"Nghệ sĩ chân đất" gắn bó với đàn bầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xuất phát từ niềm đam mê, ông Mai Hào Hùng đã tìm tòi, chế tác từ thân cây tre mộc mạc, khô cứng thành cây đàn bầu đậm chất dân tộc. Không dừng lại ở đó, ông còn truyền lửa đam mê âm nhạc tới những người kém may mắn trong xã hội.

 

Say mê chế tác nhạc cụ

Theo lời giới thiệu của một khách mua đàn, chúng tôi tìm đến nhà ông Mai Hào Hùng ở thôn Thượng An 2 (xã Song An, thị xã An Khê). Từ xa đã nghe vẳng lại tiếng đàn bầu lúc trầm lúc bổng trong tiết trời se lạnh khiến lữ khách nao lòng. Thấy có khách đến, ông Hùng ngưng tay đàn. Nhấp ngụm trà nóng, ông hồi tưởng chuyện của đời mình: Ông sinh năm 1948 tại xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. 20 tuổi, ông thi đậu vào Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), đến năm 1971 thì tốt nghiệp. Những năm tháng ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt. Để cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân tuyến lửa miền Trung, ông cùng nhiều bạn học được điều động đi biểu diễn phục vụ. Chiến tranh biên giới Tây Bắc 1979 nổ ra, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa như ông lại lên đường đến với cán bộ, chiến sĩ miền biên ải… “Đó là những năm tháng đầy gian khổ, hào hùng. Với khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom”, chúng tôi tiếp thêm nguồn động viên tinh thần quý báu giúp cán bộ, chiến sĩ ta hăng say đánh giặc, hướng tới ngày toàn thắng”-ông Hùng bồi hồi kể lại.

Ông Mai Hào Hùng chế tác đàn bầu từ thân cây tre có dáng dấp nhà rông Tây Nguyên. Ảnh: N.M
Ông Mai Hào Hùng chế tác đàn bầu từ thân cây tre có dáng dấp nhà rông Tây Nguyên. Ảnh: N.M



 Năm 1982, vì sức khỏe giảm sút nên ông Hùng được phục viên, rồi đi xây dựng kinh tế mới tại Đoàn 332 đứng chân trên địa bàn huyện Kbang và chuyển về sinh sống tại An Khê từ năm 1988 đến nay. Gần 40 năm gắn bó với Tây Nguyên, ông Hùng nhận thấy người dân nơi đây có nhiều loại nhạc cụ làm từ tre như: klông put, trưng, đinh goong… cho âm thanh rất hay. Trong khi đó, cây tre rất gần gũi và dễ kiếm. Vì thế, ông Hùng đã nảy ra ý tưởng chế tác cây đàn bầu bằng tre, thay cho nguyên liệu gỗ.  
  
Theo ông Hùng, về nguyên lý thì đàn bầu làm bằng tre vẫn có thân, bầu, cần, dây và hệ thống máy tăng âm như loại đàn bầu thông thường. Để tạo ra cây đàn bầu có âm thanh chuẩn phải chọn những cây tre bánh tẻ. Tre mang về chia đoạn khoảng 115 cm tương ứng với chiều dài thân đàn; khi chia đoạn thì 2 đầu bắt buộc phải có mắt tre bít kín, sau đó để nơi gió thoáng cho tre khô tự nhiên. Nên chặt tre vào tháng 3 Âm lịch-thời điểm Tây Nguyên vào cao điểm mùa khô, cây tre đang trong giai đoạn rút nước, thân đanh lại thì sau này ít bị mối mọt. Chọn những cây tre có đường kính 5-7 cm, tiến hành cắt vát, lấy phần có mắt tre làm bầu đàn, rồi đục lỗ thấu từ trên xuống để gắn cần đàn vào. Cần đàn được làm bằng sừng trâu, là nơi kết dây đàn từ bầu đàn đến cuối thân đàn. “Cây đàn có các họa tiết mang dáng dấp ngôi nhà rông truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Qua hệ thống máy tăng âm, loa phát, âm thanh, tiếng đàn ngọt ngào, sâu lắng chẳng thua kém đàn làm từ nguyên liệu khác”-ông Hùng say sưa giới thiệu.  

 Đèo An Khê. Ảnh: PHAN NGUYÊN
Đèo An Khê. Ảnh: PHAN NGUYÊN



Truyền lửa tình yêu âm nhạc
 

Không chỉ giỏi chế tác nhạc cụ, ông Mai Hào Hùng còn có khả năng sáng tác nhiều bài hát mang đậm hơi thở cuộc sống như: Ai về đất mẹ An Khê, Hát về Song An, Chúng tôi hội nông dân, Biển đảo Việt Nam, Song An quê tôi… Những bài hát này khi tham gia biểu diễn tại hội thi văn nghệ quần chúng đều đạt giải cấp thị xã và tỉnh. Với những đóng góp trong phong trào văn hóa-văn nghệ, năm 2013, ông Hùng được Tỉnh ủy tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong một lần đến thăm chi hội Nguyễn Nga thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bình Định, ông cảm động khi thấy những học viên khuyết tật nơi đây lần mò học từng nốt nhạc. Vì thế, đầu năm 2017, ông Hùng quyết định xuống Bình Định dạy đàn miễn phí cho các học viên. Ông Hùng ở nhờ nhà một người thân cách chi hội hơn 10 km. Tối tối, ông giáo già vượt sương đêm, gió lạnh, kiên nhẫn, ân cần chỉ bảo từng học viên. Sau 2 năm, nhiều học viên đã biết đánh đàn bầu, thậm chí nhờ vào tiếng đàn ấy để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Chị Nguyễn Thị Gái-một học viên-chia sẻ: Nhờ sự chỉ bảo tận tình của thầy Hùng, trong vòng 2 tháng, chị đã có thể hòa tấu bài “Cung đàn đất nước”. Chỉ tay về chiếc đàn bầu đặt trang trọng ở bục giảng, chị Gái bộc bạch: “Chiếc đàn đó thầy Hùng tặng cho tôi, nó không chỉ là nhạc cụ trợ giảng mà còn theo tôi tham gia biểu diễn tại nhiều chương trình văn hóa-văn nghệ do chi hội và thành phố tổ chức. Thầy Hùng không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền lửa đam mê, giúp chúng tôi có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống”.

Hành động nhân văn của ông Hùng đã để lại dấu ấn trong lòng cán bộ, giáo viên tại cơ sở. Bà Nguyễn Thị Thanh Nga-Chi hội trưởng chi hội Nguyễn Nga-cho biết: “Trong 2 năm 2017-2018, ông Hùng không quản ngại đường xá xa xôi đã đến dạy đàn cho các em. Ông nhiệt tình, vui tính nhưng rất nghiêm khắc trong giờ học. Thấy đàn của em nào hỏng, ông lại mang ra sửa chữa. Nhờ sự tận tụy, chỉ bảo của ông nên nhiều học viên biết sử dụng thành thạo cây đàn bầu, giúp các em thêm trân quý nhạc cụ truyền thống dân tộc”.

Theo bà Nga, sau khi được ông Hùng dạy đánh thành thạo đàn bầu, chị Gái đã truyền đạt lại những kiến thức học được cho các học viên trong chi hội. “Đến nay, chị Gái là một trong 4 thành viên nhóm nhạc S Girl (những cô gái đặc biệt) biết biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc để phục vụ các đoàn khách đến tham quan, du lịch tại TP. Quy Nhơn”-bà Nga phấn khởi thông tin thêm.

 NGỌC MINH