(GLO)- Một mùa xuân mới đang chạm ngõ từng nhà với biết bao niềm tin và hy vọng. Nhìn lại chặng đường 45 năm sau ngày giải phóng tỉnh, chúng ta không khỏi tự hào khi thấy Gia Lai không ngừng đổi mới, vững bước đi lên cùng đất nước.
Gian nan ngày đầu giải phóng
Đã 45 năm trôi qua nhưng ông Nguyễn Văn Hải (tổ 2, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vẫn không thể quên những ngày đầu đầy gian khó sau giải phóng. Ông kể: “Lương thực có lẽ là vấn đề nan giải nhất khi đó. Gạo của chính quyền cách mạng chia cho dân chỉ mang tính cấp thời cứu đói. Mỗi nhà cũng chỉ sản xuất được 1 vụ lúa rẫy/năm. Đồi đất dốc lại thẩm thấu quá nhiều thuốc diệt cỏ nên lúa trồng lâu cho thu hoạch mà cũng chỉ đạt 2 bao/sào. Hầu như gia đình nào cũng không đủ cơm ăn. Hạt gạo thời điểm đó quý như hạt ngọc. Chén cơm ít ỏi thường để dành cho con nít, còn người lớn thì ăn khoai độn qua ngày. Gia đình tôi phải ăn khoai lang suốt 3 năm liên tục, đến nỗi chỉ cần nhắc đến cơm là ai cũng thèm. Sau giải phóng, phong trào khai hoang trồng khoai lang trở nên rầm rộ trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có cả Pleiku. Vì là đất mới nên khoai trồng ở Pleiku rất tốt, củ to, cứ 3 tháng là cho thu hoạch. Những ruộng khoai lang đã góp phần đẩy lùi cái đói trong những năm đầu giải phóng”.
Người dân làng Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) chung tay di dời, sắp xếp lại làng. Ảnh: Hồng Thi |
Đi qua 86 mùa rẫy, già Yek (làng Ktu, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) cũng là người thấy rõ nhất sự đổi thay của quê hương mình. Với ông, những tháng ngày đó dù khó khổ nhưng vẫn rất đáng tự hào. Già Yek bảo, cả làng Ktu từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ đều đồng lòng đi theo cách mạng. Hòa bình lập lại, hơn 30 hộ dân quay về làng cũ để ổn định cuộc sống. Khung cảnh trước mắt họ là sự hoang tàn, đổ nát, nhà cửa không còn, đất đai lởm chởm vết tích đạn bom, chẳng thể bắt tay sản xuất trong một sớm một chiều. Những ngày đầu sau giải phóng, bên cạnh đi rừng săn bắt, đào củ mài về ăn qua bữa, dưới sự hướng dẫn của cán bộ xã, dân làng Ktu đã tập trung phục hồi toàn bộ diện tích ruộng hoang hóa trước đó, dẫn nước từ suối về để trồng lúa, quyết tâm đẩy lùi cái đói đang đeo bám từng nếp nhà. “Cứ 5-7 hộ hợp lại thành một nhóm để cùng nhau làm. Không khí lao động sôi nổi lắm. Vì muốn có gạo ăn nên bà con ai cũng cố gắng. Đến năm 1980, cả làng đã giải quyết được vấn đề lương thực; riêng gia đình tôi hàng năm đều sản xuất được 1 vụ lúa nước trên diện tích 1 ha”-già Yek chia sẻ.
Buôn làng khởi sắc
Chứng kiến sự đổi thay vượt bậc của vùng đất mình gắn bó, ông Hải vô cùng phấn khởi. Pleiku ngày càng khang trang, tươi đẹp khi chuẩn bị trở thành đô thị loại I với những con đường được nhựa hóa, bê tông hóa thênh thang; điện-đường-trường-trạm, điểm vui chơi giải trí mọc lên san sát; người người, nhà nhà đã có cuộc sống đủ đầy hơn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Không chỉ ở thành thị, diện mạo nông thôn của tỉnh cũng có nhiều khởi sắc. Đặc biệt từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), những làng quê trong tỉnh đã có những đổi thay đáng mừng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, Gia Lai đã đạt bình quân 12,8 tiêu chí/xã, 2 đơn vị cấp huyện có 100% xã đạt chuẩn NTM là TP. Pleiku và thị xã An Khê; có 14 làng DTTS đạt chuẩn làng NTM.
