(GLO)- Đội ngũ người uy tín tại thị xã Ayun Pa không chỉ gương mẫu trong các phong trào mà còn làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Thấu tình đạt lý
Ông Nay Ka từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại xã Ia Rtô. Năm 2017, sau khi nghỉ hưu, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận buôn Phu Ma Miơng. Được xem là cầu nối giữa ý Đảng-lòng dân, mỗi khi trong buôn xảy ra vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai, xích mích do hiểu lầm giữa hàng xóm láng giềng, mâu thuẫn vợ chồng… ông luôn đứng ra hòa giải thấu tình đạt lý.
Cách đây 1 năm, do ghen tuông, khinh gia đình vợ nghèo, chồng chị Ksor H'Tuyết thường xuyên uống rượu rồi đánh đập, chửi bới vợ con. Nắm được tình hình, ông Nay Ka trực tiếp đến nhà trò chuyện, phân tích thấu đáo đúng-sai cho vợ chồng chị. Ông nhấn mạnh cả hai vợ chồng cùng bớt đi cái tôi cá nhân, hợp sức nuôi dạy con cái thì gia đình sẽ yên ấm, hạnh phúc. Được cởi bỏ những khúc mắc, ấm ức bấy lâu, vợ chồng chị H'Tuyết từ đó chung sống hòa thuận.
Ông Nay Ka (bìa phải, buôn Phu Ma Miơng, xã Ia Rtô) giải quyết các mâu thuẫn luôn thấu tình đạt lý nên được bà con đồng thuận. Ảnh: Vũ Chi |
Bà Rcom H'Guach-người uy tín ở tổ 6 (phường Hòa Bình) cũng là một điển hình thực hiện công tác hòa giải tại cơ sở. Bà cho biết: Mặc dù theo chế độ mẫu hệ nhưng người phụ nữ Jrai lại không có tiếng nói trong xã hội. Vì vậy, nếu người làm công tác hòa giải là nam giới gặp khó khăn một phần thì phụ nữ phải mười phần. Do đó, ngoài uy tín của bản thân, bà nỗ lực tìm hiểu các quy định pháp luật để giải thích, thuyết phục các bên tranh chấp sao cho thấu tình, đạt lý, giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó xử sự phù hợp với quy định pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội.
Ngày 7-5 vừa qua, ông Ksor Uy (tổ 6, phường Hòa Bình) nghi ngờ bà Kpă HYep (tổ 10, phường Đoàn Kết) dùng “thuốc thư” khiến cháu ngoại ông đang học lớp 5 bị bệnh. Sau khi mời thầy cúng về nhà làm lễ cúng mà bệnh tình cháu không thuyên giảm, ông cùng con rể tới nhà bà HYep chửi bới, dọa giết nếu bà không đưa thuốc giải. Nắm được tính chất nghiêm trọng của vụ việc, bà H'Guach đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân. Bà phân tích: “Ngày xưa, do đời sống lạc hậu, bà con tin vào ma lai, thuốc thư nên mời thầy về cúng trị bệnh. Ngày nay, khoa học phát triển, có bệnh phải đi bác sĩ, phải uống thuốc. Nếu tuyên truyền mê tín dị đoan, vu khống người khác không có căn cứ có thể bị phạt tiền, phạt tù…”. Sau 3 lần đến nhà thuyết phục, bà mời cả 2 gia đình ra nhà văn hóa để giảng hòa trước sự chứng kiến của đại diện 2 tổ dân phố. Gia đình ông Uy đã xin lỗi và mong bà HYep thông cảm cho sự thiếu hiểu biết của mình. Sau đó, cả 2 gia đình đã thân thiết trở lại.
Vun đắp tình đoàn kết buôn làng
Với kinh nghiệm của bản thân, trong 5 năm gần đây, bà H'Guach đã hòa giải thành công 15 vụ việc phức tạp lên quan đến xích mích trong cộng đồng, còn những vụ mâu thuẫn nhỏ trong gia đình thì không đếm hết. Bất kể đêm hôm, mưa gió, hễ có mâu thuẫn ở đâu là bà liền có mặt. Công bằng, không đòi hỏi quyền lợi nên cách xử lý của bà được mọi người đồng thuận. Nhiều người khuyên bà nếu thấy người ta đánh nhau, chửi bới thì đừng lui tới bởi có thể nguy hiểm đến bản thân. Nhưng bà cho rằng, nếu những mâu thuẫn, tranh chấp không được giải quyết kịp thời thì “chuyện bé xé ra to”, gây âm ỉ, bức xúc, có thể dẫn đến phạm pháp, mất đoàn kết buôn làng. Vì vậy, mặc dù đã ngoài 70 tuổi nhưng bà vẫn tận tụy “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của bà con, hóa giải những mâu thuẫn trong cộng đồng.
Bà Rcom H’Guach (bìa trái, tổ 6, phường Hòa Bình) luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng người để hòa giải các vụ việc công bằng nhất. Ảnh: Vũ Chi |
Để phát huy hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, những năm qua, xã Ia Rtô luôn chú trọng kiện toàn đội ngũ hòa giải viên và nâng cao chất lượng tổ hòa giải các buôn làng. Toàn xã có 5 tổ hòa giải với 25 thành viên. Ông Huỳnh Thanh Thọ-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã-đánh giá: Công tác hòa giải là một hình thức của công tác dân vận. Các hòa giải viên không chỉ phân tích, giải thích để các bên hiểu được những giá trị đạo đức con người mà còn phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó tự giác chấp hành. Thực tế cho thấy, ở đâu làm tốt công tác hòa giải thì ở đó trật tự xã hội được giữ vững, đời sống người dân được yên bình, hạnh phúc, kinh tế phát triển. Điển hình như buôn Phu Ma Miơng nhiều năm nay không xảy ra tình trạng đơn thư, khiếu kiện vượt cấp, tình hình an ninh chính trị ổn định.
Theo ông Trịnh Văn Lương-Trưởng ban Dân vận Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Ayun Pa, đến nay, thị xã đã xây dựng 49 tổ hòa giải với 317 hòa giải viên. Năm 2021, thị xã xảy ra 69 vụ tranh chấp thì 56 vụ được hòa giải thành công tại cơ sở. Trong 6 tháng đầu năm nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và hòa giải thành công 14 vụ việc. Đội ngũ người có uy tín đã góp phần quan trọng vào kết quả này. Dù đa số tuổi đã cao nhưng với tinh thần, trách nhiệm với cộng đồng, họ không ngại khó, ngại khổ tìm hiểu, hòa giải thành công các vụ mâu thuẫn, từ đó hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp, kéo dài, giữ gìn, vun đắp tình đoàn kết buôn làng.
VŨ CHI