Bác sĩ nặng lòng với bệnh nhân nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 20 năm thực hiện sứ mệnh chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh, bác sĩ Nguyễn Công Huấn (Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) đã tiếp xúc rất nhiều bệnh nhân. “Nhiều bệnh nhân nghèo lại lâm trọng bệnh phải chạy chữa lâu dài, đã khó lại càng thêm khó. Không thể làm ngơ trước những hoàn cảnh ngặt nghèo đó, tôi tâm niệm giúp được gì thì cố hết sức”-bác sĩ Huấn trải lòng.

“Bữa cơm nhân ái”

Tháng 3-2020, bác sĩ Nguyễn Công Huấn-Trưởng khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Bệnh viện 331) đưa ra đề xuất chương trình “Bữa cơm nhân ái” cho bệnh nhân nghèo điều trị tại bệnh viện. Ý tưởng đó nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của tập thể y-bác sĩ, tiếp đó là sự đồng hành của Công đoàn, Đoàn Thanh niên. Đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, Bệnh viện phát cháo vào buổi sáng, phát cơm trưa cho bệnh nhân nghèo.

 Bác sĩ Nguyễn Công Huấn (bìa phải) phụ phát cơm cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 3. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ Nguyễn Công Huấn (bìa phải) phụ phát cơm cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 3. Ảnh: Như Nguyện


Mặc dù bận rộn với công tác chuyên môn nhưng các y-bác sĩ Bệnh viện 331 vẫn sắp xếp thời gian, phân công nhau tự tay nấu những bữa cơm bảo đảm chất lượng cho người bệnh. Bác sĩ Huấn chia sẻ: Qua thực tế công tác, tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân nghèo không có đủ tiền trong quá trình điều trị. Vì thế họ ăn uống rất tằn tiện, qua loa, nhất là bà con người dân tộc thiểu số. “Mong muốn đem đến bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân nghèo nên tôi đã đề xuất chương trình “Bữa cơm nhân ái”. Ban đầu, kinh phí do y-bác sĩ đóng góp, sau đó kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ. Về sau có Mạnh Thường Quân đứng ra lo kinh phí và nhận nấu ăn cho bệnh nhân. Chương trình duy trì đều đặn từ đó đến nay”-bác sĩ Huấn nói.

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bác sĩ Nguyễn Công Huấn tình nguyện nhận công tác tại Bệnh viện dã chiến số 1 rồi đến Bệnh viện dã chiến số 3. Sau chuyển về Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) để chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng. “Trong thời gian làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 3, tôi kêu gọi Mạnh Thường Quân tài trợ hàng ngàn suất ăn miễn phí cho bệnh nhân trong bối cảnh ngân sách nhà nước không còn hỗ trợ tiền ăn (80 ngàn đồng/người/ngày) cho các cơ sở điều trị Covid-19 (F0 là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo có chính sách hỗ trợ theo quy định). Ngoài ra, tôi còn cùng các y-bác sĩ vận động để hỗ trợ thêm sữa, nhu yếu phẩm cho bệnh nhân, tiếp thêm động lực để họ an tâm điều trị”- bác sĩ Huấn thông tin.

Hỗ trợ bệnh nhân suy thận mãn

Nghỉ việc tại Bệnh viện 331, trước những lời mời thu nhập cao của các bệnh viện tư, bác sĩ Huấn chọn về công tác tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) từ tháng 5-2022 đến nay. Bác sĩ Huấn bộc bạch: “Làm bệnh viện tư  lương sẽ cao nhưng bản thân mong muốn được giúp bệnh nhân nghèo. Vì vậy mà tôi chọn Bệnh viện Đa khoa tỉnh”.

 Bác sĩ Nguyễn Công Huấn (bìa trái) trao quà của Mạnh Thường Quân tại Bệnh viện dã chiến số 3. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ Nguyễn Công Huấn (bìa trái) trao quà của Mạnh Thường Quân tại Bệnh viện dã chiến số 3. Ảnh: Như Nguyện


Công tác tại đây, anh tận mắt chứng kiến một số bệnh nhân nghèo suy thận mãn điều trị tốn kém, thuê trọ, người không có điều kiện nằm cả ngoài hành lang bệnh viện chờ đến lượt chạy thận. Mùa nắng thì không sao nhưng mưa gió thì lạnh lẽo. Từ đề xuất của anh, Ban Giám đốc Bệnh viện đã cải tạo khu bếp cũ dành cho bệnh nhân nấu ăn thành nơi nghỉ cho bệnh nhân nghèo. Tổ chức nấu cơm phát miễn phí ngày 3 bữa cho bệnh nhân nghèo suy thận và bệnh nhân ung thư. Nói về việc làm và đề xuất của bác sĩ Huấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phạm Bá Mỹ nhận xét: “Ý tưởng của bác sĩ Huấn rất nhân văn và thiết thực. Vì vậy khi đề xuất đưa ra, chúng tôi đồng ý ngay”.

