(GLO)- Hơn một tháng qua, 50 người dân ở thị trấn Phú Túc và các xã Chư Gu, Phú Cần (huyện Krông Pa) phải nhập viện vì sốt xuất huyết. Mặc dù ngành Y tế đã áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa nhưng số lượng bệnh nhân nhập viện đang tăng dần và có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Sau hai ngày bị sốt cao, toàn thân đau nhức, cháu Trần Vũ Trung Bắc (ở khu phố 6, thị trấn Phú Túc) xanh như tàu lá chuối. Các bác sĩ kết luận cháu bị sốt xuất huyết. Anh Nhật Lam-bố cháu Bắc lo lắng nói: “Thấy cháu lên cơn sốt, gia đình cứ nghĩ cháu bị sốt siêu vi. Các bác sĩ nói may mà đưa cháu lên Trung tâm Y tế kịp chứ không để cháu bị sốt cao dẫn đến bị sốc, co giật thì nguy”.
Cán bộ y tế kiểm tra các bể chứa nước có lăng quăng tại tổ 15, thị trấn Phú Túc. Ảnh: Đ.P |
Ngay trong buổi sáng 29-7, khi chúng tôi có mặt, Trung tâm Y tế huyện Krông Pa tiếp nhận thêm 4 trường hợp bệnh nhân ở tổ 3 và tổ 6, thị trấn Phú Túc nhập viện với chẩn đoán bị sốt xuất huyết qua test kiểm tra nhanh. Bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm nhận định: Tính đến nay, sau 1 tháng kể từ lúc phát hiện bệnh nhân đầu tiên đã có gần 50 trường hợp bị sốt xuất huyết nhập viện được chữa khỏi trở về nhà và một số ít trường hợp nặng hơn được chuyển tuyến điều trị theo nguyện vọng của gia đình.
Bệnh sốt xuất huyết xảy ra tại hầu khắp địa bàn thị trấn Phú Túc và thôn Kiến Xương (xã Chư Gu), thôn Đông Hưng, Kiến Xương, Thắng Lợi (xã Phú Cần) trong hơn 1 tháng nay. Ngày 3-7, Trung tâm Y tế huyện Krông Pa tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên bị sốt xuất huyết là anh Hồ Thanh Tùng, ở tổ dân phố 7, thị trấn Phú Túc vào viện trong tình trạng sốt cao 39 độ, người lả đi, đau cơ, xương khớp nhức mỏi, khắp người nổi nhiều mẩn đỏ... Trung bình mỗi ngày có 1-2 ca vào viện điều trị với bệnh lý tương tự.
Đáng chú ý, trong 1 tuần gần đây, số bệnh nhân nhập viện tăng dần lên. Trung tâm Y tế Dự phòng huyện đã xuống địa bàn giám sát dịch tễ, bắt muỗi điều tra, xét nghiệm cận lâm sàng xác định bệnh xuất huyết Dengue. Thế nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa bắt được một cá thể muỗi Aedes aegypti-tác nhân gây sốt xuất huyết. Cho dù, bác sĩ Bửu khẳng định cán bộ y tế dự phòng huyện đã tổ chức nhiều đợt xuống địa bàn tìm bắt muỗi và ngay trong Trung tâm Y tế huyện đã có tới 3 cán bộ bị mắc bệnh; thậm chí có gia đình cả 2 cha con cùng bị sốt xuất huyết.
Mặc dù ngành Y tế chưa tìm ra tác nhân gây bệnh tại ngoài môi trường sống nhưng nhận định chắc chắn có muỗi Aedes aegypti trong khu dân cư đã được khẳng định. Trung tâm Y tế huyện đang lên kế hoạch triển khai nhiều đợt phun thuốc diệt muỗi tại các khu dân cư có người mắc sốt xuất huyết. UBND huyện Krông Pa đã khẩn cấp ban hành chỉ thị phòng-chống dịch bệnh sốt xuất huyết và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động nhân dân triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh, tổ chức vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh thoát nước, tiêu diệt lăng quăng (bọ gậy) nhằm loại trừ nguồn lây bệnh...
Thị trấn Phú Túc có 2.510 hộ, hơn 10.560 khẩu, là địa bàn có dân cư sinh sống tập trung nên dịch bệnh dễ bề lây lan với tốc độ nhanh. Theo chân tổ công tác của Trung tâm Y tế huyện xuống tổ dân phố 15-nơi mới ghi nhận thêm bệnh nhân sốt xuất huyết, chúng tôi thấy gần như môi trường sống ở đây hết sức bừa bộn. Khu vực dân cư đông đúc nằm bên cánh phải quốc lộ 25 này cỏ dại um tùm hai bên lối đi vào thôn. Hầu hết hộ dân có một chum lớn trữ nước sinh hoạt.
Nhiều nhà có các chai lọ, chậu hoa, vũng nước đọng và nhiều lốp xe trữ nước chứa lăng quăng. Khi trời mưa, các vật dụng nằm xung quanh nhà này chứa đầy nước là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi. Có lẽ đây cũng là một nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết lây lan dai dẳng ở thị trấn Phú Túc. Ngoài ra, theo quan sát của chúng tôi, việc dịch sốt xuất huyết xảy ra dai dẳng trên địa bàn thị trấn và nhiều xã lân cận vẫn còn có một nguyên nhân do kênh mương lâu nay bị tắc nghẽn tạo nên nhiều vũng nước sình lầy ứ đọng, là môi trường thuận lợi cho lăng quăng sinh sôi nảy nở.
Đức Phương