(GLO)- Thất bại trong 2 cuộc phản công mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 ở miền Nam Việt Nam đã khiến Mỹ rơi vào thế bị động chiến lược. Các mục tiêu của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” về cơ bản không đạt được. Trong khi đó, cách mạng miền Nam ngày càng phát triển mạnh về cả thế và lực. Tháng 10-1967, Bộ Chính trị họp bàn cụ thể về chủ trương và kế hoạch chiến lược Đông-Xuân-Hè 1967-1968, quyết định lựa chọn phương án tiến công mới, đó là đồng loạt đánh mạnh vào các đô thị trên toàn miền Nam. Thời điểm bắt đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Mậu Thân 1968.
Thực hiện chỉ đạo của Khu ủy Khu 5, Tỉnh ủy Gia Lai vận dụng sáng tạo chủ trương của Trung ương Đảng vào thực tiễn địa phương, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, toàn diện về chính trị, vũ trang, binh vận, hậu cần… để giành thắng lợi trong cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Tháng 12-1967, Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy bàn kế hoạch tiến công và nổi dậy quyết định chọn thị xã Pleiku làm trọng điểm của tỉnh. Thời gian tổng tiến công và nổi dậy theo kế hoạch chung vào đêm Giao thừa, rạng sáng mùng 1 Tết Mậu Thân 1968.
Quang cảnh hội thảo Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Gia Lai do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức ngày 30-1-2018. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Mục tiêu chiến lược của cuộc tiến công và nổi dậy nhằm tiêu diệt và làm tan rã phần lớn quân đội, chính quyền tay sai, giành chính quyền về tay Nhân dân, góp phần cùng quân và dân miền Nam thực hiện thắng lợi Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Phương pháp tiến hành tổng tiến công và nổi dậy là kết hợp tiến công quân sự với tiến công chính trị, trong đó “chủ yếu là đòn tấn công quân sự để giải phóng”. Khẩu hiệu trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy là: Độc lập, tự do, hòa bình, cơm áo, ruộng đất, chấm dứt chiến tranh xâm lược, đế quốc Mỹ cút về nước.
Tỉnh đẩy mạnh xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, phục vụ yêu cầu kết hợp tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công; xây dựng cơ sở tại chỗ, đặc biệt là vùng ven thị xã, thị trấn. Tỉnh tăng cường những cán bộ, đảng viên có lập trường vững vàng, có kinh nghiệm lãnh đạo phong trào cách mạng quần chúng vào vùng trọng điểm. Tất cả cán bộ, đảng viên được tăng cường cùng với đảng viên địa phương kiên trì bám đất, bám dân, tuyên truyền phát động quần chúng, phát động phong trào chiến tranh du kích, xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng ven và trong nội ô thị xã, đặc biệt là ở những nơi yết hầu của địch.
Đúng vào 0 giờ 55 phút ngày mùng 1 Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc tiến công và nổi dậy trên địa bàn Gia Lai bắt đầu. Lực lượng vũ trang chủ lực của tỉnh đồng loạt tiến công vào các mục tiêu chính trị trọng yếu trong trung tâm thị xã Pleiku. Tiểu đoàn 408 tiến công sân bay Area, cơ quan Quân đoàn 2 ngụy, khu biệt động quân ở Biển Hồ. Đại đội 90, 21 đánh vào Tỉnh đoàn bảo an, Tiểu khu Pleiku, khu cảnh sát vùng II, tòa hành chính tỉnh… Cùng với đó, lực lượng vũ trang Gia Lai triển khai tiến công các ổ đề kháng của địch từ ngã ba Diệp Kính theo đường Hoàng Diệu (nay là đường Hùng Vương), đường Trịnh Minh Thế (nay là đường Trần Hưng Đạo) tiến về Trường Nam tiểu học Pleiku (vị trí ngày nay là Trường THPT chuyên Hùng Vương)… Cuộc tiến công bất ngờ đã gây cho địch nhiều tổn thất lớn, phần lớn quân địch chống cự yếu ớt và bỏ chạy thoát thân.
