Mẹ Quê vực dậy gia đình từ nghề làm bánh cuốn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã hơn 30 năm chọn mảnh đất Gia Lai làm quê hương thứ hai, nhưng chất quê kiểng, mộc mạc của con người xứ Thanh nơi bà Mai Thị Quê (96 Lạc Long Quân, TP. Pleiku) chẳng hề phai nhạt. Chọn nghề làm bánh cuốn truyền thống để mưu sinh trên vùng đất mới, thương hiệu bánh “Hương Quê” như tên của bà đã đi vào bữa ăn hàng ngày của nhiều gia đình gần 1/3 thế kỷ.
Chúng tôi theo chân bà Mai Thị Quê ra chợ Âu Cơ, nơi bà có sạp hàng bán các loại bánh truyền thống làm từ bột gạo luôn tấp nập khách. Ngoài bánh cuốn Bắc do nhà làm, sạp bánh của bà Quê còn có bánh hỏi, bánh bèo, bún tươi, bún khô, sợi mì Quảng và các loại chả quế, giò lụa. Vóc dáng bé nhỏ của người phụ nữ U60 thoăn thoắt di chuyển phục vụ khách hàng mỗi ngày mỗi đông trong phiên chợ chiều. Chị Bùi Thị Hòa-con gái đầu của bà Quê-ngồi một góc phụ mẹ việc vặt. Chị liên tục nghe điện thoại của khách đặt hàng, chốt đơn hàng. Những lúc khách đông, bà Quê không kịp xoay xở, chị Hòa chống nạng đứng dậy phụ mẹ trả tiền thừa cho khách.
Mẹ Quê giữ hồn quê
Kể về hành trình gầy dựng cuộc sống trên quê hương mới, bà Quê cho biết: Bà đến với nghề làm bánh cuốn không phải từ truyền thống gia đình, mà từ sự cưu mang, đùm bọc của xóm giềng mới, đặc biệt là những đồng chí, đồng đội của chồng. Năm 1988, bà sinh con gái đầu lòng ở Quảng Xương (Thanh Hóa) trong lúc chồng công tác tại Gia Lai. Được 1 tuổi, sau trận sốt, con bà bị liệt tứ chi. Nén lại nỗi đau và bao lo toan khi chồng vắng nhà, bà một mình ôm con đi hết bệnh viện này đến trạm xá khác để chữa trị. Nhưng sau nhiều tháng nỗ lực bất thành, bà đành báo tin cho chồng. “Thời điểm đó, kinh tế rất khó khăn, đi lại tàu xe vô cùng tốn kém. Hơn nữa, tôi sợ nghe tin không hay sẽ ảnh hưởng đến công tác của ông ấy nên cứ lần lữa. Sau khi về giúp tôi thu hoạch mùa màng, chồng tôi bàn đưa con vào Gia Lai để chữa trị. Thế là bỏ lại hết nhà cửa, ruộng vườn, tôi ôm con theo chồng”-bà kể.
Được sự giúp đỡ từ đơn vị của chồng, bà đưa con gái vào Bệnh viện Quân y 211. Nhưng sau 1 tháng 20 ngày được các y-bác sĩ thăm khám, điều trị, con gái vẫn bất động, còn bà giảm cân không phanh từ 56 kg xuống chỉ còn 43 kg. Đó cũng là quãng thời gian quá dài thử thách cảm xúc của người lần đầu làm mẹ. Nhưng rồi một lần nữa, bà quyết định phải mạnh mẽ vì con.
Bà Mai Thị Quê cùng con gái Bùi Thị Hòa bán hàng ở chợ Âu Cơ, TP. Pleiku. Ảnh: Hoàng Ngọc
Bà Mai Thị Quê cùng con gái Bùi Thị Hòa bán hàng ở chợ Âu Cơ, TP. Pleiku. Ảnh: Hoàng Ngọc
Những ngày đầu lạ nước lạ cái, lại không có việc làm khiến bà lúng túng, thấy chạnh lòng nhớ quê. Rồi bà bắt đầu nghề làm đậu phụ. Nhưng chỉ có một mình, con nhỏ bại liệt, bà phải xoay xở tối ngày. Đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, bà chuyển sang làm nghề bánh cuốn Bắc. “Khi đó, chồng tôi công tác ở Phòng Phòng không (Quân đoàn 3), công việc nhiều và thường xuyên vắng nhà. Anh em trong đơn vị thấy tôi vất vả, người giúp một tay tìm mua cối đá, người xay gạo, kiếm củi về cho tôi tráng bánh. Tráng xong xếp vào làn, một tay bế con, một tay xách đi bán dạo. Vì mới làm nên chưa có kinh nghiệm, bánh làm dày một cục, không ngon nhưng ngày nào cũng bán hết, là do các anh trong đơn vị bộ đội thương tôi vất vả mà mua giúp. Có đồng nghiệp của chồng tôi khi về hưu được cấp phiếu gạo 1 năm, anh ấy liền đưa cho tôi, nói tôi cầm phiếu lĩnh gạo về làm bánh. Sự cưu mang, đùm bọc của mọi người, tôi không bao giờ quên. Cũng vì lẽ đó mà tôi có động lực để cố gắng và không bao giờ cho phép mình làm điều gì trái với lương tâm nghề nghiệp”-bà trải lòng.     
