Người đàn bà đất võ từ buôn hàng "quốc cấm" đến "vua" dó bầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau ngày giải phóng, bà đi buôn trầm hương, cái nghề lúc đó bị cấm. Bà là phụ nữ đơn thân, 3 đứa con còn nhỏ, sợ mình vướng vòng lao lý không ai nuôi con, vậy là bà nghĩ đến chuyện trồng cây dó bầu để tự tạo ra trầm rồi chiết xuất ra tinh dầu trầm để xuất khẩu.
Nghĩ là làm, năm 1999, bà mua gom đất ven núi Bà nằm trên địa bàn huyện Phù Cát và trồng hơn 20ha cây dó bầu. Đến bây giờ, bà là người duy nhất ở Bình Định đang sở hữu diện tích trồng cây dó bầu lớn nhất và có rừng dó lâu năm nhất. Bà là Nguyễn Thị Mùa (SN 1958) ở thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định).  
Bà Nguyễn Thị Mùa kể chuyện trồng dó lấy trầm.
“Vua” dó bầu ở Bình Định
Bây giờ, mặc dù đã 61 tuổi, nhưng thần thái của bà Mùa vẫn còn rất tinh anh, năng động. Bà dẫn dắt câu chuyện rất khúc chiết, mạch lạc ngược về cái thời bà dám “cả gan” mua hàng chục héc ta đất để trồng cây dó bầu, loại cây trồng còn rất lạ lẫm với nông dân lúc bấy giờ.
Bà Mùa kể: Trong thời gian đi buôn bán trầm hương, bà đã ý thức được cái nghề của mình đã gián tiếp tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Nghề này lại rất bấp bênh bởi bị ngành chức năng kiểm soát mặt hàng trầm hương rất gắt. Do đó, bà nghĩ cách phải tự tạo ra trầm hương làm nguyên liệu và học hỏi kỹ thuật chế biến tinh dầu trầm để ổn định chuyện làm ăn.

“Trong số 20ha dó tôi trồng ban đầu đã có 8ha bị chết sau 1 vụ cháy rừng. Hiện nay tôi còn 8ha với 5.000 cây dó đã 20 năm tuổi được trồng ven núi Bà và 5ha trồng sau nay cũng đã được 15 tuổi. Diện tích dó nói trên cơ bản đủ nguyên liệu để tôi xay bột cung cấp cho thị trường Hà Nội và sản xuất nhang trầm” bà Mùa cho hay.

Bà tìm đến vùng đất lâm nghiệp nằm ven núi Bà trên địa bàn huyện Phù Cát để mua gom đất rẫy của bà con trồng rừng nhưng không đạt hiệu quả kinh tế nên bán. Khi đã có trong tay 20ha đất rẫy nằm liền kề nhau, bà Mùa liền tổ chức trồng cây dó bầu trên toàn diện tích đã mua.

“Hồi ấy, giống cây dó bầu chưa được sản xuất tại Bình Định, tôi phải mua cây giống ngoài Hà Tĩnh và mua cây giống tự nhiên của người dân nhổ trên rừng đem về bán. Cây giống dó bầu hồi ấy có giá 20.000đ/cây. Mất đúng 1 năm tôi mới trồng kín diện tích 20ha đất với mấy trăm ngàn cây dó bầu”, bà Mùa nhớ lại.
Theo bà Mùa, dó bầu là loại cây “nắng không ưa mưa không chịu”, bị úng cũng chết mà để lâu không tưới nó cũng chết. Khi ấy hệ thống điện chưa phủ kín như bây giờ, muốn có nước tưới cho 20ha dó bầu bà Mùa phải dẫn nước từ trên núi Bà xuống bằng hệ thống đường ống. Khu vực nào thuận lợi thì bà tưới trực tiếp bằng đường ống, những vùng nằm xa bà đào ao, dẫn nước về chứa trong ao và bơm tưới bằng máy nổ hiệu Đông Phong.
Thời điểm ấy, bà mẹ đơn thân Nguyễn Thị Mùa sống với rừng dó nhiều hơn là ở nhà. Bà lo việc tưới cây, làm cỏ, bón phân. Một mình làm không xuể, bà thuê 10 công lao động thường xuyên làm việc cùng bà. Thời điểm làm cỏ, đánh chồi, tỉa nhánh bà phải thuê thêm hàng chục công lao động thời vụ.
Nấm vi sinh bà Mùa tự làm để cấy tạo trầm.
Theo bà Mùa, sau khi trồng 7 - 8 năm thì cây dó đến chu kỳ cấy tạo trầm. Kỹ thuật cấy trầm bà Mùa cũng tự mày mò làm. Hồi ấy cấy trầm hầu hết đều dùng hóa chất. Trước khi cấy hóa chất, cây dó bầu được khoan nhiều lỗ.
Mỗi người có 1 cách cấy trầm riêng, có người khoan lỗ dày, có người khoan thưa; có người khoan sâu, có người khoan cạn; có người khoan mũi to, có người khoan mũi nhỏ.
Sau khi cấy hóa chất vào những lỗ khoan trên cây dó, từ 24 đến 36 tháng sau là có thể khai thác trầm. Thời gian tạo trầm để càng lâu thì cho ra sản phẩm trầm càng tốt. Thế nhưng nếu kỹ thuật cấy không đạt về mặt kỹ thuật thì cây dó sẽ lại da (liền da), khoảng 1 năm rưỡi phải thu hoạch dù trầm còn non, chất lượng kém.
Có người cấy trầm theo kinh nghiệm dân gian là cấy bột sắt vào cây, hoặc cấy mảnh bom, đạn và cho dầu vào các vết thương của cây dó để dẫn dụ kiến. Khi kiến lên ăn dầu vô tình làm tổn thương cây. Qua quá trình thời gian cây sẽ tạo ra trầm mắt kiến…  
Người đầu tiên nấu tinh dầu trầm
Sau khi rừng dó của bà đã tạo ra trầm, bà Mùa liền tổ chức nấu tinh dầu trầm để xuất khẩu. Khi ấy, cả nước chỉ có 1 vài cơ sở chế biến tinh dầu trầm, mà cơ sở nào cũng giấu nghề nên bà chẳng thể học được cách nấu.
Bà Mùa quyết định học lóm bằng cách khai thác trầm từ rừng dó của mình rồi mang đến tận những cơ sở chế biến tinh dầu trầm để bán.

