Kpă Alék: Một mình gánh trọn 2 vai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là Bí thư Chi bộ, già làng của làng Tnao (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông), tiếng nói của ông Kpă Alék với dân làng luôn đầy sức thuyết phục. Bước qua tuổi 76, dù sức khỏe có phần giảm sút, song ông vẫn gánh trọn “2 vai”.

Cách đây 2 năm, ông Kpă Alék là cá nhân duy nhất của tỉnh vinh dự tham dự lễ gặp mặt, tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc do Ban Dân vận Trung ương tổ chức tại Hà Nội và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2015-2020. Ông phấn khởi nói: “Vui lắm! Mình gặp gỡ, quen biết nhiều điển hình tiên tiến ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Nghe họ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay trong tuyên truyền, vận động, mình cũng tích lũy thêm nhiều kiến thức bổ ích”.


Vận động dân làng thay đổi tập quán

Sớm thoát ly theo cách mạng, tham gia kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và khi về địa phương lại đảm nhận vai trò trưởng thôn nhiều năm liền nên ông Alék có điều kiện tiếp cận với những điều mới mẻ. Ông nhận ra rằng, muốn giúp người dân thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo, trước hết phải xóa bỏ những tập tục lạc hậu. “Trước đây, cứ nhà này giúp nhà kia, dù việc lớn hay nhỏ thì cuối ngày cũng phải uống rượu. Trong làng có đám cưới, đám chết họ hàng, anh em, người làng đều mang gạo, rượu đến chung vui, tiễn biệt kéo dài cả tuần. Đường làng lúc nào cũng có người say”-ông Alék kể.

Không chấp nhận thực trạng trên, ông đến từng nhà, gặp từng người để phân tích, giải thích về tác hại của việc uống nhiều rượu: “Uống rượu không làm no bụng đâu. Rượu vào người sẽ khiến đầu óc không còn minh mẫn, không kiểm soát được lời nói, hành động, dễ dẫn đến mâu thuẫn, đánh nhau”. Ông cũng đưa ra hàng loạt dẫn chứng vì uống nhiều rượu mà vợ chồng đánh nhau, anh em bất hòa, sui gia mâu thuẫn. Đấy là chưa kể, uống rượu say sưa triền miên, bỏ bê công việc, không có thu nhập khiến cái nghèo cứ mãi bủa vây. “3 năm trở lại đây, các vụ việc cần mình hòa giải ít lắm. Trong năm 2022, mình mới tham gia hòa giải 1 vụ mâu thuẫn vợ chồng. Còn lúc trước, cứ 2-3 ngày lại có người đến nhà tìm, phần lớn là mâu thuẫn do uống rượu nhiều rồi mất kiểm soát, nói năng lung tung”-ông Alék nói về chuyển biến trong nhận thức của người dân.

 Ông Kpă Alék trò chuyện với dân làng. Ảnh: Anh Huy
Ông Kpă Alék trò chuyện với dân làng. Ảnh: Anh Huy


Bên cạnh đó, ông cũng tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ thói quen “sản xuất nhờ trời”, trồng cây phải chăm sóc, bón phân, tưới nước; chi tiêu cần tính toán và có tích lũy phòng khi đau ốm, lo cho con cái học hành... Ông nói: “Lười biếng rất đáng xấu hổ. Lười biếng thì mình ăn gì, con cái sau này ăn gì. Mình lười biếng sau này con cái sẽ học theo, rồi đời mình nghèo, con mình cũng nghèo. Mỗi người đều phải siêng năng lao động, phải đoàn kết giúp nhau vì Bác Hồ đã dạy, không đoàn kết thì không xóa nghèo được”. Tuy nhiên để tạo chuyển biến trong nhận thức của số đông không phải là chuyện ngày một ngày hai mà là quá trình hơn 10 năm miệt mài “đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người” phân tích, giải thích, hướng dẫn và cả nêu gương. “Người làng rất ngại thay đổi. Khi mình tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích đất trồng mì sang trồng cây cà phê, cao su tiểu điền, phần đông đều sợ. Họ sợ cây trồng mới khó chăm sóc, lâu cho thu hoạch, không biết cách khai thác mủ, rồi bán sản phẩm cho ai... Mình và 5 hộ dân trong làng tiên phong làm trước, sau đó, bà con mới dần tin và làm theo”-ông Alék cho biết.

