(GLO)- Nơi những ngọn núi bao đời ôm ấp buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, Gia Lai) có vị già làng được gọi là Ma Giai, dù tên thật của ông là Kpă Thia. Cái tên ấy đã gắn liền với câu chuyện tìm đất lập buôn, là niềm tin, niềm kiêu hãnh của lớp cháu con. Xuân này là tròn 43 năm tên đất gắn với tên người.
Chiều xuống, buôn Ma Giai yên bình với những ngôi nhà sàn nho nhỏ nép mình dưới những tán cây. Già làng Ma Giai đã quá nổi tiếng ở vùng này nên tôi tìm đến nhà ông chẳng mấy khó khăn. Lúc tôi đến, già đang ngồi dưới bậc cầu thang cùng đứa chắt nội vừa mới lên 3. Cố gắng bước nhẹ nhưng chưa kịp lại gần tôi đã giật mình khi nghe già cất tiếng: “Không phải bước chân người của buôn mình”. Tôi ngỡ ngàng. Hóa ra buôn Ma Giai đã quá thân thuộc với già làng, đến nỗi ông có thể thuộc tới cả “đường đi nước bước” của hết thảy bà con.
Ở cái tuổi 90 nhưng trông già vẫn quắc thước, minh mẫn lắm. Khi nhắc về những ngày đưa dân làng xuống núi lập buôn năm xưa, mắt già Ma Giai bỗng sáng lên và ký ức về một thời gian khó mà nghĩa tình lại hiện về gần như nguyên vẹn…
Xuống núi lập làng
Già Ma Giai hồi tưởng: Con trai cả của già tên Giai nên người làng vẫn gọi già là Ma Giai (cha của Giai). Ngày trước, già theo cha mẹ lên khai hoang lập buôn trên một ngọn núi thuộc xã Tân Dú, huyện Miền Tây (nay là huyện Sơn Hòa), tỉnh Phú Yên. “Cuộc sống trên núi của 40 hộ dân trong buôn khó khăn dữ lắm. Bom đạn của giặc Mỹ dội xuống liên tục. Muốn trồng cây lúa, cây mì cũng phải che giấu rất kỹ. Rồi thú dữ, hùm beo luôn chực chờ. Việc thiếu đói cứ thế xảy ra thường xuyên. Chứng kiến cảnh đó lòng tôi xót xa lắm”-già Ma Giai trầm ngâm nhớ lại. Sau năm 1975, già Ma Giai-hồi ấy là Bí thư chi bộ xã Tân Dú-đã nghĩ cách tìm vùng đất lành đưa dân làng đến ở. Nghĩ là làm, ngày đêm già băng rừng, lội suối để thực hiện điều ấy.
Già Ma Giai bên chắt nội của mình. Ảnh: T.D |
Theo quan niệm xưa, việc chọn đất lập buôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại hay suy vong của cộng đồng. Nơi đó phải là một vùng đất cao ráo, rộng lớn, đồng thời phải gần một nguồn nước ở phía cao như từ trên trời chảy xuống. Vùng đất ấy còn là pháo đài để họ cố kết chống lại dã thú hay những hiểm nguy từ bên ngoài. Sau nhiều ngày lặn lội, già Ma Giai cũng đã tìm thấy nơi đáp ứng tốt những yêu cầu trên. Đó là vùng đất rộng lớn ở xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên (nay là xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai).
Đến giờ, già vẫn còn nhớ như in ngày 40 hộ dân trong buôn theo chân mình xuống núi. Lúc ấy là khoảng 4 giờ sáng một ngày giáp Tết Nguyên đán năm 1976. Các gia đình chuẩn bị một ít lương thực và mang theo các vật dụng sản xuất, sinh hoạt như: cuốc, xẻng, gùi… Người trẻ thì đi cạnh để dìu người già, còn bọn trẻ con thì được mẹ địu trong những chiếc gùi. Cứ thế đoàn người rồng rắn nối nhau bước theo dấu chân Ma Giai. Đối với bà La O Thị Dương (49 tuổi, con gái út của già Ma Giai) thì đó là một kỷ niệm khó quên trong đời. “Hồi đó, tôi vừa tròn 6 tuổi. Đêm đó, anh em chúng tôi háo hức tới nỗi không ngủ được, chỉ mong trời sáng để theo cha xuống núi. Vì còn quá nhỏ và chặng đường xuống núi quá dài nên tôi được mẹ cõng”.
