GS.TS Phạm Gia Khải: Không có Đổi Mới thì tôi và các đồng nghiệp không thể thực hiện được ước mơ hằng theo đuổi.
GS.TS – Anh hùng Lao động Phạm Gia Khải |
GS.TS – Anh hùng Lao động Phạm Gia Khải – chuyên gia can thiệp tim mạch đầu tiên ở Việt Nam là người đã nhiều năm gắn bó với ngành y. Năm nay đã gần 80 tuổi nhưng ông vẫn dành thời gian cho sự nghiệp cứu người. Ông không chỉ là một bác sĩ tận tâm với bệnh nhân mà còn là người thầy đáng kính của biết bao thế hệ bác sĩ tim mạch can thiệp ở Việt Nam.
Giáo sư được nhận nhiều giải thưởng nhà nước về khoa học công nghệ, thầy giáo nhân dân, anh hùng lao động. Ông được rất nhiều học trò quý mến. Giáo sư Khải thường nói với các đồng nghiệp của mình rằng: “Kỹ thuật sẽ già đi mau chóng, chỉ có tình người là còn lại mãi mãi. Với những bác sĩ không có gì tốt đẹp hơn là cuộc sống của người bệnh”.
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư về những trăn trở và thách thức của ngành Y tế.
PV: Là người công tác lâu năm trong ngành Y, Giáo sư có hồi ức nào đáng nhớ trong suốt chặng đường dài sự nghiệp của mình?
GS Phạm Gia Khải: Tôi là người trưởng thành trong thời bao cấp. Thời đó, sự khó khăn, thiếu thốn có mặt ở mọi tầng lớp xã hội, nhưng sự sẻ chia, đùm bọc nhau đã giúp cho mọi người vượt qua được những khó khăn. Khi Đổi Mới bắt đầu, tôi cũng hơi bị “sốc”, không còn cảnh tem phiếu, ai cũng nghĩ cho sự tồn vong của cá nhân và gia đình mình, ngành y tế cũng vậy, hệ thống y tế cơ sở không còn hoạt động như trước nữa. Sinh viên, cán bộ y tế xuống xã rất khó để vận động người dân làm theo.
Ngành Y tế bắt đầu có những khẩu hiệu mới để người dân thực hiện theo những tiêu chuẩn mới. Từng đoàn cán bộ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau xuống các tuyến cơ sở để phổ biến các qui định, người cán bộ cơ sở phải ghi chép rất nhiều nhưng không thực hiện nổi, đơn giản là vì không có gì để ràng buộc họ phải làm theo. Tiền, phương tiện không có hoặc rất thiếu, nhất là sự quản lý rất lỏng lẻo.
Tôi còn nhớ câu nói của GS Tôn Thất Bách: “Trước đây, tôi làm công tác tuyến dưới không khó, vận động nhân dân chỉ với những khẩu hiệu đơn giản như “Ba sạch, bốn diệt”, quần chúng tham gia, cán bộ thôn xã tham gia, khác hẳn với bây giờ….”
Thế rồi, những thay đổi trong thực tế đã dần dần làm thay đổi cách nhìn của tôi đối với Đổi Mới: Những bài báo ký tên NVL và theo sau là những hành động có thực trong xã hội, những bài viết không còn bị hạn chế bởi những qui định theo lối mòn thường thấy trong Văn nghệ và các báo chí khác.
Trên các trang báo, ngoài ca tụng ra, người ta còn thấy có những phê bình trực diện, thẳng thắn. Thời đó, tôi có người quen làm nông nghiệp ở Hà Bắc rất thích thú với quan điểm khoán sản phẩm – điều mà được ấp ủ bấy lâu nay, giờ mới được thực hiện. Một số cơ sở sản xuất phát triển, trong khi một số khác bị “sập tiệm” vì không năng động.
