Phiên tòa giả định: Nâng cao nhận thức về hiểm họa ma túy cho học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thông qua phiên tòa giả định, các em học sinh đã hiểu hơn về những tác hại do ma túy gây ra. Từ đó, nhận thức về hiểm họa ma túy của các em được nâng cao.
Sáng 29-6, các tổ chức cơ sở Đoàn trực thuộc Thành Đoàn Pleiku gồm: Đoàn cơ sở Công an, chi đoàn Tòa án nhân dân, chi đoàn Viện Kiểm sát nhân dân thành phố phối hợp cùng Trường THPT Hoàng Hoa Thám tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về phòng-chống ma túy với chủ đề “Hãy hành động vì cộng đồng không ma túy”. Phiên tòa giả định được tổ chức trong buổi lễ chào cờ đầu tuần đã thu hút khoảng 500 học sinh tham gia. Nội dung phiên tòa được mô phỏng từ một vụ án có thật về tội phạm ma túy liên quan đến học sinh xảy ra trên địa bàn TP. Pleiku. Đây là vụ án mua bán trái phép chất ma túy mà bị cáo giả định là Nguyễn Đại Hải. Nghỉ học sau khi hết lớp 9, Hải bị bạn bè rủ rê “chơi” cỏ Mỹ để rồi nghiện ngập lúc nào không hay. Để có tiền tiêu xài, ăn chơi, Hải tìm cách mua cỏ Mỹ qua mạng xã hội của một đối tượng ở TP. Hồ Chí Minh về vừa sử dụng, vừa chia nhỏ mang bán kiếm lời. Đối tượng mà Hải nhắm tới chính là các học sinh của một trường THCS trên địa bàn TP. Pleiku. Hải đã làm quen, dụ dỗ em Nguyễn Văn Hoàng (học sinh lớp 8) sử dụng ma túy rồi từ đó thuê Hoàng bán ma túy cho các học sinh trong trường. Sau đó, Hải bị bắt và bị Tòa án nhân dân TP. Pleiku tuyên phạt mức án 9 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”; riêng Hoàng vì chưa đủ 14 tuổi nên được giao cho chính quyền địa phương quản lý.  
Trong phần xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa giả định, kiểm sát viên cũng như hội đồng xét xử đã lồng ghép những câu hỏi mang tính chất tuyên truyền, cảnh báo với bị cáo để từ đó các em học sinh hiểu rõ hơn về tác hại nghiêm trọng của ma túy với sức khỏe con người, đặc biệt là thanh-thiếu niên. Sau phần tuyên án, bị cáo giả định cũng đã dành thời gian trò chuyện, dùng những câu chuyện thực tế với đời sống, tâm lý của học sinh để các em cảm thấy gần gũi, thiết thực với bản thân mình. Do đó, đa phần học sinh đều chăm chú lắng nghe trọn vẹn nội dung phiên tòa.
Phiên tòa giả định được tổ chức sinh động, mang lại hiệu quả cao. Ảnh: L.G
Phiên tòa giả định được tổ chức sinh động, mang lại hiệu quả cao. Ảnh: L.G
Theo dõi phiên tòa giả định, em Nguyễn Văn Long-học sinh lớp 12C1-bày tỏ: “Em cũng thường xuyên theo dõi thông tin trên mạng xã hội về các loại ma túy nhưng chưa thực sự hiểu rõ tác hại của chúng. Em thấy nhiều bạn cũng chưa nắm rõ lắm. Một số bạn còn không biết cỏ Mỹ là ma túy mà chỉ nghĩ như một loại thuốc lá nặng hơn bình thường. Hôm nay, lần đầu tiên được dự một phiên tòa giả định về ma túy, chúng em mới hiểu rõ hơn rằng không nên sử dụng ma túy dù chỉ một lần, phải tránh xa những đối tượng xấu và các cuộc vui chơi thiếu lành mạnh và chỉ nên tập trung vào học tập”. 
Thiếu tá Lại Minh Việt-Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy (Công an TP. Pleiku) cho biết: “Thời gian gần đây, đối tượng liên quan đến ma túy dần trẻ hóa. Các thanh-thiếu niên không được tuyên truyền, nhận thức đầy đủ về tội phạm ma túy dẫn đến việc chủ quan, lơ là và bị cuốn vào vòng xoáy tệ nạn, nhất là các loại ma túy tổng hợp mới. Do đó, gia đình và nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục, quản lý các em. Phiên tòa giả định được dựng từ một vụ án có thật liên quan đến môi trường học đường sẽ là bài học cảnh giác cho các em trước tác hại của ma túy cũng như tội phạm ma túy. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng về hiểm họa ma túy và cách thức phòng ngừa loại tệ nạn, tội phạm này đến nhiều tầng lớp nhân dân ở địa bàn khác nhau, đặc biệt chú trọng đến đối tượng thanh-thiếu niên”. 
Về phía Trường THPT Hoàng Hoa Thám, thầy Nguyễn Văn Tàu-Hiệu trưởng-chia sẻ: “Nhà trường luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật, đặc biệt là về tệ nạn, tội phạm ma túy cho các em học sinh, lồng ghép vào những hoạt động thực tế, sinh động, hiệu quả. Những năm qua, học sinh trong trường tuyệt đối không liên quan đến ma túy. Các thầy-cô giáo vẫn thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo học sinh không nên giao du với số thanh niên nghỉ học sớm, hư hỏng bên ngoài và phối hợp cùng gia đình tăng cường quản lý các em ngoài giờ học”. 
LÊ GIA 

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.