Trầm tích làng Việt Pleiku-Kỳ 1: Những trang sử thấm mồ hôi và máu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu ở An Khê từ thế kỷ XVII đã có người Việt đến lập nghiệp, kế đến là Kon Tum thì vùng đất thuộc TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) ngày nay mãi đến năm 1898 mới có cư dân đến vỡ đất lập làng. Qua biến thiên của lịch sử, với truyền thống yêu nước, ý chí lao động kiên cường, người Việt trên vùng đất Pleiku đã siết chặt tay đoàn kết cùng các dân tộc anh em đấu tranh chống thực dân, đế quốc, dựng nên những xóm làng trù phú và cuộc sống hòa bình, no ấm.


So với công cuộc khẩn hoang của nông dân Nam Bộ thế kỷ XVII-XVIII, cuộc vỡ đất lập làng của cư dân Việt ở Pleiku không kém phần gian khổ. Hơn thế, bên cạnh họ còn là thực dân Pháp xâm lược với những chính sách đàn áp, bóc lột dã man, chia rẽ Kinh-Thượng để dễ bề cai trị. Dù lớp người tiên phong vỡ đất từ lâu đã về với tổ tiên thì vẫn còn đây thế hệ con cháu với những câu chuyện truyền đời về một thời gian nan, cơ cực.

“Nhất phá sơn lâm”

Ông Nguyễn Bá Sạch năm nay 73 tuổi, tự hào rằng mình là “cư dân gộc” của làng Tiên Sơn xưa (nay là thôn Tiên Sơn 2, xã Tân Sơn, TP. Pleiku). Cha ông là Nguyễn Sanh-một trong những người đầu tiên theo ông Nguyễn Quỹ lên khai phá đất đai lập ra làng Tiên Sơn hồi năm 1898.

Ông Nguyễn Bá Sạch (bìa trái) và người em trai-thế hệ thứ 2 khai phá vùng đất Tiên Sơn. Ảnh: Ngọc Tấn
Ông Nguyễn Bá Sạch (bìa trái) và người em trai-thế hệ thứ 2 khai phá vùng đất Tiên Sơn. Ảnh: Ngọc Tấn



Ông Sạch kể: Theo lời cha ông truyền lại thì ông Nguyễn Quỹ quê ở Tây Sơn (Bình Định). Vì ông nội ông Quỹ tham gia phong trào Tây Sơn nên con cháu bị nhà Nguyễn truy bức. Đến đời ông Quỹ, dù đã cải sang Thiên chúa giáo nhưng vẫn bị o ép. Bực chí, ông Quỹ dẫn con gái bị tật bỏ làng đi tìm đất sống... Thấy thế đất ở Tiên Sơn “hậu sơn tiền thủy” quá đẹp, ông Quỹ bỏ ra 20 đồng bạc trắng cho chủ làng mua lại rồi nhờ cố Hiển (tức Linh mục Corompt) dẫn ra Pleiku gặp Công sứ Pháp xin lập làng. Viên Công sứ ra điều kiện nếu có đủ 12 hộ trở lên thì cho phép. Ông Quỹ quay về quê mộ được 15 hộ dẫn lên. Làng Tiên Sơn ra đời từ đó, sớm nhất trong Tam Sơn (gồm Tiên Sơn, Ngô Sơn và Hiển Sơn).

“Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”-câu ca của cha ông đúc kết đủ nói lên sự vất vả, cơ cực của công việc khẩn hoang. Theo lời cha tôi kể, bấy giờ, xung quanh khu vực này còn là rừng già vây bủa. Cọp rất nhiều. Cứ tối đến là nhà nhà đóng chặt cửa, không ai dám một mình đi ra khỏi làng. Ngày đi làm rẫy hay muốn qua làng đồng bào dân tộc, cây đao ngắn bao giờ cũng phải giắt sẵn sau lưng. Chuồng trâu bò phải đóng gióng thật chắc. Mỗi nhà phải sắm một chiếc mõ, nếu có động thì gióng lên để gọi làng đến ứng cứu. Đất đai tốt nên không ai đói nhưng cuộc sống vẫn cơ cực vì chỉ biết làm mỗi cây lúa rẫy; cũng “hai tay hai gậy” chọc lỗ tra hạt như đồng bào dân tộc thiểu số. Ốm đau thì chỉ biết chữa bằng thuốc Nam. Nói “thuốc Nam”, nhưng thực ra chỉ là vài cây thuốc chữa đau bụng, cảm sốt, mang từ quê lên trồng trong vườn nhà. Sau này, thực dân Pháp có lập một nhà thương ở Pleiku (đoạn gần trụ sở HĐND tỉnh ngày nay) nhưng người dân sợ, không ai dám ra”-ông Sạch hồi nhớ.

Sau một đỗi trầm ngâm, ông Sạch kể tiếp: Cuộc sống càng khó khăn hơn khi năm 1946, thực dân Pháp tái chiếm Pleiku. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân làng bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn, dắt díu nhau tản cư về Bình Định. Tuy nhiên, khi đến Mang Yang thì phải quay trở về. Dân làng tản mát, lạc nhau mỗi người một ngả. Người tìm về được làng thì ruộng vườn cỏ dại mọc ngút ngàn, tài sản không còn gì. Để kiếm sống, dân làng phải dựa vào việc buôn bán với các làng đồng bào dân tộc, đắp đổi qua ngày. Sau năm 1954, nhiều gia đình mới lần lượt tìm về. Năm 1965, Mỹ đổ quân vào miền Nam, chiến tranh bắt đầu ác liệt. Để tránh sự khủng bố, kìm kẹp của địch, người dân các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi tìm lên, làng xóm đông đúc dần. Tuy nhiên, cuộc sống gian khó thì vẫn tiếp diễn. Trừ những gia đình lên trước có ruộng đất, phần lớn bà con sống dựa vào việc làm thuê, khai thác cát hoặc buôn bán, đổi chác với các làng đồng bào dân tộc. Sau giải phóng, cuộc sống có khá hơn nhưng thực sự đổi thay thật sự thì phải đến quãng năm 1993-1994, khi cây cà phê và các loại cây dài ngày khác cắm rễ trên mảnh đất này…

Đình An Mỹ-ngôi đình cổ xưa nhất của các làng Việt còn lại ở Pleiku.  Ảnh: Ngọc Tấn
Đình An Mỹ-ngôi đình cổ xưa nhất của các làng Việt còn lại ở Pleiku. Ảnh: Ngọc Tấn



Ở những góc độ khác nhau, 5 làng Việt phía Đông Pleiku là Phú Thọ, Nguyên Lợi, Quảng Định, An Mỹ và Trà Nhá (nay thuộc xã An Phú) cũng đã trải qua một chương vỡ đất thấm mồ hôi và cả máu như vậy. Theo lời giới thiệu của ông Lê Đình Long-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn An Mỹ, tôi tìm gặp ông Đoàn Thế Nghè-một trong số ít người còn biết rõ lai lịch của làng Quảng Định xưa. Ông Nghè cho hay: Ông ngoại vợ ông (ông Trần Trung) là một trong những người đầu tiên khai phá và lập nên làng Quảng Định. Theo lời ông Trung kể lại, vào quãng năm 1920, ông Chánh Gõ và ông Nguyễn Mai Luật cùng 12 hộ đã đến vùng đất này vỡ đất. Họ ghép quê của 2 ông (Quảng Ngãi và Bình Định) làm tên làng. Do hầu hết là dân nghèo từ quê lên, họ phải bắt đầu cuộc sống mới vô cùng gian nan, cơ cực. Đất mới, xung quanh là rừng thiêng nước độc, bệnh tật, nhất là sốt rét hoành hành. Những con người quần áo rách rưới, ngày đánh vật với ruộng đồng, tối về chỉ biết chui vào ổ rơm ngủ… Năm 1946, lo sợ dân theo Việt Minh, thực dân Pháp gom hết các làng về Pleiku quản chế. Năm 1954, người dân mới được trở về làng cũ. Làng xóm đông đúc dần khi năm 1957, người dân các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi tránh sự bố ráp, kìm kẹp của chính quyền Mỹ-Diệm di cư lên. Tuy vậy, cuộc sống vẫn cơ cực, nhất là lớp cư dân đến sau. Để kiếm sống, họ hoặc là buôn bán nhỏ, đắp đổi qua ngày với các làng đồng bào dân tộc, hoặc là làm thuê cho địa chủ. Địa chủ cho những người đến sau mướn ruộng theo kiểu “phát canh thu tô” nên họ may lắm cũng chỉ đủ gạo ăn. Năm 1970, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trưng khẩu hiệu “người cày có ruộng”, chủ trương mua lại ruộng đất của những người nhiều cấp cho dân. Tuy nhiên, thực tế đây chỉ là trò chính trị bởi vẫn có đến 60% số dân An Phú không có ruộng phải đi làm thuê hoặc chạy chợ mua bán, đắp đổi qua ngày… Sau năm 1975, chính quyền cách mạng vận động hiến đất, thành lập hợp tác xã đảm bảo cho mọi nhà đều có ruộng. Nhưng do những bất cập trong cơ chế quản lý, đời sống của hầu hết người dân vẫn khó khăn. Và, cũng như với mọi miền đất nước, cuộc sống chỉ thật sự sáng lên khi công cuộc đổi mới bắt đầu.

