Cõng thông phủ xanh "cổng trời"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đứng trên đỉnh đèo Mang Yang (xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) phóng tầm mắt ngắm màu xanh của rừng thông trải rộng thấy khoan khoái vô cùng. Cách đây chừng 30 năm, vùng này vốn cháy khô cỏ tranh, đồi trọc, khí hậu khắc nghiệt vô cùng...
Cõng thông lên đỉnh Ông Di
Trụ sở của Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Hà Ra nằm sát quốc lộ 19, cách đỉnh đèo Mang Yang chưa đầy 1 km, mặt hướng về đỉnh núi Ông Di. Theo ông Nguyễn Văn Chín-Trưởng ban QLRPH Hà Ra, mỗi khi đứng từ ban công phòng làm việc nhìn ra ngọn núi lừng lững, thông xanh phủ kín, ông không thôi tự hào.
“Đó là kết quả từ nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ, nhân viên cũng như người dân trong việc trồng, gìn giữ và bảo vệ rừng. Hàng triệu cây thông đã được chúng tôi tận tay ươm giống, thay nhau cõng, gùi lên phủ kín 400 ha đất trống trong suốt 4-5 năm liền”-ông Chín kể.
Trước năm 1995, người dân vẫn thường gọi đèo Mang Yang là “đèo cháy” bởi khu vực này xảy ra cháy rừng liên miên. “Lúc ấy, vùng này trơ trọi với cỏ tranh, lớp thực bì khô rất dễ bắt lửa trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Rừng cháy âm ỉ từ ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác. Hơn nữa địa hình chủ yếu là đất đá, dốc đứng nên chưa ai nghĩ sẽ trồng được cây gì ở đây”-ông Chín hồi nhớ. Khi tỉnh triển khai Chương trình 327 của Chính phủ năm 1992 về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước, việc phủ xanh rừng ở khu vực đèo Mang Yang mới bắt đầu khởi động.
Ông Hoàng Văn Tuấn kể về những ngày khó khăn, gian khổ cõng thông lên phủ xanh đỉnh núi Ông Di. Ảnh: Phương Linh
Ông Hoàng Văn Tuấn kể về những ngày khó khăn, gian khổ cõng thông lên phủ xanh đỉnh núi Ông Di. Ảnh: Phương Linh
Sau khi khảo sát, nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu, cây thông được ưu tiên lựa chọn. Những người trồng rừng cũng bắt đầu hành trình với vô vàn khó khăn, gian khổ. Đầu tiên là khâu ươm giống. Là người trực tiếp đảm trách công đoạn này, ông Hoàng Văn Tuấn-Phó Trưởng ban QLRPH Hà Ra-nhớ lại: Năm 1995 là thời điểm bắt đầu ươm giống. Vì là lần đầu tiên nên chúng tôi không có kinh nghiệm, cây giống bị yếu, bệnh, chết khá nhiều. Những năm sau, nhờ đi học hỏi các tỉnh khác, chúng tôi mới khắc phục, chất lượng giống dần được cải thiện. Có giống rồi nhưng khó khăn vẫn còn trước mắt.
“Đèo núi Mang Yang trước kia là chiến trường ác liệt nên bom đạn còn sót lại rất nhiều. Có những khu vực khi đào đất, chất độc hóa học xộc lên rất nặng. Chúng tôi phải thuê đơn vị quân đội tiến hành rà phá bom mìn, sau đó mới bắt đầu đem cây lên trồng”-ông Tuấn hồi nhớ.
Lực lượng ở Ban QLRPH Hà Ra khi ấy rất mỏng, người dân trong vùng vẫn chưa quen với công việc trồng rừng nên lãnh đạo đơn vị phải nhờ lực lượng quân đội tại chỗ và thuê nhân công từ tỉnh Thái Bình vào. Ròng rã suốt 5 năm liền, cứ mỗi mùa mưa đến, mấy chục người không phân biệt lãnh đạo, nhân viên hay người làm thuê thay nhau cõng, gùi từng giỏ cây thông giống để phủ xanh đồi trọc.
Mỗi lần gùi cõng đi chỉ được vài chục đến 100 cây. Mười đầu ngón chân bấm chặt lên mặt đá sỏi, đoàn người kiên trì đưa cây lên non. Và phải mất 2-3 ngày đến cả tuần liền mới trồng hết số thông ấy. “Chúng tôi phải dùng cuốc chim để đào đất trồng cây, bởi bề mặt chỉ toàn là đá. Có những nơi mọi người phải hốt đất từ chỗ khác đem đến đổ vào hố rồi mới trồng cây xuống”-ông Chín nói.
Cây thông giống khi ấy chỉ cao chừng 30 cm, bộ rễ non nớt, phải tự bám víu vào đất đá lại còn chịu đựng sức quăng quật của mưa gió, chất độc lưu tồn trong chiến tranh. Điều đó khiến không ít diện tích thông mới trồng bị chết, đặc biệt là trên các đỉnh núi cao.
