Làng Đal: Một thời hoa lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Làng Đal (xã Biển Hồ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) có lẽ là một trong những ngôi làng Jrai chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bom đạn chiến tranh. Vượt qua những mất mát đau thương, dân làng đã kiên cường vươn lên để xây dựng cuộc sống mới.
Ngôi làng trăm tuổi
Đó là ngôi làng nhỏ trên ngọn đồi cách Sân bay Pleiku một quãng về hướng Đông. Theo ông Nher (SN 1958): Làng đã có tuổi đời hàng trăm năm. Cha ông chúng tôi đã bám theo những mạch nước ngầm từ trong lòng đất có tên Ia Pok, Ia Kreh… để lập làng. “Những năm trước, khi người dân trong vùng đào hố trồng cà phê vẫn còn gặp nhiều ngôi mộ cổ không tên chôn theo di vật của người Jrai như: chén, đĩa, chiêng, tẩu thuốc… Mà người Jrai thường chọn nơi chôn cất người thân của mình ở gần làng để dễ dàng chăm nom, quét dọn, trò chuyện với người đã khuất. Dân làng đã ở vùng này từ rất lâu rồi nhưng do gặp những biến động nên về sau người ta thường gọi nơi đây là làng Đal mới”-ông Nher thổ lộ.
Theo thông tin mà Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh từng chia sẻ, năm 1922, một số hộ dân người Kinh đã lập làng có tên là Trà Đa (xã Trà Đa hiện tại). Nguồn gốc của từ Trà Đa được cắt nghĩa từ Trà, tức là làng. Vì gần làng Đal của người Jrai đã có từ trước nên người Kinh gọi làng của mình là Trà Đa. Đối chiếu với địa giới hành chính hiện tại, thông tin này hoàn toàn có cơ sở, chứng tỏ làng Đal đã có từ rất lâu trước khi những người Kinh đầu tiên đến nơi này.
 Những con đường của làng Đal hiện đã được phủ bê tông phẳng lì, sạch đẹp. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Những con đường của làng Đal hiện đã được phủ bê tông phẳng lì, sạch đẹp. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Ông Nher cho hay: Những năm tháng tuổi thơ của ông đã ở ngôi làng hiện tại bên cánh đồng sân bay. Khoảng từ năm 1965, khi chiến sự trong vùng ác liệt, bà con phải sơ tán về khu vực làng Phung gần chợ Biển Hồ hiện tại. Đã hơn 50 năm trôi qua, ông Nher vẫn nhớ như in từng chòi canh gác của lính Mỹ-ngụy đặt trên cánh đồng. “Mỹ-ngụy thời đó đặt rất nhiều chòi canh gác dọc theo hàng rào thép gai để bảo vệ sân bay. Chúng cũng cài không biết bao nhiêu quả mìn trong khu vực nên mỗi lần đi làm ruộng, dân làng phải rất cẩn thận vì sợ trúng mìn. Nhưng cũng không thể tránh hết được vì bom mìn dày đặc trong vùng”-ông Nher kể. 
Từ căn nhà nằm bên đồng lúa ngào ngạt xanh tươi, ông Nher chỉ tay về mảnh ruộng hướng Tây cách đó không xa. Ở vị trí đó, trước kia từng là một mô đất nhô cao như hòn đảo nằm giữa cánh đồng. Năm khoảng 9 tuổi, khi đi theo cha mẹ làm ruộng, cậu bé Nher đã nhóm lửa nướng cá khô để nấu bữa cơm chiều. Lửa bốc lên, cậu vừa đứng dậy bước đi thì 1 quả mìn phát nổ khiến cậu bị thương nặng ở phần mông, máu chảy ướt đẫm chiếc quần. Cha mẹ cậu tá hỏa bế đi cấp cứu và may mắn giữ được mạng sống. 
