Chiều 31-1, Trung tâm Bảo vệ tác quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) Chi nhánh phía Nam đã có buổi báo cáo tổng kết năm 2014 và 10 năm hoạt động của trung tâm.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh tư liệu |
Tại lễ tổng kết, nhạc sĩ Ðinh Trung Cẩn-Giám đốc VCPMC Chi nhánh phía Nam- cho biết trong 10 năm hoạt động (2004-2014), trung tâm đã thu về gần 181 tỷ đồng tiền tác quyền.
Số tiền thù lao sử dụng quyền tác giả âm nhạc mà Chi nhánh phía Nam đã thu tăng đều từng năm.
Trong đó cao nhất là năm 2014 với 39,652 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013.
Nguồn thu tác quyền từ các tỉnh/thành phía Nam ngoài địa bàn TP. Hồ Chí Minh như: Bình Dương, Lâm Ðồng, Bình Thuận, Tiền Giang, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Bến Tre... trong năm 2014 cũng tăng 22% so với năm 2013, đạt gần 3,3 tỷ đồng.
Báo cáo từ trung tâm cũng cho thấy trong các lĩnh vực dịch vụ sử dụng âm nhạc mà trung tâm đã thu thì karaoke, phòng thu âm nộp tác quyền nhiều nhất trong năm qua với hơn 7 tỉ đồng.
Riêng lĩnh vực "ồn ào" nhất là biểu diễn thì các live show Việt Nam thu về hơn 2 tỷ đồng và live show mang tính quốc tế hơn 1,7 tỷ đồng.
Số tiền VCPMC Chi nhánh phía Nam chi trả cho các tác giả trong năm 2014 gần 27 tỷ đồng.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn là tác giả được trả tác quyền nhiều nhất với hơn 820 triệu đồng. Top 5 nhạc sĩ nhận tác quyền từ trung tâm trong năm 2014 còn có Nguyễn Quốc Tuấn (hơn 424 triệu đồng), Võ Ðại Hoài An (hơn 415 triệu đồng), Nguyễn Ðình Thuận (hơn 414 triệu đồng) và Nguyễn Văn Chung (hơn 340 triệu đồng).
Trung tâm cũng cho biết tổng số thành viên đã ủy thác tại Chi nhánh phía Nam là 1.963 tác giả trên tổng số 3.066 tác giả thành viên của VCPMC cả nước.
Trong 10 năm hoạt động, VCPMC đã ký hợp đồng song phương với 55 tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc quốc tế thuộc 148 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo Tuoitre