Thổ cẩm Tây Nguyên: Nhìn từ những người trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đương đại hóa các giá trị truyền thống chính là cách để di sản văn hóa có từ thời ông bà sống giữa lòng đời sống con cháu.
Ấn tượng thời trang thổ cẩm Tây Nguyên

Ấn tượng thời trang thổ cẩm Tây Nguyên

Trong quá khứ, thổ cẩm Tây Nguyên đã thể hiện rất tốt vai trò biểu đạt bản sắc văn hóa tộc người. “Trước đây, chỉ việc nhìn vào các họa tiết, hoa văn, màu sắc trên những bộ váy, áo, khố thổ cẩm là biết ngay người mặc trang phục đó thuộc dân tộc nào - K’Ho, Mạ hay M’Nông, Ê Đê, Jrai, Ba Na...”, nhà sưu tập hiện vật văn hóa Tây Nguyên Đặng Minh Tâm chia sẻ. Chị Lơ Mu Mỹ Uyên (xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương) cho biết: “Trang phục truyền thống của người K’Ho - một trong những tộc người bản địa Tây Nguyên, chính là phương tiện để người K’Ho thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc mình một cách rõ nét và đặc chất nhất. Đẹp, khác biệt, đậm đà bản sắc... - nó là những giá trị cổ điển của thổ cẩm Tây Nguyên. Tuy nhiên, người trẻ Tây Nguyên cần sáng tạo thêm giá trị mới cho thổ cẩm. Thổ cẩm phải kể được những câu chuyện đương đại”.

Tán đồng với ý kiến của chị Lơ Mu Mỹ Uyên, nhà thiết kế K’Jona bày tỏ: “Muốn bảo tồn các giá trị độc đáo của thổ cẩm, chẳng còn cách nào khác ngoài việc để cho thổ cẩm phát triển. Chỉ có cách ấy, thổ cẩm mới phù hợp với mỹ cảm đương thời”. Theo anh, nên coi sự khác biệt của truyền thống là những giá trị để kế thừa, chứ đừng neo níu cái cũ nhiều quá để rồi mãi loay hoay với những motif cũ, màu sắc cũ, cách suy nghĩ cũ... Người trẻ Tây Nguyên phải có trách nhiệm làm tươi mới các giá trị truyền thống. “Cái cần giữ ở đây là những giá trị “nội hàm” - tức những tinh túy của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, còn lại phải cách tân, đổi mới, từ kiểu dáng, phom hình đến việc cắt may, sự phối kết các chất liệu, các sản phẩm váy, áo, khăn... và phụ kiện để phù hợp với người mặc hiện đại”, nhà thiết kế K’Jona cho biết.

Đương đại hóa các giá trị truyền thống bằng những bộ sưu tập thời trang thổ cẩm hiện đại, anh đã chứng minh được khả năng thích ứng của thổ cẩm trong dòng chảy đời sống đương đại. “Tôi đang nghiên cứu phối kết thổ cẩm với vải tơ tằm để cho ra một bộ sưu tập thời trang mới. Bước đầu tôi nhận thấy, 2 chất liệu này có những điểm khá tương đồng, đều là sản phẩm của nghề dệt thủ công, chất vải quý, dày, thấm hút mồ hôi tốt... Trở ngại của việc phối kết 2 chất liệu thổ cẩm và vải tơ tằm là việc cắt, may. Phải thật sự chắc tay thì mới có thể thực hiện tốt”, nhà thiết kế K’Jona bật mí. Nói về những bộ sưu tập thời trang của anh, chị Le Phier Liang (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) cho hay: “Trước hết, nhà thiết kế K’Jona đã đương đại hóa một cách sống động những giá trị truyền thống. Sau nữa, anh vẫn giữ được sự độc đáo của họa tiết, hoa văn, màu sắc. Qua những bộ sưu tập thời trang của mình, nhà thiết kế K’Jona đã cho những người trẻ Tây Nguyên thấy rằng, tiếp biến những giá trị mới trên cái nền truyền thống là cách để thổ cẩm tiếp tục kể câu chuyện của mình giữa đời sống hiện đại. Thổ cẩm đẹp, thổ cẩm độc đáo, thổ cẩm giàu bản sắc, chúng ta có thể nhận ra điều ấy qua những bộ sưu tập thời trang trẻ trung, năng động, mạnh mẽ, cá tính”.

Có thể bạn quan tâm

Nữ luật sư 9X ham học hỏi

Nữ luật sư 9X ham học hỏi

Với Trần Phan Hoài Phương, việc học là hành trình bền bỉ chứ không phải điểm đến một sớm một chiều. Nhờ học hỏi không ngừng, cuộc sống của cô thêm sắc màu đẹp đẽ.