Sau một ngày miệt mài, đến 10 giờ đêm cùng ngày, già Ma Giai cùng bà con đặt chân đến vùng đất mới. Đêm ấy, mọi người cùng nhau làm lán, trại trú tạm và nghỉ ngơi dưỡng sức để hôm sau bắt đầu dựng buôn. Khi mọi người quây quần bên nhau, họ cùng bàn bạc và thống nhất sẽ lấy tên thường gọi của già là Ma Giai đặt tên cho buôn mới để tri ân người có công tìm đất lập buôn.
43 mùa xuân vẹn tròn
Công cuộc xây dựng buôn Ma Giai những ngày đầu cũng gặp vô vàn khó khăn, nhất là thiếu lương thực khiến một số người dân nản chí. Chính lúc ấy, vị thủ lĩnh 47 tuổi là người đã vực dậy tinh thần cho dân làng. Già Ma Giai tổ chức họp làng, động viên mọi người khai hoang, mở đất để trồng thêm lúa, mì và nuôi thêm heo, gà… “Mình vừa nói, vừa làm. Dân làng thấy vậy cũng hào hứng làm theo. Chúng tôi làm nhà san sát nhau để bảo vệ và hỗ trợ nhau trong thời gian đầu lập buôn. Sau này, dần dần bà con khai hoang, mở đất rộng ra, nhà cửa cũng cứ thế mà mọc thêm, đất sản xuất cũng ngày một nhiều hơn, lũ trẻ con lần lượt ra đời ở vùng đất mới yên bình này”-già Ma Giai chia sẻ. Với những người đã từng đồng hành với mỗi bước chân của già Ma Giai như ông Kpă Dú (75 tuổi) thì đó chính là hạnh phúc. Ông Dú cho hay: “Cuộc sống của chúng tôi dần thay đổi tích cực hơn nhờ sự dẫn đường chỉ lối của già Ma Giai. Có nỗ lực và đoàn kết thì mọi việc sẽ tốt đẹp dần lên”.
Một góc buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa). Ảnh: T.D |
Năm 2006, UBND tỉnh Phú Yên tiến hành bàn giao buôn Ma Giai (thuộc xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa) về xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Lúc ấy, buôn Ma Giai đã có 105 hộ với 580 khẩu. Buôn có diện tích tự nhiên 400 ha, trong đó hơn 110 ha là đất sản xuất nông nghiệp. Thời điểm này, ngoài lúa, mì, người dân trong buôn đã trồng thêm một số loại cây lương thực ngắn ngày khác như: bầu, bí, rau màu, đậu đỗ các loại… và nuôi thêm bò, heo, dê để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Hàng năm, vào độ gần Tết Nguyên đán, người dân trong buôn lại tổ chức lễ kỷ niệm thành lập buôn để nhắc nhớ công lao của già Ma Giai. Đã 43 mùa xuân tên đất gắn với tên người. Buôn Ma Giai hôm nay đang có những chuyển biến tích cực. Ông Trịnh Thanh Khiết-Bí thư Đảng ủy xã Đất Bằng-đánh giá: “Buôn Ma Giai hiện có 150 hộ với 668 khẩu; thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/năm. Dù còn đến 92 hộ nghèo nhưng cuộc sống của người dân buôn Ma Giai đang từng bước được cải thiện nhờ được sự quan tâm đầu tư nhiều mặt của huyện, tỉnh”.
Đến giờ, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng già Ma Giai vẫn luôn là “đầu tàu” của buôn. Ngoài việc luôn động viên con cháu cùng người dân trong buôn nỗ lực làm ăn để vươn lên thoát nghèo, già Ma Giai còn ra sức tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như vận động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Về với buôn Ma Giai hôm nay, tôi cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc trong âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng của mùa lễ hội, trong hơi men rượu cần nồng nàn, ấm áp, báo hiệu một mùa xuân mới đang về...
TRẦN DUNG