Người vẽ "chân dung" Pleiku xưa và nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 8 giờ sáng, khi tôi đặt lịch hẹn thì ông đã ngồi vào bàn làm việc được 1 tiếng đồng hồ. Đó là kỷ luật của riêng ông chứ chẳng ai bắt buộc, chẳng ai trả công. Bên chiếc bàn kê cạnh ô cửa nhỏ, nơi có tàng cây nhạc ngựa xòa bóng, ông đang tiếp tục công việc gần chục năm sau khi nghỉ hưu: Hoàn thiện “chân dung” đô thị Pleiku xưa và nay.
Thật hào hứng khi nghe ông Nguyễn Quang Hiền (03 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku)-nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai-chia sẻ dự định mới nhất của mình. Đó là chia sẻ rộng rãi kho tư liệu gồm hàng trăm bài viết của người Pháp về đô thị Pleiku, do ông cất công sưu tầm và đang bắt tay vào biên dịch. Chúng tôi hiểu rằng ông không yêu Pleiku bằng lời nói suông. Một tình yêu sâu đậm luôn cần được bày tỏ bằng những hành động thiết thực, vô điều kiện. 
Tìm về ký ức đô thị
“Đâu là cột mốc số 0 của Gia Lai? Ai trồng hàng thông trăm tuổi ở Biển Hồ chè? Pleiku hình thành trên cơ sở sáp nhập những làng nào?...”-câu chuyện của chúng tôi mở ra với vô số những câu hỏi rất dễ làm khó những kẻ a-ma-tơ. Nhưng ông Hiền thì cứ như một thư viện số, chỉ cần một cú click chuột là mọi thông tin hiện ra rành rành, khiến nhiều người không khỏi khâm phục. 
Pleiku là nơi hội tụ của dân tứ xứ. Mỗi người tìm đến đây đều trở thành một viên gạch xây nên bản sắc của Phố núi và ông Hiền là một trong số đó. Sau nhiều biến động thời cuộc, từ Hà Nội, ông cùng gia đình di cư vào Buôn Ma Thuột rồi có mặt ở Pleiku năm 1960. Khi ấy ông mới 6 tuổi.  
Học xong bậc phổ thông, ông Hiền thi đỗ vào ngành Điện của Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ (nay là Trường Đại học Bách khoa-Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Năm 1978, sau khi tốt nghiệp, ông về công tác ở Sở Quản lý và Phân phối điện Gia Lai-Kon Tum (nay là Công ty Điện lực Gia Lai). Sau nhiều năm lặn lội khắp các huyện, xã trong vai trò kỹ sư điện, năm 1989, ông được đề bạt làm Trợ lý Giám đốc. Từ năm 1990 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2013, ông đảm nhiệm vai trò Phó Giám đốc Công ty. 
Bằng tình yêu sâu đậm với TP. Pleiku, ông Nguyễn Quang Hiền đã có nhiều đóng góp thiết thực thông qua việc sưu tầm những hình ảnh, tư liệu quý hiếm. Ảnh: Phương Duyên
Bằng tình yêu sâu đậm với TP. Pleiku, ông Nguyễn Quang Hiền đã có nhiều đóng góp thiết thực thông qua việc sưu tầm những hình ảnh, tư liệu quý hiếm. Ảnh: Phương Duyên
Gần như cả đời gắn bó với Pleiku nên ông dành tình yêu cho đất này là điều tự nhiên, không cần bàn cãi. “Tôi thấy dễ chịu vì khí hậu Pleiku phù hợp; khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp với thông xanh và đất đỏ; con người hiếu khách, hào phóng, chân tình. Đủ để muốn sống ở đây lâu dài”-ông Hiền bày tỏ. Hơn thế, đô thị hơn 90 năm tuổi này sở hữu những tầng vỉa văn hóa-lịch sử hết sức dày dặn, cần được “đào xới”, tìm tòi. Cũng như con người, một đô thị không thể không có ký ức. Hiểu rõ quá khứ để tựa vào, làm động lực đi tới là điều vô cùng cần thiết. Vậy là sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu chuyên chú vào việc này.
Cách đây 6 năm, trong số những người có thú sưu tập ảnh Pleiku xưa, ông Hiền sở hữu kho ảnh đồ sộ nhất với tổng số file hình lên đến con số 3.158, được sắp xếp chi tiết trong 186 đề mục. Đến nay, số lượng ảnh tăng lên… chóng mặt: gần 20 ngàn tấm thuộc 447 đề mục gồm: đường, dốc, hiệu buôn, quán cà phê, trường học, rạp hát, bến xe, sân bay, chợ, phương tiện giao thông… Trong số này thậm chí còn có một thư mục là “Pleiku nhầm”, bao gồm những tấm chụp ở một số nơi khác nhưng lại bị nhiều người nhận nhầm là Pleiku. Vì lý do bản quyền, ông còn công phu sắp xếp số ảnh sưu tầm được thành 443 đề mục theo tên tác giả. Từ những bức ảnh quý hiếm trên, ta có dịp đối chiếu Pleiku xưa-nay để hiểu rõ thêm về lịch sử đô thị cùng những bước chuyển mình mạnh mẽ của thành phố cao nguyên.
