Pleiku trong ký ức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in khung cảnh ấy: Một buổi chiều đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khởi hành từ Buôn Ma Thuột, xe dừng lại cho cả gia đình tôi xuống tại ngã ba Phù Đổng (thị xã Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Tôi khi ấy còn là một chú bé 6 tuổi cùng với chị và mấy đứa em lẽo đẽo theo mẹ đi bộ vào trong phố. Chúng tôi qua cầu Hội Phú, đến được nhà người quen ở phía sau nhà làng của xã Hội Thương-Hội Phú thì trời đã xẩm tối.
“Đi dăm phút đã về chốn cũ”
Pleiku ngày ấy, trong mắt tôi, gần như chỉ gói gọn dọc theo trục đường Hoàng Diệu (nay là đường Hùng Vương) với khá nhiều tiệm chà và bán vải (tiệm của người Ấn Độ), vài tiệm ăn của người Hoa như Quốc Tế (đối diện rạp xi nê Diệp Kính), Xuân Lợi, Mỹ Tâm (đối diện nhà thờ Thăng Thiên), Đông Kinh (trên chợ Mới)… Khu giải trí đông đảo nhất chuyên chiếu xi nê là rạp Diệp Kính và một nơi khác dành cho các gánh cải lương lưu diễn là rạp Thăng Long (sau đổi tên là Thanh Bình).
Đường sá ngày ấy hẹp và ngắn nhưng rợp mát dưới những hàng thông già hoặc các loài cây lâu năm có tán lá rộng giao nhau như đường Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo (đường Hoàng Hoa Thám ngày nay), Trình Minh Thế (tên đường này thường ghi nhầm thành Trịnh Minh Thế, nay là đường Trần Hưng Đạo), Yersin (sau 1975 là đường Nguyễn Du), Lê Lợi...
Ngã ba Phù Đổng năm 1970 (ảnh tư liệu do tác giả sưu tầm).
Ngã ba Phù Đổng năm 1970 (ảnh tư liệu do tác giả sưu tầm).
Chỉ những đoạn ở khu vực trung tâm thì đường mới được trải nhựa. Trục đường dài nhất lúc bấy giờ là Hoàng Diệu, chạy suốt từ ngã ba Phù Đổng qua Trường Nam Tiểu học một đoạn lên đến đồi 37 Pháo binh. Dọc theo hàng rào ven đường của Trường Nam Tiểu học lên đến ngã ba Hoàng Diệu-Cô Giang (đường Võ Thị Sáu hiện nay) là vườn cà phê, trong đó có dãy nhà của các xơ dòng Mến Thánh Giá nên người dân vẫn gọi là vườn cà phê của các bà xơ. Khi ấy, chưa có đoạn đường từ đường Hoàng Diệu vào đến nhà thờ Đức An (đường Võ Thị Sáu) như bây giờ; cũng chưa có đoạn đường nối dài của đường Võ Tánh (đường Hoàng Văn Thụ) như hiện nay và đường tránh Lý Thái Tổ cũng chỉ mới có từ đường Hoàng Diệu trở ra ngã tư Biển Hồ. Mãi đến năm 1967-1968, hàng rào Trường Trung học Pleiku (nay là Trường THCS Nguyễn Du) vẫn tiếp giáp với Trường Thánh Phao lồ (Trường Tiểu học Lê Quý Đôn hiện nay); đường Phan Đình Phùng cũng chỉ mới trải nhựa từ đoạn đầu có cái nhà Dạ Lữ điếm (có thể xem như là một trong những phòng ngủ bình dân đầu tiên vào thuở sơ khai của Pleiku, dành cho công chức đi công vụ và người ít tiền lỡ độ đường) cho đến hết con dốc khởi đầu từ Trường Văn Đức (Trường Tiểu học Chu Văn An ngày nay). Phía bên kia đường Phan Đình Phùng, hướng Bắc cho đến sân bóng làng Pleiku Roh là những con đường đất đỏ được ủi sẵn để định hình một khu dân cư vuông vức bàn cờ.
Thời ấy, khi làm đường giao thông, người ta đã cố giữ nguyên địa hình, địa mạo của các quả đồi nên có nơi vỉa hè bên này cao hơn mặt đường trên 1 m, còn phía đối diện chỉ cao hơn đường khoảng nửa mét. Tuy vậy, nhờ độ dốc mà đường phố không bị ngập úng. Do đường sá chưa hoàn chỉnh nên vào mùa mưa, xe cộ rất chật vật khi đi vào những đoạn đường đất đỏ vừa dốc, vừa lầy lội, trơn trượt… 
Xe cộ ngoài phố lúc bấy giờ chủ yếu là xe đạp, xích lô, ba gác, mobylette… Mãi đến những năm 1963-1964 mới xuất hiện loại xe Lambretta 175 cc chạy các tuyến đường nội thị (theo tài liệu in vào tháng 2-1964 thì ở thời điểm này, Pleiku có khoảng trên 40 chiếc Trilambretta), tiếp theo là các đời xe Lambro 500 và 550 nhưng người dân gọi chung là xe lam. Có lẽ do địa hình đồi dốc và xe lam xuất hiện tại Pleiku khá sớm và trở thành phương tiện vận chuyển công cộng tiện lợi, rẻ tiền nên không hề thấy bóng dáng chiếc xe ngựa trên đường phố.
