Plei Cồng Chiêng: Kết nối niềm đam mê âm nhạc truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với cách diễn tấu đầy ngẫu hứng, đội chiêng làng Ốp mang đến cho du khách tại quán Plei Cồng Chiêng (phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) những chương trình âm nhạc đặc sắc. 
Cứ tối thứ bảy, tạm gác lại một tuần làm việc mệt mỏi, những người già, thanh niên làng Ốp lại mặc chiếc áo truyền thống đẹp nhất tập trung tại quán Plei Cồng Chiêng để tái hiện đời sống sinh hoạt văn hóa qua buổi trình diễn cồng chiêng, múa xoang và nhạc cụ truyền thống. Đêm nhạc diễn ra từ 17 giờ đến 21 giờ. Trong khoảng thời gian này, nhóm trình diễn các tiết mục đánh chiêng, múa xoang với những điệu nhạc quen thuộc như: lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu hoặc các bài hát ca ngợi Bác Hồ, Anh hùng Núp...
Một tiết mục biểu diễn của nhóm Plei Cồng Chiêng. Ảnh: R'Ô Hok
Một tiết mục biểu diễn cồng chiêng tại quán Plei Cồng Chiêng. Ảnh: R'Ô Hok
Anh A Lik chia sẻ: “Thành lập từ năm 2018, đội chiêng có 16-17 thành viên, trong đó có 2 thành viên ở xã Ia Dêr (huyện Ia Grai), còn lại là người làng Ốp. Đội thành lập với mục đích tập hợp những người cùng đam mê cồng chiêng, đồng thời quảng bá cho du khách về không gian âm nhạc truyền thống của dân tộc mình”. 
Các thành viên trong đội đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp nhưng điểm chung là đều có khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ và có thể hát dân ca. Là MC kiêm quản lý nhóm, anh Rơ Châm Si cho biết: Vào dịp cuối tuần, anh cùng các thành viên tạm gác công việc để tham gia biểu diễn. “Thành viên của nhóm là những người chơi chiêng giỏi, có niềm đam mê với âm nhạc truyền thống. Mọi người chơi nhạc rất ngẫu hứng nên tạo cho du khách cảm giác thích thú”-anh Si bộc bạch.
Là người đánh chiêng lão luyện, ông Puih Blik (65 tuổi) tâm sự: “Trước đây, vào những dịp lễ hội, chúng tôi mới có dịp đánh chiêng. Còn bây giờ thì tuần nào chúng tôi cũng ngồi lại với nhau đánh các bài nhạc truyền thống của dân tộc mình phục vụ du khách”.
Theo ông Blik, nhóm hiện có 2 bộ chiêng, gồm chiêng cải tiến và chiêng truyền thống (chiêng Arap). Mỗi bộ chiêng phù hợp với từng dòng nhạc. Tùy theo nhu cầu thưởng thức của du khách, nhóm sẽ chọn bộ chiêng phù hợp để trình diễn. Chiêng cải tiến chủ yếu đánh những bài nhạc hiện đại trong các buổi tiệc liên hoan, cưới hỏi. Còn chiêng Arap thì được sử dụng trong lễ hội pơ thi, mừng lúa mới...
Một tiết mục biểu diễn của nhóm Plei Cồng Chiêng. Ảnh: R'Ô Hok
Đội cồng chiêng làng Ốp biểu diễn phục vụ du khách. Ảnh: R'Ô Hok
Ông Blik cho biết thêm, các buổi trình diễn tại quán cũng là cơ hội để đội “truyền lửa” đam mê nhạc cụ truyền thống cho thanh-thiếu niên trong làng. Anh Siu Ban (19 tuổi) cho biết, anh đam mê chiêng từ nhỏ nên tuần nào cũng đến đây để trau dồi, học hỏi kỹ năng của các bậc cha chú. “Mình mong muốn chơi thành thạo tất cả các bộ chiêng để sau này phục vụ cộng đồng”-anh Ban bày tỏ.
Với không gian rộng rãi và đậm chất Tây Nguyên, quán Plei Cồng Chiêng đang trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách. Anh Nguyễn Hữu Phước (phường Ngô Mây, thị xã An Khê) chia sẻ: “Khi đến đây, nghe những giai điệu âm nhạc đầy mê hoặc, mình thấy nhẹ nhàng và có thêm phút giây thư giãn sau một tuần làm việc căng thẳng”.
R'Ô HOK