(GLO)- Thành phố Pleiku có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát triển du lịch của thành phố vẫn còn hạn chế, chưa khai thác tối đa tiềm năng. Liên quan đến những giải pháp để đưa “ngành công nghiệp không khói” của Pleiku cất cánh, P.V Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh.
Hạ tầng đô thị Pleiku ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Ảnh: Quang Tấn |
* P.V: Theo ông, TP. Pleiku có những tiềm năng, lợi thế nào trong phát triển du lịch?
- Ông NGUYỄN TẤN THÀNH: Với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, là cửa ngõ đón khách du lịch của tỉnh và nằm trên tuyến phát triển du lịch quốc tế của khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam nên TP. Pleiku có nhiều điều kiện phát triển. Pleiku được biết đến là một thành phố trên cao nguyên, quanh năm mát mẻ, trong lành với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: Biển Hồ, Quảng trường Đại Đoàn kết, chùa Minh Thành, núi lửa Hàm Rồng, hồ Diên Hồng…
Ngoài các loại hình dịch vụ du lịch đặc trưng của một đô thị loại I, Pleiku còn lưu giữ những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc Jrai, Bahnar như: không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, kiến trúc nhà rông, nhà sàn, tượng nhà mồ, các nghề thủ công đan lát, dệt thổ cẩm...
Cùng với đó, thành phố đáp ứng được các nhu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng cơ bản, nhất là hệ thống giao thông kết nối liên vùng, nội tỉnh. Ngoài ra, Pleiku có sân bay kết nối với các trung tâm lớn trong nước với nhiều chuyến bay thường xuyên trong ngày; có hệ thống dịch vụ tiện ích sẵn sàng về thông tin-liên lạc, dịch vụ ăn nghỉ, hội họp, vui chơi giải trí, thanh toán, giao thương đa dạng...
Pleiku hội tụ những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc bản địa. Ảnh: Quang Tấn |
* P.V:Vậy đâu là nguyên nhân ngành du lịch Pleiku chưa thể cất cánh, thưa ông?
- Ông NGUYỄN TẤN THÀNH: Trong những năm gần đây, ngành du lịch TP. Pleiku có sự khởi sắc, tăng trưởng và phát triển ổn định cả về lượng khách và doanh thu. Thành phố đã thu hút một lượng vốn đầu tư vào các hạng mục xây dựng phát triển du lịch, kể cả nguồn ngân sách nhà nước và các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia nên cơ sở vật chất du lịch được cải thiện tốt hơn.
Tuy nhiên, so với tiềm năng du lịch và lợi thế của TP. Pleiku thì những kết quả đạt được còn khiêm tốn. Vì vậy, những nguyên nhân, hạn chế cần được tiếp tục nghiên cứu một cách nghiêm túc, bài bản để từ đó có giải pháp đưa du lịch Pleiku phát triển xứng tầm trong thời gian tới.
Cụ thể, công tác lập kế hoạch phát triển du lịch còn chậm; cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, quy mô các loại hình du lịch phát triển chưa tương xứng. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, chưa phát huy hết tiềm năng sản phẩm du lịch mang đặc thù của địa phương; thiếu các loại hình dịch vụ chất lượng cao. Do đó, thành phố chưa thể thu hút nhiều du khách đến tham quan cũng như không kéo dài được thời gian lưu trú của du khách.
* P.V:Theo ông, TP. Pleiku cần triển khai những giải pháp căn cơ nào để ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế?
- Ông NGUYỄN TẤN THÀNH: Trong thời gian tới, thành phố cần phát triển du lịch theo hướng xanh, sạch, đẹp, vì sức khỏe cộng đồng. Theo đó, trước hết, các cấp, các ngành cần nhận thức đúng đắn hơn nữa tầm quan trọng của tiềm năng du lịch với các loại hình sản phẩm đặc trưng và lợi thế so sánh của địa phương. Từ đó, có định hướng chiến lược, chính sách và giải pháp căn cơ phát triển du lịch của thành phố cho từng giai đoạn cụ thể. Trong đó, thành phố cần huy động và ưu tiên các nguồn vốn đầu tư cho du lịch, nhất là kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh tham gia các dự án lớn sẽ tạo ra bước đột phá trong phát triển cũng như tạo đà kéo theo các nhà đầu tư khác.
Đồng thời, cần xác định rõ các loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố, từ đó lên danh mục theo nhóm sản phẩm và phân loại sản phẩm với sự đánh giá khả năng phát triển để có kế hoạch đầu tư thích đáng. Trong đó, cần tập trung ưu tiên đầu tư vào các loại hình, sản phẩm du lịch chủ yếu như: du lịch cảnh quan, sinh thái (danh thắng Biển Hồ, Biển Hồ chè, núi lửa Chư Đang Ya); du lịch di tích lịch sử-văn hóa (Nhà lao Pleiku, Bảo tàng tỉnh); du lịch tâm linh (chùa Minh Thành, chùa Bửu Minh); du lịch cộng đồng (các làng văn hóa cộng đồng, làng nghề truyền thống); du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh (các khách sạn, bệnh viện cao cấp, khu resort, khu spa…); du lịch trang trại công nghệ cao; du lịch thể thao (Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG, sân golf, các loại hình thể thao mạo hiểm)…
Danh thắng Biển Hồ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Pleiku. Ảnh: Quang Tấn |
Cùng với đó, Pleiku có thể nghiên cứu áp dụng các loại hình du lịch khác phù hợp với địa hình, địa mạo. Đặc biệt, phát huy khả năng kết nối, hợp tác của Pleiku với các địa phương trong tỉnh có sản phẩm du lịch đặc sắc nhằm hỗ trợ cho các địa phương cùng phát triển. Hoàn chỉnh sản phẩm du lịch và tổ chức các sự kiện có quy mô, chất lượng tốt nhất để thu hút khách như các lễ hội được tổ chức định kỳ xung quanh thành phố: Lễ hội hoa muồng vàng (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông), Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), Lễ hội cỏ hồng (huyện Đak Đoa), Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (huyện Ia Grai), Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia Plei Ơi-huyện Phú Thiện)...
Đặc biệt, trong từng phòng nghỉ khách sạn, cơ sở lưu trú cần có các tờ rơi, sách chỉ dẫn, giới thiệu về các điểm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, dịch vụ làm đẹp, món ăn đặc sản, dịch vụ taxi, vé máy bay... ở TP. Pleiku, tạo thuận tiện cho du khách. Ngoài ra, thành phố cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trên địa bàn; triển khai tuyên truyền bộ quy tắc về ứng xử trong hoạt động du lịch, hướng đến nâng cao hình ảnh du lịch Pleiku an toàn và thân thiện.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
QUANG TẤN (thực hiện)