GS.TS Phạm Gia Khải khám bệnh cho bệnh nhân |
Ngành y, nơi tôi có nhiều trăn trở đã có những thay đổi có tính chất bước ngoặt: Ở cương vị của mình, tôi đã gửi được nhiều cán bộ đồng nghiệp trẻ đi học ở các nước có nền y học phát triển như Pháp, Mỹ, Nhật… Tôi đã được phép mời các bạn đồng nghiệp các nước đó sang “cầm tay, chỉ việc” cho các thầy thuốc chuyên khoa Việt Nam. Chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi đã đặt được ngành Tim mạch Việt Nam lên quĩ đạo phát triển chung của khu vực.
Đồng thời, ngành Tim mạch can thiệp được khai sinh cùng với các kỹ thuật khác không thể thiếu như lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, Hóa sinh,… Không có Đổi Mới thì tôi và các đồng nghiệp không thể thực hiện được ước mơ hằng theo đuổi, cùng với những tiến bộ khác trong kinh tế, xã hội, mà trước đó, tôi không dám nghĩ tới.
PV: Là người dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp y học, vậy Giáo sư có đề xuất nào để giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện lớn?
GS Phạm Gia Khải: Tôi đã có người thân và chính bản thân tôi cũng đã phải nằm điều trị ở bệnh viện một số lần, cũng đã nhận thấy chúng ta cần khắc phục nhiều điều: người bệnh không được chăm sóc theo đúng yêu cầu phải có, không có gia đình đi theo thì sự chăm sóc chắc chắn không được như ý muốn, hiện tượng nằm đôi nằm ba, người nhà phải nằm dưới gầm giường,…
Bộ Y tế đã có sáng kiến thành lập nhiều bệnh viện vệ tinh, đó là một điều hay, nhưng mỗi bệnh viện mới thành lập sẽ kéo theo nó rất nhiều việc phải giải quyết: Trang thiết bị, kinh phí cho vật tư tiêu hao, việc đào tạo cán bộ sử dụng thành thạo các trang thiết bị đó phải hữu hiệu,… Nếu không, bệnh viện vệ tinh sẽ rất tốn kém và không hữu ích. Nên chăng, theo tôi chúng ta thành lập các Trung tâm y tế theo khu vực, không nhất thiết phải theo đơn vị hành chính.
PV: Gần đây, chúng ta thường nói đến cụm từ “nhóm lợi ích”. Dưới con mắt của người trong ngành Y tế, ông nghĩ thế nào về cụm từ này?
GS Phạm Gia Khải: Thời gian gần đây ta thường nói đến “nhóm lợi ích”, chúng ta rất hao phí sức người sức của, lợi ích quốc gia vì các nhóm đó, một căn bệnh trầm kha mà nếu không giải quyết thì xã hội Việt Nam sẽ như người bị thiếu máu do giun móc nhưng không tẩy, bệnh không thể khỏi được, chỉ có nặng thêm mà thôi.
Nền kinh tế thị trường đã giúp cho xã hội phát triển nhiều về mặt kinh tế, nhưng kinh tế thị trường không được kiểm soát sẽ rơi vào tình trạng tư bản hoang dã, pháp luật không được tôn trọng.
PV: Ông có lời nhắn nhủ gì dành cho những cán bộ trong ngành Y tế?
GS Phạm Gia Khải: Ngành y, theo nhận xét của tôi, là một ngành dịch vụ nhân đạo, có nghĩa là phải phục vụ xã hội về mặt sức khỏe, được bồi dưỡng theo khả năng và theo sự đánh giá của xã hội.
Ngành y là một ngành nhân đạo, thái độ hách dịch, cửa quyền đối với người bệnh và người nhà của họ là không thể chấp nhận được. Chúng ta phải luôn nhớ rằng, một người làm công tác trong ngành Y tế phải là người làm một nghề nhân đạo trong cả hành động và lời nói với tất cả mọi người, cả trong và ngoài ngành.
Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc cho các đồng nghiệp của tôi trong ngành Y có nhiều sức khỏe, nhân ái, giàu tri thức để phục vụ người bệnh được tốt hơn. Chúc cho nền Y học nước nhà có những đột phá mới sánh tầm khu vực và thế giới!.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo VOV