Cùng với tiến công quân sự, đấu tranh chính trị cũng được đẩy mạnh với hàng vạn quần chúng ở nông thôn và vùng phụ cận có lực lượng chỉ huy, có vũ trang và du kích yểm trợ với khí thế vô cùng mạnh mẽ mang theo băng rôn, cờ, khẩu hiệu tiến vào thị xã Pleiku. Ở Khu 3 (nay thuộc Bắc huyện Đak Đoa và Mang Yang), Khu 6 (nay thuộc Nam huyện Đak Đoa và Mang Yang, phía Đông huyện Chư Sê), ta đã huy động hơn 2.000 quần chúng có lực lượng vũ trang, du kích yểm trợ theo các hướng tiến vào thị xã. Quần chúng nhân dân kéo vào các quận lỵ Lệ Trung, đồn Kuai diệt ác ôn, giải tán tề, tiến công binh vận, địch vận. Ở Khu 4 (nay thuộc huyện Ia Grai và một phần các huyện Chư Păh, Đức Cơ), trước đó, ta đã đưa 300 quần chúng vào “lót” sẵn trong nội thị, cùng với hơn 1.000 quần chúng chia làm 3 cánh tiến công vào thị xã, kết hợp tiến công quân sự và khởi nghĩa quần chúng. Từ đêm 30 đến sáng mùng 1 Tết Mậu Thân, ở hầu hết các xã của Khu 4, lực lượng của ta đã nổi dậy khởi nghĩa phá ấp, giành quyền làm chủ thắng lợi. Ở Khu 5 (nay thuộc huyện Chư Prông, phía Tây huyện Chư Sê và Nam huyện Đức Cơ), ta đã huy động được lực lượng quần chúng với hơn 4.000 người theo các hướng tiến công vào vùng quận lỵ Thanh An, Thanh Giáo, Kon Jrung, làng Nhao B7 (Khu 4).
Tuy nhiên, sau khi yếu tố bất ngờ đã hết, sáng sớm ngày mùng 1 Tết Mậu Thân năm 1968, với vũ khí tối tân kết hợp máy bay ném bom yểm trợ, địch đã tổ chức phản công quyết liệt vào lực lượng chủ lực của tỉnh, Khu 9 (nay là TP. Pleiku) khiến các mũi tiến công gặp nhiều khó khăn, tổn thất; nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Trên các hướng tiến công của lực lượng chính trị, địch tiến hành đánh chặn, phản công dữ dội, đàn áp dã man làm cho lực lượng quần chúng không phối hợp được với lực lượng vũ trang chủ lực tiến công thị xã Pleiku như kế hoạch.
Mặc dù có nhiều khó khăn, tổn thất nhưng xét trên tổng thể, trong đợt tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân và dân Gia Lai đã giành được nhiều thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Cuộc tiến công và nổi dậy đã nổ ra đúng trọng điểm là thị xã Pleiku, thực hiện được mục tiêu đưa chiến tranh vào đô thị, đánh đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng trung tâm đầu não của chính quyền địch, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề với 3.500 lính, trong đó có 1.300 lính Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu; 580 xe quân sự, 35 khẩu pháo bị phá hủy và phá hỏng, hàng triệu lít xăng bị đốt cháy… Cùng với tiến công quân sự, toàn tỉnh đã huy động được 25.000 quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, phá thế kìm kẹp của địch, giải phóng hơn 18.000 dân, hầu hết ở các xã vùng trọng điểm, ven thị xã; nhiều xã đã lập được chính quyền mới. Đồng thời, lực lượng khởi nghĩa đã vận động được 247 binh lính địch đào ngũ... Về phía ta có 350 cán bộ, chiến sĩ và người dân hy sinh, 177 người bị thương và mất tích, 1.849 người bị địch bắt.
Thắng lợi của quân và dân Gia Lai trong cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã góp phần đánh một đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của Mỹ, đồng thời làm cho lực lượng quân đội Sài Gòn thiệt hại nặng nề, dần suy yếu và đứng trước nguy cơ khủng hoảng, sụp đổ hoàn toàn. Thắng lợi này cũng đã đánh bại một bước quan trọng âm mưu xâm lược bằng leo thang chiến tranh của Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
TỐNG THỚI MỐC