Đơn sơ nhà phố
Nhà cửa trong các khu dân cư của Pleiku ngày đó gần như là nhà trệt. Vật liệu làm nhà khá đơn giản, quanh khu vực sinh sống sẵn có loại vật liệu gì thì dùng loại đó: ở gần đồng ruộng sẵn rơm rạ là những nếp nhà tranh, xung quanh là phên tre hoặc vách đất trộn rơm trát trên cốt tre sau đó quét vôi bên ngoài; quanh khu vực các xưởng cưa và trong nội thị đa số là những nhà bằng ván gỗ lợp tôn hoặc tấm lợp fibro xi măng với vách đóng theo 2 cách: dọc xuống rồi đóng nẹp che khe hở giữa 2 tấm ván hoặc đóng theo kiểu lá sách. Có vẻ như kiểu đóng theo lá sách tuy xấu hơn nhưng vách ván đỡ bị thấm nước, lâu bị mối mọt và độ ẩm làm mục chân vách hơn. Những nhà khá giả hơn thường làm nhà xây bằng gạch tableau, lợp fibro xi măng cho mát và đỡ ồn khi mưa. Để khỏi phải lệ thuộc vào gạch và ngói nung phải vận chuyển từ xa đến, người ta nghĩ ra cái khuôn đúc gạch tableau (gạch làm bằng cát thô trộn xi măng, đóng vào những khuôn hình chữ nhật, sau đó đem phơi nắng và tưới bảo dưỡng vài lần là có thể dùng được, những viên đặc thì đặt nằm theo bề mặt để làm móng nhà, còn viên rỗng 2 lỗ thì đặt theo chiều đứng dùng để xây tường…). Tuy đơn giản nhưng có những ngôi nhà làm bằng gạch tableau vẫn còn tồn tại đến bây giờ. 
Những năm giữa của thập niên 60, còn có loại gạch không nung. Với thời tiết mưa nhiều và dai dẳng như Pleiku, loại gạch này không thích hợp. Cũng có nhiều nhà xây bằng gạch và ngói nung kiên cố, tuy vậy, số nhà 2 tầng trở lên thuở ấy không nhiều, còn nhà trên 3 tầng, đến năm 1970 cũng chỉ mới có 3 cái: nhà hàng Hoàng Liêng (nay là Khách sạn Hùng Vương), tư thục Trung học Minh Đức (Trường THPT Lê Lợi hiện nay) và tiệm Sài Gòn Mới trước nhà lồng chợ Mới (bây giờ là Trung tâm Thương mại Pleiku). 
Ngã ba Phù Đổng (TP. Pleiku) hôm nay. Ảnh: Quang Tấn
Ngã ba Phù Đổng (TP. Pleiku) hôm nay. Ảnh: Quang Tấn
Một kiểu nhà khá đặc biệt vào thời ấy là nhà dù, ki ốt. Loại nhà kiểu này thuận tiện để làm các ki ốt “dã chiến” dùng vào mục đích kinh doanh sách báo, hớt tóc, bán giải khát, sửa xe máy… đặt ven vỉa hè, góc phố hay khu công cộng. Kết cấu nhà khá đơn giản: hình dáng tổng thể là 4 cạnh hoặc 6 cạnh, mái lợp tôn, xung quanh là vách ván với phần vách được ngăn làm hai; phía dưới là phần ván ghép cố định còn phía trên là các tấm ván có thể tháo lắp dễ dàng; ngoại trừ cạnh còn lại dùng làm cửa ra vào thì toàn bộ là những tấm ván lắp ghép có đánh số thứ tự cẩn thận để tháo ráp cho nhanh… Nhiều người Pleiku còn nhớ những ki ốt nhà dù kiểu ấy ở Bến xe chợ Mới chuyên bán giải khát hoặc báo và các thứ tạp hóa. Ở khu đất trống trước Ty Bưu điện vào khoảng những năm 1969-1970 cũng có những nhà dù bán gas dùng cho đun nấu, bán báo, hớt tóc… Mãi cho đến khi chuẩn bị xây dựng Nhà khách Ia Ly, các ki ốt nhà dù này mới bị tháo dỡ, giải tỏa. Đây quả là một kiểu cấu trúc nhà “dã chiến” vừa rẻ tiền vừa thuận tiện cho việc giao tiếp giữa người chủ và khách mua bán. Vào giờ mở cửa tiệm, người ta chỉ cần tháo tất cả tấm ván lắp ghép ra thì cả gian hàng đã rất sáng sủa và thoáng đãng mà không cần dùng đèn điện và quạt máy; đến mùa mưa, nhà bị hắt theo hướng nào thì lắp lại ván che hướng đó.
Pleiku còn một kiểu nhà lạ mắt nữa, đó là những nhà nóc hình tròn (nửa khối hình ống tròn úp xuống đất), kiểu nhà tôn tháo lắp dã chiến tại khu vực Dinh Điền, đường Hai Bà Trưng (nay là khu vực Sở Lao động-Thương binh và Xã hội). Bên ngoài nhà bằng tôn nhưng bên trong họ xử lý cách âm, cách nhiệt và thông gió rất tốt.
Mới đó mà đã hơn nửa thế kỷ. Một số người xa Pleiku khi trở về thăm lại chốn cũ cho rằng, họ đã không còn gặp Pleiku xưa trong ký ức nữa. Thay vào đó một thành phố đang trên đà phát triển với nhà cửa, đường sá và tiện nghi sinh hoạt hoàn toàn khác xưa.
KIÊN HOÀNG