(GLO)- Ông Nguyễn Văn Đồng-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống bệnh xã hội tỉnh cho biết: Đến thời điểm này, Gia Lai đã đạt 3 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn Việt Nam là tỷ lệ lưu hành dưới 0,2/10.000 người; tỷ lệ tàn tật độ II dưới 15% và tỷ lệ phát hiện dưới 1/100.000 dân. Tiêu chuẩn còn lại là công tác truyền thông giáo dục y tế sẽ được kiểm tra đánh giá và tiến tới loại trừ bệnh phong đúng tiến độ đề ra trong năm 2015.
Như vậy, công tác loại trừ bệnh phong trên địa bàn tỉnh Gia Lai vào năm 2015 đã và đang trên đường về đích. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là sau khi đã được công nhận loại trừ thì công tác phòng-chống phong trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai như thế nào? Kết quả đạt được trong công tác này liệu có được duy trì bền vững?
Ảnh: Như Nguyện |
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, sau khi được công nhận loại trừ bệnh phong, chương trình phòng-chống phong trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục được quan tâm. Có như vậy, những kết quả đạt được trong công tác phòng-chống phong mới được duy trì ổn định và bền vững. Thực tế, tại một số địa phương đã được công nhận loại trừ bệnh phong trước đó, do thiếu sự quan tâm, đầu tư nguồn lực và chuyên môn nên kết quả đạt được trong công tác phòng-chống phong sau khi loại trừ hết sức rời rạc. Nguy cơ bệnh phong quay trở lại hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Bên cạnh đó, bệnh phong lây do trực khuẩn hansen, thời gian ủ bệnh lâu từ 5 đến 10 năm thậm chí có người từ 20 đến 40 năm mới phát bệnh nên một số người đã có mầm bệnh nhưng chưa được phát hiện. Do đó không thể thanh toán bệnh phong trong một thời gian ngắn… Ngoài ra, Gia Lai có địa bàn rộng, giao thông còn nhiều trắc trở, đời sống kinh tế còn khó khăn, nhận thức của người dân về bệnh phong còn hạn chế, số lượng bệnh nhân phong tiềm ẩn nhiều trong cộng đồng… Vì vậy, sau khi loại trừ bệnh phong cũng cần duy trì mạng lưới và các hoạt động cho công tác phòng-chống phong. Các cấp chính quyền cần quan tâm đầu tư, duy trì kinh phí cho công tác phòng-chống phong để đẩy mạnh các hoạt động truyền thông; hoạt động khám phát hiện và đặc biệt là công tác chăm sóc và phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong tàn tật nằm rải rác tại cộng đồng.
Theo thống kê của Trung tâm Phòng-chống bệnh xã hội tỉnh, số lượng bệnh nhân phong đang được quản lý điều trị trên địa bàn tỉnh là 702 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân phong tàn tật độ II chiếm tỷ lệ 13,6%. Việc chăm sóc và phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa. Do vậy, tỉnh cần thành lập bệnh viện phong da liễu để đẩy mạnh công tác phòng-chống phong và duy trì các kết quả bền vững sau khi được công nhận loại trừ bệnh phong. Việc thành lập bệnh viện chuyên môn sâu sẽ giúp việc quản lý, điều trị bệnh nhân phong trên địa bàn tỉnh thuận lợi. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc phòng tránh tàn tật, phục hồi chức năng cho người bệnh phong, giúp người đã từng mắc bệnh phong tái hòa nhập cộng đồng.
Loại trừ bệnh phong không dễ nhưng ổn định và duy trì bền vững kết quả đã đạt được lại càng khó khăn hơn. Giám đốc Trung tâm Phòng-chống bệnh xã hội tỉnh cho biết: Để được công nhận loại trừ bệnh phong vào năm 2015 trên địa bàn, Gia Lai cần đạt 4/4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn Việt Nam. Đến nay, Gia Lai đã đạt 3 tiêu chuẩn, tiêu chuẩn còn lại là công tác truyền thông giáo dục y tế. Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn khó đạt nếu không quan tâm tăng cường các hoạt động truyền thông, đặc biệt là công tác truyền thông về bệnh phong trong học đường.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2014, Trung tâm Phòng-chống bệnh xã hội tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng-chống phong; tổ chức các buổi truyền thông về bệnh phong vào học đường; ổn định mạng lưới phòng-chống phong từ tuyến tỉnh cho đến tuyến cơ sở để tiến tới công nhận loại trừ bệnh phong vào khoảng tháng 10-2015.
Như Nguyện