Từ hôm nay, Úc hủy ưu tiên xét visa du học theo uy tín của trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chính phủ Úc vừa ban hành quy định mới về visa du học trong bối cảnh dự luật áp trần tuyển sinh bị rút lại nhưng nước này vẫn muốn giảm lượng người nhập cư.

Sinh viên quốc tế tại ĐH New South Wales, một trong những trường có độ rủi ro thấp theo đánh giá của chính phủ Úc
Sinh viên quốc tế tại ĐH New South Wales, một trong những trường có độ rủi ro thấp theo đánh giá của chính phủ Úc

Ưu tiên xét visa du học theo tiêu chí mới

Hôm nay, 19.12, chính phủ Úc phát đi thông báo cho biết bãi bỏ Chỉ thị 107 và thay thế nó bằng Chỉ thị 111. Các chỉ thị này không yêu cầu quốc hội chấp thuận và do đó cả hai thay đổi này có hiệu lực ngay lập tức. "Chính phủ Úc thừa nhận các quy định xử lý visa du học theo Chỉ thị 107 có tác động không đồng đều đến các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục", Bộ Nội vụ Úc lý giải nguyên nhân thay đổi.

Chỉ thị 107 được giới thiệu và ban hành vào tháng 12.2023 bởi cựu Bộ trưởng Nội vụ Úc Clare O'Neil, yêu cầu các quan chức bộ này xử lý đơn xin visa du học theo thứ tự ưu tiên, trong đó tiêu chí hàng đầu là mức độ rủi ro của cơ sở giáo dục. Đồng nghĩa, du học sinh nộp đơn vào trường CĐ hay ĐH nào được phân loại là có độ rủi ro thấp sẽ được xét visa du học nhanh hơn.

Chỉ thị 107 nhìn chung bị các nhà giáo dục Úc coi là một cơ chế "sai lầm nghiêm trọng", tạo ra nhiều bất ổn trên thị trường đồng thời làm tăng tỷ lệ từ chối visa và kìm hãm nhu cầu của sinh viên, trang ICEF Monitor bình luận. Cũng chính vì thế, việc bãi bỏ Chỉ thị 107 được toàn bộ ngành giáo dục quốc tế tại Úc hoan nghênh sau thời gian dài các hiệp hội liên quan liên tục chỉ trích và yêu cầu chính phủ thay đổi.

Bãi bỏ Chỉ thị 107, chính phủ Úc thay thế bằng Chỉ thị 111. Cụ thể chính phủ Úc sẽ yêu cầu các quan chức ưu tiên xử lý visa du học của từng trường cho đến khi trường đạt 80% hạn ngạch du học sinh tuyển mới được quy định ở Kế hoạch quốc gia (NPL) mà chính phủ nước này từng công bố trong dự luật áp trần tuyển sinh. Sau khi một trường đạt 80% hạn ngạch, trường đó sẽ bị xếp xuống cuối hàng chờ, nhường suất ưu tiên cho các trường chưa đạt đến 80% hạn ngạch.

Điều này đồng nghĩa, chính phủ Úc vẫn cấp visa du học cho ứng viên nếu họ xin học ở các trường đã vượt hạn ngạch tuyển sinh quốc tế, nhưng quy trình này sẽ mất nhiều thời gian hơn. "Chỉ thị 111 không phải là hạn ngạch cũng không đặt ra tiêu chí để chấp thuận hoặc từ chối đơn xin visa du học... Điều quan trọng nhất là sinh viên nào có dự định du học cần nộp đơn xin visa càng sớm càng tốt", thông cáo nhấn mạnh.

Theo chính phủ Úc, Chỉ thị 111 giúp việc xin visa du học diễn ra thuận lợi và công bằng hơn, đồng thời hỗ trợ nước này đạt được các mục tiêu giáo dục quốc tế
Theo chính phủ Úc, Chỉ thị 111 giúp việc xin visa du học diễn ra thuận lợi và công bằng hơn, đồng thời hỗ trợ nước này đạt được các mục tiêu giáo dục quốc tế

Tăng 15% lệ phí xin một loại visa

Theo tờ The Koala News, chính phủ Úc hôm 18.12 cũng quyết định tăng lệ phí xin visa làm việc sau tốt nghiệp (visa 485) thêm 15% từ ngày 1.2.2025, lên mức 2.235 AUD (35 triệu đồng). Còn với những trường hợp đã sở hữu visa 485 và đang xin cấp lại, mức phí trong thời gian tới tăng lên mức 880 AUD (14 triệu đồng). Nếu đi cùng thân nhân, đương đơn cũng phải trả thêm lệ phí visa tương ứng.

