Quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, tập thể cán bộ Trạm Y tế xã Ia Tô (huyện Ia Grai) đã không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, làm tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Chú trọng công tác dự phòng

Xã Ia Tô có 17 thôn, làng, trong đó có 7 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức của đa số người dân về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe còn hạn chế, nhất là người dân ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, Trạm Y tế xã Ia Tô luôn chú trọng công tác dự phòng để nâng cao nhận thức về vấn đề chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Bác sĩ Lê Hữu Thành-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Tô cho biết: Đa số người dân đến khám và điều trị tại Trạm đều mắc các bệnh về đường ruột, hô hấp và các bệnh theo mùa như sốt rét, cảm cúm, đau mắt đỏ, quai bị. Vì vậy, trong quá trình khám, cán bộ Trạm hướng dẫn cho bà con cách phòng tránh dịch bệnh. Đồng thời, hàng tháng, Trạm tổ chức các đợt tuyên truyền về phòng-chống các loại dịch bệnh và vận động người dân thực hiện tốt khâu ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh môi trường.

 

Bác sĩ Thành thăm khám cho bệnh nhân.Ảnh: H.T
Bác sĩ Thành thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: H.T

Bên cạnh đó, để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn, cán bộ Trạm còn phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của huyện tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm đang hoạt động trên địa bàn và tiến hành tiêu hủy nhiều mặt hàng hết hạn sử dụng. Ngoài ra, cán bộ Trạm cũng luôn bám sát thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Theo đó, trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn phường được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin và không để xảy ra tai biến. Phụ nữ mang thai được khám sức khỏe định kỳ và tiêm phòng uốn ván đầy đủ. Song song với đó, cán bộ Trạm phối hợp tốt với các cộng tác viên y tế thôn làng tuyên truyền kiến thức dinh dưỡng cho các bà mẹ, đặc biệt là ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm chỉ còn 17%.

Nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh

Những năm gần đây, Trạm Y tế xã Ia Tô được đầu tư tương đối đầy đủ các trang-thiết bị phục vụ công tác khám-chữa bệnh như máy siêu âm, máy tính hiển vi, máy điện tim và các máy hấp dụng cụ. Bên cạnh đó, hàng tuần, Trạm Y tế xã đều tổ chức giao ban đánh giá kết quả hoạt động để rút kinh nghiệm và triển khai công tác tuần tới.

Trạm hiện có 6 cán bộ (trong đó có 1 bác sĩ), đa số đều được tạo điều kiện tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ để nâng cao trình độ chuyên môn và được phân công trực luân phiên 24/24 giờ để đảm bảo cho công tác sơ cấp cứu ban đầu cho các bệnh nhân.

Ông Lê Tiến Minh (thôn 3, xã Ia Tô) nằm điều trị tại Trạm đã 2 ngày cho biết: “Từ trước đến nay, mỗi lần bản thân hay người nhà bị đau ốm đều đến trạm khám và chữa bệnh, ít khi gia đình đi khám ở bệnh viện tuyến trên”. Tương tự, bà Rơ Mah Ih (làng Del, xã Ia Tô) chia sẻ: “Mình bị đau bụng nên lên Trạm khám từ lúc 5 giờ sáng. Bác sĩ chẩn đoán mình bị viêm ruột và cho mình thuốc uống. Bác sĩ còn chỉ cho mình cách ăn chín, uống sôi, ăn uống đúng giờ để giữ gìn sức khỏe, tránh các bệnh về đường ruột nên mình rất yên tâm khi khám và điều trị tại đây”.

Cũng theo bác sĩ Thành, hiện nay, nhu cầu khám-chữa bệnh của người dân tương đối cao. Riêng năm 2016, tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trạm là 4.623 lượt người, trong đó, bảo hiểm y tế là 3.790 lượt người. Những tháng đầu năm 2017, trung bình mỗi tháng có 400-500 lượt người đến khám và điều trị. Đặc biệt là không chỉ riêng xã Ia Tô mà người dân ở các địa phương khác như xã Ia Grăng (huyện Ia Grai), xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ) cũng tìm đến Trạm để được khám-chữa bệnh. Tuy nhiên, quy mô Trạm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám-chữa bệnh cho nhân dân. “Diện tích xây dựng Trạm trước đây là 250 m2 và sau đó được cơi nới thêm vào năm 2010 nhưng vẫn chưa đáp ứng được tổ chức hoạt động của Trạm, nhất là một số phòng chuyên môn quá chật hẹp. Vì vậy, Trạm rất mong nhận được sự đầu tư về cơ sở vật chất, đặc biệt là mở rộng diện tích các phòng chuyên môn để đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn”-bác sĩ Thành cho biết thêm.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Nỗi niềm bác sĩ trực cấp cứu

Nỗi niềm bác sĩ trực cấp cứu

(GLO)- Dốc toàn tâm toàn lực cứu chữa cho bệnh nhân nhưng chỉ vì một vài lý do khách quan nào đấy, các bác sĩ, nhân viên y tế lại bị chính bệnh nhân hay người thân của họ hành hung. Đấy là nỗi ám ảnh mà những ai từng trải qua sẽ không thể nào quên.
Ăn quả thầu dầu, 5 học sinh bị ngộ độc

Ăn quả thầu dầu, 5 học sinh bị ngộ độc

Thấy chùm quả lạ, 5 em nhỏ đã hái và chia nhau ăn. Ngay sau khi ăn chùm quả lạ này, các em xuất hiện tình trạng đau bụng, buồn nôn, nôn. Quả lạ gây ngộ độc được xác định là hạt thầu dầu. Độc tố trong hạt thầu dầu được xác định rất độc, trẻ em ăn 3 – 4 quả thậm chí có nguy cơ tử vong.
Hi hữu cứu sống nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh hiếm sau 5 tháng nằm viện

Hi hữu cứu sống nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh hiếm sau 5 tháng nằm viện

Ban đầu chỉ từ các triệu chứng lo lắng, đau đầu nhiều, sốt cao liên tục, khó tiếp xúc, bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc bệnh viêm não hiếm gặp. Bệnh nhân trải qua thời gian nằm viện, điều trị dài kỉ lục, với gần 5 tháng quyết tâm, không nản lòng của cả thầy thuốc, thân nhân đã mang lại sự hồi phục cho cô gái trẻ.
Bại não: Bệnh các bà mẹ cần biết

Bại não: Bệnh các bà mẹ cần biết

Bại não là một thuật ngữ thường dùng để mô tả một nhóm các tình trạng bệnh mạn tính ảnh hưởng đến vận động và sự phối hợp cơ bắp. Bại não do các tổn thương một hoặc nhiều vùng của não, thường xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi trước, trong hoặc sau sinh một thời gian ngắn hay trong thời kỳ trẻ nhỏ.
Hạ cholesterol từ bí đỏ

Hạ cholesterol từ bí đỏ

Cholesterol tích tụ nhiều trong cơ thể có thể gây xơ vữa động mạch, dẫn đến bệnh tim mạch. Dùng nước uống từ bí đỏ có tác dụng kiểm soát cholesterol.
Những thầy thuốc tận tâm với nghề

Những thầy thuốc tận tâm với nghề

(GLO)- Bằng tấm lòng thương yêu người bệnh, các cán bộ y tế xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) đang ngày ngày cần mẫn giúp đồng bào nghèo nơi đây xua đuổi bóng ma bệnh tật và chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho người dân.