30 năm làm bánh cuốn
Hương vị bánh cuốn Bắc “Hương Quê” đã tồn tại và ngày càng phát triển trên vùng đất mới suốt 30 năm qua. Bà Quê cho hay, trước đây, bà tráng thủ công nên mỗi ngày chỉ được vài cân gạo, nay có máy móc hỗ trợ, mỗi ngày tráng 1-2 tạ gạo, tùy số lượng đặt hàng. Chị Hòa sau phục hồi đôi tay khỏe mạnh, mỗi ngày đều dậy từ 2-3 giờ sáng để phụ mẹ tráng bánh. Công đoạn này thường kết thúc trước khi trời sáng để kịp giao cho các đầu mối. Lượng bánh còn lại bà mang ra bán tại chợ Âu Cơ. Phiên chợ sáng thường bắt đầu lúc 6 giờ, phiên chiều bắt đầu từ 15 giờ tới tối.
Thương hiệu bánh cuốn bắc
Thương hiệu bánh cuốn bắc "Hương Quê" đã có mặt ở Phố núi hơn 30 năm. Ảnh: Hoàng Ngọc
Bà Quê cho biết, năm 2012, bà đầu tư mua dàn máy 50 triệu đồng. Mỗi giờ, máy tráng được 40 kg gạo. “Nhưng yếu tố quyết định bánh ngon hay không là ở nguyên liệu và kinh nghiệm của người làm. Gạo phải ngon và thời gian ngâm, xay pha tỷ lệ nước phù hợp mới tráng được bánh ngon, chưa kể công đoạn làm nhân bánh từ thịt, hành khô, mộc nhĩ vừa vặn để cho ra đúng vị bánh cuốn truyền thống”-bà Quê chia sẻ.
Không chỉ khách hàng trong tỉnh, bà còn thường xuyên gửi bánh cuốn và các loại bánh, miến truyền thống làm từ gạo đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, thậm chí gửi cho người Việt ở Campuchia. Lượng nước chấm bà pha chế mỗi ngày khoảng 15-20 lít. “Hơn 30 năm làm nghề, tôi luôn rất cẩn thận trong khâu chọn nguyên liệu và chú ý khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, không bao giờ sử dụng chất phụ gia. Mấy năm gần đây, một số trường bán trú trên địa bàn TP. Pleiku đặt bánh với số lượng lớn cho học sinh nên tôi càng cẩn thận hơn để đảm bảo sức khỏe cho các cháu”-bà Quê cho biết.
Mùa xuân của mẹ
Cô con gái hơn 30 năm trước từng lấy đi không ít nước mắt của mẹ Quê giờ đã là mẹ của 2 cậu con trai kháu khỉnh, một học lớp 5, một học lớp 11. Sau hành trình dài chữa trị, đôi tay của chị Hòa dần phục hồi chức năng, chỉ có đôi chân không thể cử động.
Bà Quê kể, năm Hòa học lớp 9, vợ chồng bà lại một lần nữa đánh cược với số phận khi tiếp tục cho con làm một cuộc đại phẫu thuật với hy vọng phục hồi chức năng đi lại nhưng không thành. Chị Hòa sau đó được bố mẹ cho ra Hà Nội học nghề may, hy vọng con có cái nghề để nuôi thân. Cũng trong môi trường này, chị Hòa đã gặp và yêu một chàng trai cùng cảnh ngộ. “Nghe con có người yêu và muốn lập gia đình, tôi vừa mừng, vừa lo”-bà Quê nhớ lại.
Món bánh cuốn truyền thống do bà Quê làm được nhiều người yêu thích. Ảnh: Hoàng Ngọc
Món bánh cuốn truyền thống do bà Quê làm được nhiều người yêu thích. Ảnh: Hoàng Ngọc
Nhưng mùa xuân đã đến với mẹ Quê ở độ tuổi xế chiều. Hai vợ chồng con gái dù không có nhiều sức khỏe nhưng chăm chỉ làm ăn, lại sinh cho bà những đứa cháu ngoại khôi ngô, khỏe mạnh. Đặc biệt, với sự nhạy bén, chị Hòa còn giúp bà tìm kiếm thêm nhiều khách hàng mới từ các nền tảng trực tuyến.
Từ mô hình sản xuất bánh cuốn truyền thống của gia đình, chị Hòa đã xây dựng ý tưởng khởi nghiệp tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” năm 2022 do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức và lọt top 50 ý tưởng xuất sắc của tỉnh. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân-Chủ tịch Hội LHPN TP. Pleiku-cho biết: “Hội LHPN phường Thắng Lợi đã hướng dẫn cho chị Hòa viết ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp sản xuất bánh cuốn truyền thống của quê hương Thanh Hóa với hy vọng mô hình sẽ mở rộng, được nhiều khách hàng biết tới. Hội LHPN hỗ trợ, đồng hành cùng chị Hòa để đưa sản phẩm đạt các chứng nhận cần thiết như đạt tiêu chuẩn OCOP”. Còn bà Quê thì trải lòng: “Khi về già, tôi mong vợ chồng con gái nối nghiệp nghề bánh và phát triển thị trường nhưng vẫn luôn giữ được hồn quê cho bánh cuốn truyền thống. Tôi tin các con sẽ làm được”.
Đôi chân khuyết tật chưa bao giờ là rào cản cho sự hoạt bát, khát vọng vươn lên của cô gái 8X. Có lẽ tinh thần lạc quan, mạnh mẽ ấy chị Hòa được thừa hưởng từ người mẹ nhỏ bé mà can trường. Chị luôn thấy biết ơn và may mắn bởi có một người mẹ như vậy, người luôn là điểm tựa vững chãi sau những biến cố trong hành trình vượt lên tật nguyền. Và, “với những ai còn mẹ, hãy mỉm cười hạnh phúc vì đó chính là mùa xuân đẹp nhất ghé qua đời mình mà chúng ta cần níu giữ” như lời một nhạc sĩ viết về những người mẹ.
HOÀNG NGỌC