Việc tăng lệ phí xin visa 485 tuân theo một văn bản pháp lý mới từ Bộ trưởng Di trú và Đa văn hóa Tony Burke, tờ The Koala News cho biết thêm.

Trước đó vài ngày, Bộ Nội vụ Úc cũng thay đổi một số quy định về visa 485. Cụ thể, nếu muốn ứng tuyển visa 485 theo diện làm việc sau giáo dục ĐH, đương đơn có chứng chỉ sau ĐH (graduate diploma) phải tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ trong cùng năm học hay vào năm học ngay trước đó, và ngành học của chứng chỉ này phải liên quan đến bằng cấp được nhận trước đó.

Theo Bộ Giáo dục Úc, tính đến tháng 8 có 803.639 du học sinh theo học các khóa ở Úc. Trong đó Việt Nam có 36.490 người, xếp thứ 5. Ở các trường hàng đầu, số sinh viên lẫn nghiên cứu sinh người Việt chiếm tỷ lệ đáng kể như khoảng 600 người ở ĐH Melbourne, 400 người tại ĐH Adelaide hay nằm trong top 10 về số lượng ở ĐH Queensland... Trong đó, Victoria là bang tập trung đông du học sinh Việt nhất với 14.994 người.

Độ rủi ro của các tổ chức giáo dục là một khái niệm được ra mắt từ năm 2016 trong hệ thống đơn giản hóa visa du học (SSVF). Theo đó, nếu càng nhiều sinh viên quốc tế trượt visa sau khi đã được cấp thư mời nhập học, đánh giá rủi ro (Evidence Level) của trường trong SSVF càng có nguy cơ bị xếp hạng thấp (theo 3 cấp độ với mức 3 là xếp hạng thấp nhất).

Theo Ngọc Long (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thí sinh Gia Lai “thở phào” sau 2 bài thi tổ hợp

Thí sinh Gia Lai “thở phào” sau 2 bài thi tổ hợp

(GLO)- Sáng 28-6, sĩ tử Gia Lai tiếp tục bước vào ngày thi cuối kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội. Theo ghi nhận tại các điểm thi, với sự ôn tập kỹ lưỡng, thí sinh đã “thở phào” nhẹ nhõm sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp có tổng thời gian 150 phút.

Môn Toán khó lấy điểm 10

Môn Toán khó lấy điểm 10

(GLO)- Chiều 27-6, sĩ tử Gia Lai tiếp tục kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với môn Toán. Đề thi gồm 50 câu hỏi dưới hình thức trắc nghiệm. Theo ghi nhận của P.V, sau 90 phút làm bài, thí sinh rời phòng thi với nhiều tâm trạng xen lẫn. Đa số đều cho rằng dễ dàng đạt điểm khá nhưng khó lấy điểm 10.

Thí sinh Gia Lai phấn khởi sau môn thi đầu tiên

Thí sinh Gia Lai phấn khởi sau môn thi đầu tiên

(GLO)- Trưa 27-6, sau khi hoàn thành bài thi Ngữ văn-môn tự luận duy nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (thời gian làm bài 120 phút), nhiều thí sinh tỉnh Gia Lai rời phòng thi trong tâm trạng phấn khích bởi phần lớn nội dung đã được ôn tập kỹ trước đó.

Không để thí sinh nào bỏ thi vì kinh tế khó khăn

Không để thí sinh nào bỏ thi vì kinh tế khó khăn

(GLO)- Chiều nay (26-6), hơn 15.000 thí sinh Gia Lai sẽ có mặt tại 41 điểm thi để làm thủ tục và nghe phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Các ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ với quyết tâm không để thí sinh nào phải bỏ thi vì kinh tế khó khăn.