(GLO)- Đến thăm xã Ia Din (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), chúng tôi khá bất ngờ trước cảnh quan môi trường khang trang, sạch sẽ. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Rơ Lan Dôn (làng Yít Rông 2) vui vẻ nói: “Giữ gìn nhà cửa, đường làng ngõ xóm sạch sẽ không chỉ cải thiện môi trường sống mà còn đảm bảo tốt cho sức khỏe mỗi người. Do đó, ngày nào gia đình mình cũng thu gom rác thải sinh hoạt bỏ vào hố đốt. Gia đình cũng tham gia với bà con trồng con đường hoa, dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm vào các ngày cuối tuần”.
Ông Phùng Văn Cường-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Din-cho biết: Trước đây, đa số người dân có thói quen vứt rác bừa bãi, đặc biệt là rác thải chất đống tại các ngã ba, ngã tư, bờ suối, cầu cống gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2017, UBND xã làm việc với Hợp tác xã Thiên Phước (xã Ia Krêl) thu gom rác thải tại 5 thôn, làng và hướng dẫn đào hố xử lý đối với các làng xa khu dân cư. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cũng thực hiện mô hình “Biến rác thành tiền” và “Hạt nhân phụ nữ nói không với rác thải nhựa”. Ngoài ra, xã cũng vận động người dân và doanh nghiệp thuê đất trồng hoa màu sau khi sử dụng bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật cần thu gom, xử lý bằng hình thức đốt để giảm thiểu tác động môi trường.
“Nhờ tích cực tuyên truyền, các doanh nghiệp và hộ dân đã có ý thức trong việc thu gom, xử lý rác thải. Xã cũng đã “xóa sổ” các “điểm đen” về rác thải tồn tại nhiều năm qua. Xã đã quy hoạch bãi rác rộng 1,7 ha tại làng Yít Tú. Trong năm 2021, xã tiếp tục triển khai làm đường vào bãi rác để thu gom rác thải trên toàn xã”-ông Cường cho hay.
Đường làng ngõ xóm ở xã Ia Krêl đã trở nên sạch sẽ nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hồng Thương |
Cũng nhờ đẩy mạnh tuyên truyền thu gom, phân loại và xử lý rác thải nên xã Ia Krêl cũng không còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi. Bà Nguyễn Thị Thúy Loan-quyền Chủ tịch UBND xã Ia Krêl-cho hay: “Cùng với tổ chức tốt việc thu gom xử lý rác thải, từ các nguồn hỗ trợ, trong 2 năm (2019-2020), xã đã hỗ trợ 114 hộ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và xử lý tốt vấn đề nước thải, chất thải chăn nuôi. Nhờ đó, môi trường trên địa bàn xã được cải thiện đáng kể. Người dân quan tâm hơn tới việc làm cỏ, thu gom rác thải, trồng con đường hoa, hàng rào xanh để tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp”.
Trao đổi với P.V, ông Lê Bá Nam-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Cơ-cho biết: Môi trường là tiêu chí gặp nhiều khó khăn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Do vậy, để nâng cao hiệu quả thực hiện tiêu chí này, Phòng phối hợp các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành; đồng thời, tham mưu giúp UBND huyện cấp kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường để các xã thực hiện.
Phòng cũng hướng dẫn các xã hỗ trợ người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, chăn nuôi có chuồng trại; hướng dẫn thực hiện xã hội hóa vấn đề thu gom rác thải; làm việc với các doanh nghiệp sản xuất và chế biến trên địa bàn quan tâm bố trí một phần kinh phí thực hiện công tác vệ sinh môi trường.
Một góc làng Yít Rông 2 (xã Ia Din, huyện Đức Cơ). Ảnh: Hồng Thương |
Cũng theo ông Nam, đến nay, toàn huyện có 7/9 xã đã đạt tiêu chí môi trường (2 xã chưa đạt là Ia Kriêng và Ia Pnôn). Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là việc thu gom và xử lý rác thải nguy hại. Bởi diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện khá lớn và số bể chứa bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cần xây dựng là 6.919 bể nhưng toàn huyện mới chỉ xây được 275 bể. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.
“Do vậy, thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục hướng dẫn các xã đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; bố trí kinh phí để thực hiện thu gom, xử lý rác thải nhằm giữ gìn tốt vệ sinh môi trường trên địa bàn”-ông Nam cho hay.
HỒNG THƯƠNG