Những nghệ nhân tâm huyết truyền dạy múa xoang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Múa xoang gắn liền với những sinh hoạt cộng đồng của người Jrai ở Pleiku bao đời nay. Để gìn giữ, nối dài những vòng xoang, nhiều nghệ nhân nơi đây đã nỗ lực truyền dạy cho thế hệ.
Bà Rem (70 tuổi, nghệ nhân múa xoang ở làng Phung, xã Biển Hồ) chia sẻ: Từ nhỏ, bà đã mê điệu xoang dập dìu. Bà thường theo mẹ đến các lễ hội làng để quan sát rồi tự học theo. Năm lên 10 tuổi, ngoài các nhịp xoang quen thuộc như: Đón khách, Mừng lúa mới, Bỏ mả…, bà còn thuộc lòng những bài múa trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày như: Gieo hạt, Trỉa lúa, Làm cỏ… Với bà Rem, điệu xoang uyển chuyển, mượt mà đã tôn thêm vẻ đẹp chắc khỏe, giỏi giang của phụ nữ Jrai.
“Xoang là điệu múa mang tính cộng đồng và ai cũng có thể tham gia. Ở đâu có lễ hội và tiếng cồng chiêng vang lên là ở đó có điệu múa xoang. Tuy không mở trường lớp nhưng chúng tôi luôn quan tâm truyền dạy nghệ thuật múa xoang cho thế hệ trẻ”-bà Rem tâm sự.
bà Ksor Chưm (50 tuổi, nghệ nhân múa xoang làng Phung, xã Biển Hồ-bên phải ảnh) đang say sưa tập điệu xoang “Mừng lúa mới” cho các cô gái tuổi đôi mươi trong làng
Bà Ksor Chưm (bìa phải; nghệ nhân múa xoang ở làng Phung, xã Biển Hồ) đang say sưa tập điệu xoang “Mừng lúa mới” cho thiếu nữ trong làng. Ảnh: Trần Dung
Trong căn nhà nhỏ, nghệ nhân Ksor Chưm đang say sưa tập điệu xoang Mừng lúa mới cho các thiếu nữ làng Phung. Đây là ngôi làng còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Jrai. Làng có 1 đội cồng chiêng thường xuyên tham gia các lễ hội, cuộc thi, liên hoan của TP. Pleiku. Bởi vậy, dân làng luôn tự hào về điệu xoang và nhịp chiêng của dân tộc mình.
Bà Chưm lý giải: “Được tham gia nhiều lễ hội và hiểu rõ các điệu xoang nên tôi cùng một số phụ nữ lớn tuổi có trách nhiệm trực tiếp truyền dạy cho lớp trẻ. May mắn là chúng cũng rất yêu nhịp xoang nên học rất nhanh”.
Nắm tay bà Chưm hòa mình cùng nhịp xoang, chị Rơ Châm H’Loan hào hứng nói: “Mình được các bà, các cô dạy múa xoang từ 2 năm nay. Trước đây, mình chỉ đứng bên ngoài xem họ múa và thấy mê lắm. Nay được học nên mình hiểu rằng, khi múa xoang thì phải chuyển động thân hình theo nhịp cồng chiêng, di chuyển bằng những bước đi ngắn, nhịp nhàng trong đội hình đồng điệu. Nếu nắm những bước cơ bản này sẽ rất dễ để học múa xoang”. 
Vào tối thứ hai, thứ năm và thứ bảy hàng tuần, sân nhà rông làng Ốp (phường Hoa Lư) lại rộn ràng hơn bởi âm thanh của cồng chiêng cùng những nhịp xoang. Trong tiếng cồng chiêng rộn ràng, nghệ nhân Rơ Lan Pyih (55 tuổi) say sưa hướng dẫn các cô gái những điệu xoang uyển chuyển của người Jrai.
“Muốn múa xoang đẹp phải có bàn tay mềm, nhẹ; phần eo, mông thì phải uyển chuyển và gương mặt thật sự biểu cảm. Bao đời nay, người làng vẫn lưu giữ điệu múa xoang truyền thống. Vì vậy, chúng tôi cũng phải nỗ lực gìn giữ và phát huy di sản đó. Chúng tôi sẽ cố gắng để mỗi cô gái của làng đều múa xoang giỏi”-bà Pyih tâm sự. 
Đội nghệ nhân múa xoang phường Đống Đa biểu diễn tại Tuần lễ Văn hóa-Du lịch TP. Pleiku năm 2020. Ảnh: Đức Thụy
Đội nghệ nhân múa xoang phường Đống Đa biểu diễn tại Tuần lễ Văn hóa-Du lịch TP. Pleiku năm 2020. Ảnh: Đức Thụy
Phấn khởi trước việc làm đầy tâm huyết của các nghệ nhân múa xoang trong làng, ông Siu Núi-già làng Ốp-bộc bạch: “Tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động dân làng phải cố gắng giữ gìn tiếng chiêng, nhịp xoang của dân tộc mình. Và điều tôi vui mừng nhất là bên cạnh mình còn có các nghệ nhân luôn tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ sau. Nếu không có những nghệ nhân ấy, bản sắc văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một dần”. 
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: “Thành phố hiện có 31 đội cồng chiêng của 14 xã, phường. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, những năm qua, từ già làng, trưởng thôn đến các nghệ nhân luôn tích cực duy trì việc tổ chức lễ hội và chăm lo truyền dạy cách đánh cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho đội cồng chiêng của các làng tham gia các hội thi, hội diễn, khuyến khích bà con gìn giữ các điệu xoang truyền thống, chúng tôi còn mở thêm nhiều lớp tập huấn, truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho thanh niên. Hàng năm, thành phố đều tổ chức Liên hoan cồng chiêng thanh-thiếu niên để “truyền lửa” cho thế hệ kế cận”.
TRẦN DUNG