Những chặng đường lịch sử vẻ vang - Kỳ 2: Khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định sản xuất, đời sống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngay sau ngày giải phóng, Gia Lai phải gánh chịu nhiều mất mát, hy sinh, cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, phát huy tinh thần cách mạng, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, xây dựng quê hương.
Ổn định đời sống người dân
Sau ngày Gia Lai hoàn toàn giải phóng (17-3-1975), hậu quả chiến tranh để lại hết sức nặng nề. Đời sống của người dân ở vùng Kinh, vùng đô thị, vùng mới được giải phóng gặp muôn vàn khó khăn; nhất là một bộ phận bà con ở các thị trấn, thị xã nghe theo lời tuyên truyền xuyên tạc của chính quyền ngụy mà bỏ nhà, bỏ quê hương di tản theo đoàn quân thất trận tháo chạy tán loạn, khi trở về thì nhà cửa, của cải bị đội quân ô phèn cướp bóc, phá hoại; nhiều người bị thất nghiệp, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng do tập tục canh tác lạc hậu, thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp làm mất mùa, gây đói kém. Trước vụ mùa năm 1975, bà con lo tập trung tham gia phục vụ hậu cần, chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên nên sản xuất bị đình trệ. Cùng với đó là bệnh tật, nhất là bệnh sốt rét hoành hành; trẻ em thất học... Trong khi đó, bọn tàn quân, người tham gia trong quân đội và bộ máy chính quyền cũ chưa chịu trình diện, cải tạo, chúng câu kết với bọn phản động FULRO ra sức chống phá chính quyền.
Trước tình hình đó, trong những tháng đầu sau ngày giải phóng tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cử hàng ngàn cán bộ, đảng viên, đoàn viên, nhân viên về cơ sở nắm bắt tình hình, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, củng cố chính quyền mới. Đi đôi với đó, tỉnh cũng đã xuất hàng trăm tấn lương thực, hàng chục tấn muối để kịp thời hỗ trợ người dân; vận động đồng bào tích cực khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi, tăng gia sản xuất. Ở vùng đô thị, vùng đồng bào Kinh, chính quyền tập trung tuyên truyền, vận động người dân trở lại lao động sản xuất, phục hồi các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, từng bước ổn định đời sống. Trường học, cơ sở khám-chữa bệnh từng bước đi vào hoạt động ổn định.
Nông dân huyện Krông Pa thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Nam
Nông dân huyện Krông Pa thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Nam
Trong vòng 2 tháng sau ngày giải phóng, người dân đã ổn định lao động sản xuất. Toàn tỉnh có 45.251 ha lúa nước, hơn 11.000 ha cây trồng có hạt và củ. Ngoài các loại cây lương thực, thực phẩm, tỉnh cũng đã chủ trương quy hoạch phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phong trào thi đua lao động sản xuất những tháng sau ngày giải phóng rất hăng say, nổi bật ở các địa phương: thị xã Pleiku, huyện Chư Păh, huyện Ayun Pa. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, thị xã Pleiku tiến hành giãn dân nội thị ra các vùng ngoại vi, khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi. Nhờ vậy, vụ mùa năm 1975, bà con nông dân đã gieo cấy được gần 2.000 ha lúa, tăng hơn vụ trước đó 1.700 ha. Các huyện Chư Păh, Ayun Pa, An Khê cũng gieo cấy vụ mùa đạt 1.500-2.000 ha. Sản lượng lương thực thu được tuy không lớn, bởi năng suất không cao, nhưng cũng góp phần đáng kể vào việc giải quyết cái ăn trước mắt cho người dân. 
Chính nhờ chủ trương sáng suốt của Tỉnh ủy lúc đó mà ngày nay có những vùng kinh tế phát triển trù phú, dân cư đông đúc, đời sống được cải thiện và ngày càng nâng cao như: Trà Đa, 17-3, Vườn Mít, Lò Than, xã Gào (TP. Pleiku), Ia Lu (Chư Păh), Hà Tam (Đak Pơ), Hà Lòng (Mang Yang)...
Chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế
Đi đôi với việc tăng gia sản xuất, ổn định đời sống vật chất, những vấn đề văn hóa, xã hội cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh; đầu tư, chăm lo công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân, chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước... Tại thị xã Pleiku có 27 trường học với gần 11.000 học sinh các cấp đã trở lại học tập bình thường; hàng trăm lớp mẫu giáo, lớp bổ túc văn hóa được tổ chức trên toàn tỉnh. Nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho đến trước ngày giải phóng (17-3-1975) chưa có trường, lớp học cũng được bắt tay vào xây dựng, huy động con em đồng bào ra lớp. Tỉnh đã huy động lực lượng y tế (kể cả các thầy thuốc lưu dung) xuống tận thôn, làng khám-chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân; 80% dân số ở vùng Kinh và đô thị được tiêm thuốc phòng dịch tả, uống thuốc phòng sốt rét...
Cùng với đó, tỉnh xúc tiến xây dựng bệnh viện, trạm y tế cơ sở, bổ sung thầy thuốc nhằm kịp thời khám-chữa bệnh cho người dân, đề phòng dịch bệnh xảy ra. Trong thời chiến tranh, có một thực tế là hầu như tất cả các vùng bị địch tạm chiếm không có cơ sở y tế cố định ở cấp xã để chăm sóc sức khỏe cho người dân, mà chỉ có những đợt ngành Y tế “tháp tùng” cùng với lính “bình định nông thôn” xuống cơ sở để cấp phát một số thuốc thông thường cho dân, làm “tâm lý chiến” mà thôi. Nhờ cứu đói, cứu đau kịp thời và thực hiện tốt chính sách đối với ngụy quân, nhân viên ngụy quyền đã ra trình diện, cải tạo, tư tưởng Nhân dân trong tỉnh dần dần ổn định, lòng tin đối với chính quyền cách mạng tăng lên. Nhân dân hăng hái thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.
ĐOÀN MINH PHỤNG