Trở lại làng xưa
Sau ngày thống nhất đất nước, người Jrai tạm trú ở làng Phung bắt đầu quay về làng cũ. Dẫu vậy, cuộc “tái ngộ” đã gặp phải không ít đau thương bởi ảnh hưởng của bom đạn sau chiến tranh. Vì từng là vùng chiến sự ác liệt nên bom mìn nằm rải rác khắp nơi từ những mảnh ruộng cho đến những quả đồi. Vừa chỉ tay chính xác từng điểm, ông Nher vừa đau xót nhớ lại: “Chị họ của tôi đi chăn bò cùng người cậu không may giẫm phải mìn khiến cậu chết, còn chị bị cụt 1 chân. Có những người trong làng cuốc phải bom mìn, người đi rà phế liệu, cưa bom đạn lấy thuốc nổ để bán bị nạn dẫn đến tàn tật hoặc tử vong. Ngay chính tôi khoảng năm hơn 20 tuổi cũng bị thêm một lần với vết thương rất sâu ở bụng và lưng nhưng cũng được cứu sống”. Nói rồi, ông Nher vén áo cho chúng tôi xem những vết sẹo sâu hoắm trên cơ thể mình. Ông cũng thổ lộ, có lẽ vì những vết thương do bom đạn mà người con trai đầu của ông sinh ra đã gặp vấn đề về thần kinh, hiện đã gần 40 tuổi nhưng không thể làm những việc như người bình thường. 
Người dân làng Đal đã áp dụng mô hình trồng rau sạch trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Người dân làng Đal đã áp dụng mô hình trồng rau sạch trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Ông Đặng Khánh Toàn-Chủ tịch UBND xã Biển Hồ: “Trước đây, làng Đal gặp rất nhiều khó khăn. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã quan tâm đầu tư từ hệ thống đường, điện, nhà sinh hoạt cộng đồng… cho đến những mô hình làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện làng Phung đạt 19/19 tiêu chí và đang chờ xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2022”. 
Ông Byet-một trong những cư dân trở lại làng vào cuối thập niên 70-80 của thế kỷ trước cũng không quên được những tháng ngày nơm nớp lo âu đó. “Bom mìn có ở khắp nơi không biết được, nếu nó hiện lên trên mặt đất thì không sao, sợ nhất là ở trong lòng đất hoặc trong các bụi cây, bụi cỏ lỡ đào, giẫm trúng. Dân làng đi làm nếu gặp mìn thì thống nhất nhặt rồi gom về chỗ bụi tre gai lớn ở cuối làng để người khác không đụng phải. Phải đến năm 2000, bộ đội mới thu gom gần như triệt để bom mìn trong vùng mang đi tiêu hủy”-ông Byet kể. 
Cũng theo ông Byet, những năm đầu tiên trở lại ngôi làng thân quen, dân làng hầu hết đều nghèo đói bởi lúa chỉ trồng được 1 vụ không đủ ăn, cà phê mới bắt đầu chập chững canh tác chưa thu hoạch. Nhiều hộ dân phải ăn cơm độn củ mì. “Vùng này có nhiều mạch nước lớn, Mỹ-ngụy cũng từng đặt nhà máy nước ở nơi đây nên không bao giờ sợ thiếu nước sinh hoạt. Cánh đồng cũng rộng rãi, tươi tốt, đất đồi màu mỡ nên trồng cây gì cũng cho năng suất cao. Đặc biệt là cua cá nhiều vô kể nên không sợ thiếu thực phẩm. Những năm 80 chỉ chừng hơn 10 nóc nhà thôi nhưng hiện tại đã có khoảng 50 nhà rồi. Dân làng biết làm lúa 2 vụ, học người Kinh cách chăm sóc cà phê, trồng thêm cây ăn quả, nuôi con heo, con bò nên không lo thiếu đói nữa, nhiều người trở nên khấm khá cũng nhờ biết làm ăn trên mảnh đất này”-ông Byet bộc bạch. 
Bước đi trên những con đường bê tông phẳng lì ngang dọc của làng, lắng nghe tiếng cười giòn giã của lũ trẻ trong những ngôi nhà xây khang trang, ít người biết rằng nơi đây từng chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh. Làng Đal hiện tại đã sáp nhập vào làng Phung, song nó vẫn còn mãi trong tâm trí những người Jrai nơi đây. 
LÊ VĂN NGỌC