(GLO)- Việc người dân đào giếng một cách tự phát để tìm nước tưới cho cây trồng vào mùa khô khiến lượng nước ngầm bị sụt giảm mạnh. Vì vậy, chính quyền huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) tăng cường kiểm soát việc khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm.
Năm 2020, nhiều ao, hồ, giếng, suối trên địa bàn huyện Đức Cơ dần cạn kiệt nước. Người trồng cà phê lao đao vì không tìm ra nguồn nước tưới. Ông Kpuil Hoat (thị trấn Chư Ty) cho biết: “Bình thường, nguồn nước tưới cho 1 ha cà phê của gia đình tôi lấy từ cái ao gần vườn. Vài năm gần đây, mùa nắng kéo dài hơn, ao dần cạn nước. Vào những ngày nắng cao điểm, máy bơm khoảng 10 phút là không còn nước”.
Còn ông Phạm Văn Dũng (làng Ia Kle, xã Ia Nan) thì buồn rầu cho hay: “Trong đợt hạn hán năm ngoái, gia đình tôi đã phải hái bỏ toàn bộ quả của 20 cây sầu riêng dù sắp thu hoạch để cứu cây vì không đủ nước tưới. Thông thường, khoảng 1 tháng trước khi thu hoạch, sầu riêng cần rất nhiều nước, nếu tưới không đủ nước thì chất lượng quả sẽ không ngon, thậm chí sẽ rụng. Gia đình tôi cũng có 1 giếng khoan, nhưng mùa nắng thì chỉ đủ cho sinh hoạt chứ không đủ nước tưới cho vườn cây”.
Theo ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, sự khắc nghiệt của thời tiết khiến nhiều người dân trên địa bàn tìm đủ cách để kiếm nguồn nước. Tuy nhiên, vì làm tự phát nên ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước ngầm. “Để kiểm soát việc sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý và đảm bảo cho người dân ổn định sản xuất, UBND huyện cũng đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về ứng phó với hạn hán”-ông Phận thông tin.
Nhiều diện tích cà phê trên địa bàn huyện Đức Cơ bị khô héo do thiếu nước tưới. Ảnh: Hà Duy |
Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân chủ động nạo vét giếng đào, sử dụng các nguồn nước từ giếng khoan, nước giọt trong làng để tích trữ nước, đồng thời, có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý. Đối với diện tích cây trồng có nguy cơ bị thiếu nước, UBND huyện yêu cầu các xã chủ động khơi thông, nạo vét kênh mương, be bờ chắc chắn tránh thất thoát nước, sử dụng nước tưới hợp lý, không để nước tưới chảy tự do, gây lãng phí. Bên cạnh đó là bón phân thâm canh tăng năng suất giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và tăng sức chống chịu hạn...
Ngoài ra, UBND huyện còn chỉ đạo các xã vận động người dân có nguồn nước dự trữ ở các ao hồ trên địa bàn chia sẻ nguồn nước với các hộ trồng lúa thiếu nước hoặc hỗ trợ bà con đào giếng dã chiến tại chỗ để lấy nước bơm chống hạn cho cây lúa trong trường hợp mương không có nguồn nước để bơm. “Về lâu dài, để ứng phó với hạn hán, huyện vận động người dân chuyển diện tích lúa nước sang những cây trồng phù hợp, ít dùng nước và mang lại hiệu quả kinh tế cao như: bắp, đậu phộng, chuối, thanh long”-Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm.
HÀ DUY