Những đứa con cùng mẹ

Làng Tiên Sơn hôm nay. Ảnh: Ngọc Tấn
Làng Tiên Sơn hôm nay. Ảnh: Ngọc Tấn


Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc là truyền thống của người Việt từ buổi bình minh dựng nước. Đến khai phá vùng đất mới, mặc dù thực dân Pháp ra sức chia rẽ Kinh-Thượng nhằm thực hiện mưu mô thâm độc “chia để trị” nhưng chúng không thể lay chuyển được truyền thống đã ăn sâu trong huyết quản của dân ta. Ông Sạch kể: Ngay từ khi đến vùng đất mới, mặc dù còn lạ nước lạ cái nhưng người Kinh với đồng bào dân tộc 5 làng xung quanh đã sống rất đoàn kết. Trong các làng có lễ hội gì, chúng tôi đều đến tham gia. Đặc biệt, đồng bào các làng đã giúp đỡ người Kinh rất nhiều trong việc trao đổi, mua bán hàng hóa, đất đai. Năm 1946, chạy giặc trở về, xóm làng hoang tàn, tài sản mất sạch, bà con các làng đã mang gạo, muối ra cho. Cuộc sống hồi phục, một phần cũng là nhờ sự giúp đỡ đó. Bởi tình thân như thế nên 5 làng đồng bào dân tộc đều có người kết nghĩa cha mẹ, anh em với người Kinh. Lễ kết nghĩa bấy giờ được tổ chức trang trọng theo truyền thống, nghĩa là cũng tổ chức nghi thức “bú vú” với sự chứng kiến của người thân 2 gia đình và sau đó là tiệc “chiêu đãi” con mừng cha mẹ, cha mẹ mừng con… Từ thời cha ông đến lớp con cháu hiện nay, truyền thống đoàn kết vẫn tiếp tục được giữ gìn, phát huy.

Không chỉ  “Tam Sơn”, đến các làng ở An Phú hay Gia Tường (xã Gào), ở đâu tôi cũng nghe những lời kể xúc động về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái như vậy. Đặc biệt là những mối tình kết nghĩa cha con, mẹ con, anh em Kinh-Jrai thì gần như làng nào cũng có. Tình thân đó không chỉ một thời mở đất mà còn lưu giữ mãi đến hôm nay. Các vị cao niên như ông Nghè đã tự hào khẳng định với tôi rằng đã hơn 100 năm qua, chưa bao giờ có sự mâu thuẫn hay bất hòa nào giữa người Kinh với bà con dân tộc các làng.

 

NGỌC TẤN