Cuối tháng 6-2022, khu bếp cũ được cải tạo thành chỗ nghỉ thuận lợi cho bệnh nhân nghèo. Không những vậy, những bệnh nhân nghèo suy thận còn được phát miễn phí 3 bữa cơm/ngày. Bước đầu, bếp ăn cấp mỗi bữa 100 suất cho bệnh nhân nghèo. Ông Đoàn Hợp (xã Kông Yang, huyện Kông Chro) xúc động chia sẻ: Tôi chạy thận 2 lần/tuần. Do nhà xa nên ở lại bệnh viện cho tiện. Trước đây, không có chỗ ở và không có tiền thuê trọ, tôi phải ngủ ngoài hành lang bệnh viện. Nay có chỗ ở đàng hoàng, cơm nước phát miễn phí nên không lo nghĩ nhiều nữa mà an tâm điều trị”.

Phụ nấu ăn tại đây, bà Nguyễn Thị Dung (thôn 5, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) bộc bạch: “Tôi bị K đại tràng giai đoạn 3. Qua điều trị, sức khỏe hiện cũng tạm ổn. Khi biết bác sĩ Huấn tổ chức chương trình nấu ăn cho bệnh nhân nghèo, tôi liền đến đây phụ giúp. Tôi biết bác sĩ Huấn đã lâu. Anh là một thầy thuốc rất có tâm với bệnh nhân nghèo”.

“Giúp bệnh nhân, thấy họ vui mình cũng vui theo. Làm được gì cho bệnh nhân tôi sẽ cố gắng hết sức. Tôi mong các Mạnh Thường Quân hỗ trợ thêm giường, chăn màn, lương thực thực phẩm... để giúp được nhiều bệnh nhân nghèo”-bác sĩ Huấn tâm sự.

 

NHƯ NGUYỆN

 

Có thể bạn quan tâm

Tết quê hương trong trái tim du học sinh Việt

Tết quê hương trong trái tim du học sinh Việt

“Cảm giác cô đơn và nhớ nhà bỗng dịu nhẹ hơn nhờ những lần gặp gỡ đồng hương, trò chuyện, tay bắt mặt mừng, ăn cơm Việt, nói tiếng Việt… trên đất Hàn”, Phương Loan (du học sinh Hàn Quốc) tâm sự trong những ngày cận Tết ở nước bạn.

Tết rồi, về nhà thôi...

Tết rồi, về nhà thôi...

Trong năm 2024, tôi (TS. Nguyễn Duy Duy - Viện Nghiên cứu Môi trường, Viện Nghiên cứu Quốc gia Úc) đã đặt chân tới 4 châu lục. Những chuyến công tác, những hội thảo khoa học, đưa tôi tới nhiều vùng đất khác nhau. Tôi đã đi thật xa, và giờ là lúc trở về. Tết rồi, về nhà thôi... 

Trào lưu tự làm giá đỗ hot trở lại, chị em 'rần rần' chia sẻ trên mạng

Trào lưu tự làm giá đỗ hot trở lại, chị em 'rần rần' chia sẻ trên mạng

Trước những thông tin giá đỗ trên thị trường bị "ngâm tẩm" chất cấm gây hại cho sức khỏe, trào lưu tự làm giá đỗ tại nhà bất ngờ hot trở lại. Trong các hội nhóm làm giá đỗ, chị em "rần rần" chia sẻ cách làm giá đỗ "ngon - bổ - rẻ" tại nhà, thu hút hàng nghìn lượt tương tác trong thời gian ngắn.

'Đu trend' cách nào?

'Đu trend' cách nào?

Đu trend” dường như đã trở thành thú vui phổ biến của người trẻ ngày nay. Dù có nhiều ý kiến trái chiều về xu hướng này, song giới trẻ vẫn đưa ra những lý giải hợp lý cho sở thích của mình. Theo các chuyên gia, bản thân trend không xấu, cách “đu trend” mới là điều đáng quan tâm.