP.HCM.

Sengchan Avouy chụp ảnh cùng tiểu cảnh Tết Nguyên đán 2024 ở Ký túc xá dành cho sinh viên Lào tại TP.HCM. ẢNH NVCC

Sengchan Avouy chụp ảnh cùng tiểu cảnh Tết Nguyên đán 2024 ở Ký túc xá dành cho sinh viên Lào tại TP.HCM. ẢNH NVCC

Lần đầu Avouy đón Tết Nguyên đán là lúc học năm nhất đại học, khi đó chàng trai nghe nhiều bạn nói rằng đây là ngày tết đặc biệt của Việt Nam nên quyết định ở lại trải nghiệm trong suốt kỳ nghỉ.

Vào đêm giao thừa, cũng như nhiều bạn trẻ khác, Avouy đến bến Bạch Đằng, Q.1, TP.HCM để xem bắn pháo hoa mừng năm mới. Chàng trai kể vẫn còn nhớ rõ cảm giác bất ngờ với "biển" người đông đúc, đường phố kẹt xe, không chỉ người Việt Nam mà còn có cả du khách nước ngoài.

"Chỉ khi đến Việt Nam mình mới thấy khung cảnh này. Ở Lào vào những ngày lễ lớn cũng không đông đúc như vậy", chàng trai nhớ lại.

Khi pháo hoa rực sáng trên bầu trời TP.HCM vào thời khắc giao thừa, Avouy hồi tưởng lúc đó đã ước cho mình và gia đình có nhiều sức khỏe, những điều không may trong năm cũ sẽ trôi qua, đón những điều may mắn vào năm mới. Chàng trai cũng chúc cho bản thân học tập thật tốt, gặt hái được nhiều thành công.

Trong những ngày tết ở TP.HCM, Avouy nói dù có hơi nhớ nhà vì xa người thân, nhưng bù lại, chàng trai nhận được rất nhiều tình thương yêu từ những người bạn Việt Nam, các tổ chức đoàn thể.

Avouy và các bạn được tặng quà tết, bánh kẹo, tham gia hoạt động gói bánh tét, bánh chưng, làm các loại mứt tết, trang trí hoa mai tại chỗ ở, đi bảo tàng, các khu di tích. Ngoài ra, chàng trai còn được tham gia chương trình giao lưu ẩm thực Việt Nam - Lào, tự tay nấu xôi, làm gỏi đu đủ, gỏi thịt, những món ăn truyền thống của Lào để đãi mọi người.

Bạn trẻ nước ngoài thích thú khi mặc áo dài Việt Nam. ẢNH NVCC
Bạn trẻ nước ngoài thích thú khi mặc áo dài Việt Nam. ẢNH NVCC

"Mình được học cách gói bánh tét của Việt Nam, dù rất khó nhưng được các bạn hướng dẫn nhiệt tình. Mình hoàn thành đòn bánh, nấu và chờ chúng chín, thưởng thức rất thú vị. Bánh tét rất ngon, chả giò chiên và thịt kho cũng vậy", Avouy kể.

Ngoài ra, vào dịp tết những người trẻ như Avouy cũng được lì xì mừng tuổi. Điều này làm chàng trai và nhiều người bạn trẻ Lào cảm thấy bất ngờ và rất hào hứng vì tết cổ truyền tại đất nước họ không có phong tục này.

Avouy nói trong thời gian sinh sống và học tập tại Việt Nam, anh yêu quý đất nước này vì được mọi người giúp đỡ nhiệt tình. Trong những ngày đầu đến TP.HCM học tập, dù gặp rào cản ngôn ngữ, nhưng có nhiều bạn trẻ Việt Nam cùng chia sẻ, học bài với Avouy để chàng trai cảm thấy không bị bỏ lại. Những tình cảm và kỷ niệm ấy Avouy nói sẽ luôn nhớ và mang theo bên mình khi quay về Lào làm việc sau này.

Thích thú vì được mặc áo dài chụp ảnh tết

Cũng từng đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam, Keo Linda, du học sinh Campuchia đang học tập tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), nói vẫn nhớ như in cảm giác phấn khích khi được bạn cùng lớp đưa về quê nhà tại H.Củ Chi để ăn tết cùng gia đình.

Tại đây, Linda được trải nghiệm nhiều hoạt động trước thềm năm mới, cô cùng bạn quét dọn và trang trí nhà cửa, lặt lá mai, treo liễn, bao lì xì. Ấn tượng nhất phải kể đến là việc nấu và thưởng thức những món ăn truyền thống trong tết Việt, như: canh khổ qua, bánh chưng, thịt kho. Đây cũng là những món ăn mà nữ sinh người Campuchia rất yêu thích vì có hương vị thơm ngon.

Theo góc nhìn của Linda, Tết Nguyên đán và tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây ở Campuchia, quê hương của cô gái có những nét tương đồng, như: mọi người sẽ được nghỉ ngơi; con cái thường tặng quà cho cha mẹ; mọi người đến chùa để mong ước bình an cho gia đình trong năm mới. Đồng thời, không nói những điều xui xẻo hoặc ngụ ý không tốt trong những ngày tết.

Trong thời gian đón Tết Nguyên đán, Linda rất vui khi được mặc áo dài do bạn chuẩn bị, cảm giác mình như một thành viên trong gia đình người Việt, được yêu thương và đối xử rất tốt.

Cũng yêu thích trang phục áo dài của Việt Nam, trước thềm năm mới 2024, Huon Leanghour, du học sinh Campuchia, đang học tập tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cùng các bạn người Việt chụp ảnh tết tại Bảo tàng Áo dài. Chàng trai nói ấn tượng với trang phục truyền thống của người Việt vì khoác vào người nhìn rất thanh lịch, trang trọng.

"Mình ấn tượng với tết cổ truyền của Việt Nam vì đường phố khắp nơi được trang hoàng hoa mai vàng rực rỡ. Đi trên những con đường tại TP.HCM thời điểm này cũng làm mình cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn rất nhiều", Huon Leanghour chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.