Hai năm trở lại đây, do tuổi cao, sức khỏe giảm sút, ông Alék mới bàn giao lại 1,5 ha cà phê, 2 ha cao su tiểu điền, 2 ha điều, 3 sào mì và vài sào lúa rẫy cho con cái chăm sóc để bản thân ngơi nghỉ. Bà Puih Bú (người dân làng Tnao) bày tỏ: “Những điều già Alék nói đều vì muốn tốt cho dân làng nên bà con nghe hết. Mọi người đều tin và quý già. Nhà nào có xích mích, mâu thuẫn nhờ già đến nói chuyện, hòa giải đều thành công”.

Bí thư Chi bộ “Dân vận khéo”

 


Ông Kpă Ba-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Boòng: “Trên cương vị Bí thư Chi bộ, ông Alék tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các ban ngành, đoàn thể triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Ông quan tâm chỉ đạo sát sao và đôn đốc, kiểm tra thường xuyên hoạt động của các chi hội đoàn thể, nhờ đó đã tập hợp đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia các tổ chức hội”.

Chỉ tay về tấm Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng treo cạnh Huân chương Kháng chiến hạng ba đã úa màu, ông Alék giãi bày: “Huy hiệu này mình mới nhận hôm 19-5-2022. Mình treo cạnh nhau để luôn nhắc bản thân phải gương mẫu, trách nhiệm với bà con”. Ngoài vai trò già làng, ông còn được tín nhiệm giữ chức Bí thư Chi bộ làng Tnao hơn 3 nhiệm kỳ qua. Chi bộ có 10 đảng viên, trong đó, 8 người là đồng bào dân tộc thiểu số; làng có 100/125 hộ dân là người Jrai. Do đó, ông luôn trăn trở phải làm thế nào để truyền đạt các nội dung nghị quyết đến với cán bộ, đảng viên, người dân một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Thay vì đọc hết nội dung của từng chỉ thị, nghị quyết dài, ông cô đọng lại và truyền đạt theo cách dễ hiểu nhất. Nhờ đó, các nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống. “10/10 đảng viên trong chi bộ luôn gương mẫu nói và làm đúng nghị quyết. Người dân trong làng cũng chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự”-ông Alék cho hay. Theo đó, người dân trong làng đã chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những phần việc cụ thể, như: làm hàng rào, di dời chuồng trại, cải tạo vườn tạp, thu gom rác thải... Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Đến cuối năm 2021, làng có 70/124 hộ đạt gia đình văn hóa; 100% số hộ có điện thắp sáng; 100% hộ làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc và làm nhà vệ sinh. Trong chăm sóc sức khỏe, người dân đã thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh nhà ở, thu gom rác thải, hạn chế sinh đông và sinh dày...

Là đảng viên tham gia sinh hoạt tại Chi bộ làng Tnao, bà Nguyễn Thị Hải-công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Boòng-cho biết: Trong phát triển kinh tế, Bí thư Chi bộ Alék đã lãnh đạo, chỉ đạo người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Nhờ đó, diện tích cây mì dần thu hẹp, thay bằng cây cao su tiểu điền; cây ăn quả trồng xen trong diện tích cà phê, hồ tiêu; đất vườn hộ cũng được tận dụng tối đa để canh tác. Đến nay, người dân làng Tnao đang trồng, chăm sóc gần 250 ha cây trồng, trong đó có gần 60 ha cây cà phê và cao su tiểu điền, trên 30 ha điều, 88 ha đậu các loại... Ngoài ra, người dân chăn nuôi trên 600 con gia súc, gia cầm các loại.

Ông Alék phấn khởi cho hay: Được sự ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình của đại đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân nên hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Hàng năm, Chi bộ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ; 2/10 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và không có đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ. Phấn đấu trong năm 2022, Chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo 100% gia đình rào vườn, hoàn thành bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm; cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao... Riêng vấn đề an ninh trật tự vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, do đó, Chi bộ cũng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Ban Nhân dân thôn và công an viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng quy chế hoạt động, bám nắm địa bàn, thường xuyên kiểm tra hoạt động tạm trú, tạm vắng và triển khai tuần tra vào các giờ cao điểm, khu vực trọng điểm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự, tích cực, chủ động tố giác tội phạm...

 

 PHƯƠNG DUNG