Đô thị Pleiku khang trang hôm nay. Ảnh: Hồng Thi |
Làng Pông là một trong 7 thôn, làng đặc biệt khó khăn của xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện. Trước đây, đời sống của bà con trong làng phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy, không hộ nào có đất trồng lúa nước, đa số đất vườn đều bỏ hoang. Mặt khác, 100% hộ dân không có nhà vệ sinh và còn nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn khiến môi trường sống trong làng bị ô nhiễm. Hệ thống điện cũ nát không đảm bảo an toàn, nước sinh hoạt thiếu thốn… Thế nhưng, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi từ khi làng được chọn làm điểm xây dựng làng NTM của huyện vào năm 2017. Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân làng Pông đã tích cực triển khai thực hiện quy hoạch, sắp xếp lại nhà ở dân cư, xây dựng làng NTM với nhiều con số ấn tượng: tham gia hơn 7.000 ngày công; hiến 16.000 m2 đất để làm đường giao thông, khu công cộng; san sẻ cho nhau 39.200 m2 đất ở. Sau 2 năm xây dựng làng NTM, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã có những chuyển biến tích cực, thay đổi rõ rệt nếp nghĩ, cách làm trong sinh hoạt và sản xuất.
“Từ 3 ha ban đầu, sau khi hoàn thành quy hoạch, làng Pông mới rộng khoảng 12 ha với 12 tuyến đường giao thông nội làng dài gần 3.000 m. 100% hộ dân đã biết làm chuồng trại chăn nuôi tách biệt ra khỏi nhà ở, cải tạo vườn tạp để trồng rau xanh và cây ăn quả; 78 hộ tham gia trồng mía theo mô hình cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hóa hoàn toàn. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm từ 70% xuống còn 45%. Làng Pông hôm nay không còn hình ảnh nhếch nhác, đói nghèo, nhà ở chen chúc, môi trường ô nhiễm, lầy lội nữa mà thay vào đó là một ngôi làng mới khang trang, sạch đẹp. Hiện làng đã đạt 16/19 tiêu chí của làng NTM, tăng 11 tiêu chí so với năm 2017”-Bí thư chi bộ làng Đinh Tuy cho hay. Tiếp bước làng Pông, làng Hek và làng Trớ (xã Chư A Thai) cũng đã hoàn thành việc di dời, sắp xếp lại dân cư một cách ngăn nắp và thuận lợi hơn; nhân dân các làng vô cùng phấn khởi.
Vững tin vào tương lai
Nhìn tổng thể gần nửa thế kỷ qua, tỉnh nhà thật sự đã có bước phát triển to lớn, toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khá khả quan: giai đoạn 1976-1990 bình quân tăng 3,5%; giai đoạn 1991-2010 bình quân tăng trên 11%; giai đoạn 2011-2015 bình quân tăng 12,81%; giai đoạn 2016-2018 bình quân tăng 7,76%. Riêng năm 2019, tăng trưởng kinh tế đạt 8,16%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; GRDP bình quân đầu người đạt 49,8 triệu đồng (gấp gần 68 lần so với thời điểm chia tách tỉnh vào năm 1991); giá trị sản xuất công nghiệp đạt 21.126 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 500 triệu USD; thu ngân sách nhà nước đạt 4.908 tỷ đồng…
Qua các thời kỳ phát triển, lĩnh vực văn hóa-xã hội của tỉnh cũng đạt được những bước tiến quan trọng. Toàn tỉnh hiện có 331 trường học đạt chuẩn quốc gia; cơ sở vật chất, trang-thiết bị đảm bảo nhu cầu học tập cho học sinh, không có học sinh nào nghỉ học vì thiếu trường, thiếu lớp. Mạng lưới và nguồn lực y tế không ngừng được củng cố với 4.120 giường bệnh; 90% xã có bác sĩ; 100% xã có nữ hộ sinh. Tỉnh cũng đã lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia với chương trình giảm nghèo, đến nay không còn hộ đói kinh niên. 100% xã đã có điện sinh hoạt, có sóng điện thoại và có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hợp tác đầu tư với các địa phương, khu vực được chú trọng; các thành phần kinh tế được tạo các điều kiện thuận lợi để hoạt động và phát triển. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2018 của tỉnh lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3 khu vực Tây Nguyên…
Gia Lai hôm nay được bạn bè gần xa biết đến nhiều hơn nhờ hàng loạt hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết phát triển du lịch. Những ngọn thác hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, những di tích lịch sử-văn hóa hay không gian văn hóa cồng chiêng… của mảnh đất cao nguyên nắng gió đã “quyến rũ” hàng ngàn du khách. Thêm vào đó, những năm qua, Gia Lai còn được Trung ương chọn để tổ chức nhiều sự kiện kinh tế-văn hóa quan trọng mang tầm quốc gia và quốc tế.
Một mùa xuân mới lại về. Kế thừa những thành tựu đã đạt được, đồng thời tận dụng các cơ hội phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những người con Gia Lai luôn tin rằng tỉnh nhà sẽ ngày một phát triển, vững tiến cùng đất nước, trở thành một địa phương có vị thế quan trọng ở khu vực Tây Nguyên.
HỒNG THI