“Cấy hóa chất thì cây dó tạo trầm nhanh, nhưng tiếp xúc với hóa chất  thường xuyên tôi lo ngại đến sức khỏe, nên thời gia sua này tôi chuyển sang kỹ thuật tạo trầm bằng cấy nấm vi sinh. Nấm vi sinh mình cũng tự làm.

Cấy nấm vi sinh phải làm nhiều lần và cây dó tạo trầm chậm hơn cấy hóa chất, nhưng chất lượng trầm cho đạt hơn rất nhiều. Trầm cấy bằng nầm vi sinh có chất lượng không thua trầm tự nhiên. Tạo trầm bằng nấm vi sinh trên cây có độ tuổi càng cao và có đường kính gốc cây lớn sẽ cho sản lượng trầm càng nhiều”, bà Nguyễn Thị Mùa chia sẻ.

Cứ mỗi chuyến hàng bà Mùa hỏi han một ít thông tin về kỹ thuật nấu tinh dầu trầm từ những nhân công. Mỗi lần mỗi ít, bà ráp nối thông tin lại rồi tự hình thành nên quy trình kỹ thuật nấu tinh dầu trầm cho riêng mình. Sau đó bà Mùa xây lò, mua nồi về làm thử nghiệm.


“Những mẻ dầu đầu tiên nấu không đạt, hao tốn nguyên liệu nhiều mà cho dầu rất ít. Không nãn, tôi tiếp tục vừa làm vừa rút kinh nghiệm, khắc phục dần dần và cuối cùng cũng có được quy trình chế biến tinh dầu trầm hoàn thiện”, bà Mùa kể.
Xưởng chế biến tinh dầu trầm của bà Mùa lúc ấy nấu 50 nồi. Một mẻ dầu phải nấu mất cả tuần lễ, 50 nồi mới cho ra được 1 góc (250ml) tinh dầu trầm.
Thời điểm ấy tinh dầu trầm chưa tiêu thụ được trong nước, chủ yếu xuất khẩu đi nước ngoài với giá 200 triệu đồng/lít.
“Khi ấy chủ yếu nấu bằng than đá nên có thu nhập rất khá. Nhưng cả ngày lẫn đêm phải bám lò để canh dầu được chiết xuất ra, nếu sai sót mẻ dầu sẽ hỏng, không cho ra dầu thì công cốc. Hít mùi than đá ngày này sang ngày kia sức khỏe bị ảnh hưởng trầm trọng, nên tôi đã nghĩ đến chuyện nấu bằng điện.
Thế nhưng với 50 nồi, nấu cả ngày lẫn đêm mỗi tháng mới cho ra được 1 lít tinh dầu trầm, bán được vài ba trăm triệu, trong khi đó phải mất đến 1 vài trăm triệu đồng tiền điện.
Trầm hương thu hoạch được.
Tính toán chi li thấy lời lãi chẳng còn bao nhiêu nên tôi ngưng việc nấu dầu, chuyển sang xay bột trầm để cung ứng thị trường và sản xuất nhang trầm để bán”, bà Mùa tâm sự.
Xưởng chế biến tinh dầu trầm của bà Mùa giờ đã trở thành nhà máy xay bột trầm. Vừa dắt tôi đi tham quan nhà máy, anh Trà Dương Bảo (34 tuổi), con trai bà Mùa, vừa chia sẻ: “Máy xay bột trầm không được xay các loại cây khác, cả cây bời lời cũng là nguyên liệu làm nhang, nhưng nếu đưa vào máy xay bột trầm để xay thì trầm sẽ mất mùi”.
Hiện nay, ngoài cung cấp bột trầm cho thị trường Hà Nội, bà Mùa còn sản xuất nhang trầm để cung ứng cho người tiêu dùng. 1 bó nhang trầm 80 cây bà Mùa bán giá 70.000 đồng, tuy khá đắt, nhưng với xu hướng bảo vệ an toàn cho sức khỏe nên hiện nay người tiêu dùng rất ưa chuộng nhang trầm.

“Do bột nhang trầm hiện nay có giá cao nên thị trường xuất hiện bột nhang trầm giả. Nhang trầm mua với giá 500.000 đồng/kg mà ngửi thơm mùi trầm “nức mũi” thì đó là bột giả được tẩm hóa chất. Nhang mà được làm bằng bột loại đó thì sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người ngửi”, anh Trà Dương Bảo bộc bạch.

Dân Việt (Theo Vũ Đình Thung/Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).