Có cảm tưởng con người mê tìm tòi trong ông luôn “ngọ nguậy”, chẳng chịu ngồi yên. Ngoài sưu tầm ảnh xưa, những năm gần đây, ông Hiền còn cặm cụi kiếm tìm tư liệu viết về Pleiku từ trang web của Thư viện Đông Dương (Pháp). Vốn tiếng Pháp tiếp nhận từ nhỏ được hoàn thiện dần qua quá trình tự học nghiêm túc đã hỗ trợ ông đắc lực trong việc này. Khởi động chiếc laptop, ông chỉ cho chúng tôi xem số tư liệu với hàng trăm bài viết, được phân chia thành 36 đề mục khác nhau gồm: đô thị, thuế má, giao thông, dân tộc học, văn hóa Champa, giáo dục, khí tượng thủy văn, các đồn điền… Mảng này liên quan, kết nối chặt chẽ với mảng khác khiến ông khó lòng “dừng bước”. Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy ông sưu tầm được cả những văn bản quý như Nghị định của Khâm sứ Trung Kỳ về cấp đất cho thực dân để trồng chè và một số loại cây công nghiệp. “Mỗi quyết định đều kèm theo một bản vẽ nhưng tiếc là giờ mình không tìm được”-ông tiếc nuối. 
Song ông cất công tìm kiếm, chọn lọc, biên dịch không phải để làm của riêng hay để nâng cái “tôi” của mình lên. Ông vui vẻ cho hay: “Tôi mong muốn công bố rộng rãi nguồn tư liệu này theo cách thức phù hợp để những người quan tâm có thêm một nguồn thông tin đáng tin cậy. Xét cho cùng, đây có phải tư liệu của riêng mình đâu mà cất giữ”. 
Chính vì ông có kiến văn rất rộng nên nhiều phóng viên báo chí thường tìm đến để nhờ tham vấn những vấn đề lịch sử-văn hóa liên quan. Giữa ông và những người làm công tác nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh cũng có mối quan hệ hữu hảo. Là người được ông hỗ trợ tìm và dịch một số tư liệu về việc xây dựng đồn điền của Pháp ở Bắc Tây Nguyên, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Thị Kim Vân chia sẻ: “Tôi ngạc nhiên khi thấy một kỹ sư điện như ông Hiền lại rất quan tâm lĩnh vực văn hóa-lịch sử. Khi tôi nhờ dịch một số tư liệu bằng tiếng Pháp, nhiều người đọc qua là… từ chối, nhưng ông Hiền thì vui vẻ nhận lời và làm rất có tâm”.  
Góp thêm một “nét vẽ” về Pleiku 
Với một số người, nghỉ hưu là một khoảng lặng. Nhưng với ông Hiền, có lẽ đây mới chính là quãng thời gian ông dành hết năng lượng để làm những việc mình ưa thích. Tham gia Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh là một trong những việc như thế. Có mặt trong Ban Chấp hành Liên hiệp Hội từ khóa đầu (2006-2011), đến nay, ông luôn làm “tròn vai” phản biện xã hội mà Chủ tịch Liên hiệp Hội ủy quyền đối với một số đề tài, dự án nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực công nghiệp, kỹ thuật cơ điện, môi trường… Sự góp sức ấy cũng là một “nét vẽ” để hoàn thiện bức chân dung về Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung. 
Ông Nguyễn Quang Hiền (thứ 2 từ trái sang) cùng Hội đồng giám khảo Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh xem xét một mô hình dự thi. Ảnh: Phương Duyên
Ông Nguyễn Quang Hiền (thứ 2 từ trái sang) cùng Hội đồng giám khảo Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh xem xét một mô hình dự thi (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Phương Duyên
Tiến sĩ Sử học Nguyễn Thị Kim Vân: “Tư liệu bằng tiếng Pháp về Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng hiện nay khá “mở”, nhất là tư liệu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nhưng theo đánh giá của tôi, tại Gia Lai chưa có ai khác ngoài ông Hiền có khả năng khai thác và dịch được một cách chính xác, chỉn chu. Nhờ hiểu biết về những vấn đề đó sâu sắc nên ông dịch rất sát. Đây là điều rất đáng quý”. 
Với vốn kiến thức chắc chắn, uyên thâm cùng sự thẳng thắn đến mức có thể gây… mất lòng, ghế phản biện của ông luôn “nóng” với các đề tài, dự án như: “Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Pleiku và phụ cận đến 2045”; “Ý tưởng quy hoạch chung khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya đến năm 2030”; “Vấn đề thu gom và xử lý, tái chế rác thải đô thị”; “Quy hoạch lưới điện tỉnh Gia Lai tầm nhìn đến năm 2030”; Đánh giá tác động môi trường các công trình thủy điện, các công trình năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), công trình chỉnh trang đô thị Ayun Pa, nhà máy sản xuất ống nhựa thuộc Khu Công nghiệp Trà Đa… Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh-nhận xét: “Anh Nguyễn Quang Hiền tham gia Ban Chấp hành Liên hiệp Hội nhiều khóa liền và khóa này đảm nhiệm vai trò Ủy viên Thường vụ. Anh luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tích cực trong tham gia phản biện một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, khi được mời làm giám khảo các hội thi, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật liên quan đến điện, điện tử, anh luôn tìm hiểu kỹ lưỡng đa lĩnh vực và rất công tâm, khách quan”. Vì vậy, không lạ khi ông 2 lần được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng bằng khen vì những thành tích xuất sắc.
Mải mê kiếm tìm, nghiên cứu nên suốt 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, ông Hiền có một nơi trú náu không biết chán, đó là thế giới vô tận trong chiếc laptop bé nhỏ. Khi được hỏi về những tâm nguyện, người đàn ông có nụ cười rất hóm ấy nheo mắt: “Tôi mong muốn hoàn thiện một bức tranh tổng thể về Pleiku để giúp mọi người có một hình dung sâu hơn, tốt hơn về thành phố, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế trên các lĩnh vực kinh tế, năng lượng, văn hóa-lịch sử và nhất là vẻ đẹp thiên nhiên, con người”.
PHƯƠNG DUYÊN