Nhìn về đỉnh núi Ông Di, nơi cao nhất của đèo Mang Yang, cách mực nước biển 1.066 m, ký ức bỗng sống động trong tâm trí ông Chín: “Trồng xong rừng, anh em phải tự đi trồng dặm lại số thông bị chết. Vất vả nhất là dặm lại trên đỉnh núi. Ngày ấy đâu có áo mưa, chúng tôi dùng những túi ni lông to xẻ ra rồi quấn quanh người để che chắn. Vượt qua cung đường dài 7-8 km, đưa thông lên đến đỉnh núi cũng là lúc tấm ni lông bị xé rách tơi tả. Giữa gió xoáy, mưa giông, mọi người chặt lá chuối che chắn, tự lo cơm nước trong suốt những ngày bám trụ trên núi trồng rừng. Phải dặm đi dặm lại 4-5 lần, nhờ cây nọ nương nhờ cây kia mà dần dần đỉnh núi đều được phủ xanh”.
Hồi sinh “lá phổi xanh”
Từ khi đứng vững trên vùng đất khô cằn, từng cây thông cứ thế cắm sâu rễ, vươn lên trong sự kiểm soát chặt chẽ của cán bộ, nhân viên Ban Quản lý và người dân trong vùng. Trồng rừng đã khó nhưng giữ được rừng còn khó gấp nhiều lần. Niềm tự hào nhất mà Ban QLRPH Hà Ra làm được là 98% đất trong lâm phần đều có rừng che phủ. Trong đó có hơn 10.400 ha rừng tự nhiên và 3.130 rừng trồng. Khoảng 400 ha thông trồng từ năm 1995 ở khu vực đèo Mang Yang vẫn nguyên vẹn, phát triển tươi tốt.
Giờ đây, ngay từ dưới chân đèo đoạn qua xã Hà Tam (huyện Đak Pơ) ngược về TP. Pleiku đã có thể nhìn thấy điệp trùng màu xanh núi rừng quanh con đèo được mệnh danh là Cổng trời (Mang Yang theo tiếng Bahnar là cổng trời). Với độ cao hơn 800 m so với mực nước biển tại đỉnh nên vừa chạm đến lưng chừng đèo là bạn đã có thể cảm nhận rõ rệt sự đổi thay của thời tiết. Luồng không khí mát lạnh, trong lành  mang lại cảm giác sảng khoái, dễ chịu. Dừng ở ngang đèo nghe tiếng thông reo rì rào trong gió là một cảm nhận yêu thích.
Ông Tuấn cho hay: “Bên cạnh việc cải tạo cảnh quan, đem lại khung cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa thơ mộng nơi cửa ngõ của huyện Mang Yang, cánh rừng thông bạt ngàn gần 30 năm tuổi thực sự là “lá phổi xanh”, điều hòa khí hậu cho khu vực này nói riêng và toàn tỉnh nói chung”.
Trong ký ức của người đàn ông dành cả tuổi xuân cho cánh rừng hùng vĩ thì trước đây, khí hậu ở con đèo này vô cùng khắc nghiệt, nắng nóng đỉnh điểm, nạn sốt rét hoành hành. Thế nhưng, nhờ có thông xanh, chất lượng rừng được nâng lên, không khí được lọc sạch, trong lành, mát mẻ. Nhờ những cánh rừng rộng lớn mà Mang Yang là địa phương có khí hậu khá ôn hòa, dễ chịu.
Một cung đường trên quốc lộ 19 rợp bóng thông xanh ngang qua xã Đak Ta Ley (huyện Mang Yang). Ảnh: Phương Linh
Một cung đường trên quốc lộ 19 rợp bóng thông xanh ngang qua xã Đak Ta Ley (huyện Mang Yang). Ảnh: Phương Linh
Để gìn giữ mảng xanh quý giá ấy cho huyện nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung, ngoài vai trò của ngành chức năng còn phải kể đến nỗ lực của các cơ quan, đơn vị phối hợp, đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình của người dân trong công tác trồng và bảo vệ rừng.
Trưởng ban QLRPH Hà Ra cho biết: “Sau khi hoàn thành 400 ha rừng thông, chúng tôi bắt đầu vận động người dân trên địa bàn tham gia nhận khoán trồng và bảo vệ rừng. Năm 2020, đơn vị đã tổ chức giao khoán 6.373 ha cho 7 hộ gia đình, 13 nhóm hộ, 12 cộng đồng của 17 thôn, làng thuộc xã Hà Ra và xã Đak Ta Ley; 359 hộ nhận khoán theo phương châm tiện quản, tiện canh. Các hộ nhận khoán luôn luân phiên tuần tra, trực gác bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng duy trì 9 chốt, trạm bám rừng, gần dân, thường xuyên tuần tra, quản lý, kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại vào rừng ngay tận gốc, hạn chế thiệt hại tài nguyên rừng”.
Không riêng Ban QLRPH Hà Ra, Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang cũng tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Ông Trần Tất Đắc-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang-thông tin: “Hiện nay, tại huyện Mang Yang, các đơn vị chủ rừng đã tổ chức giao khoán hơn 17 ngàn ha rừng cho 1.083 hộ gia đình và 13 tổ, nhóm cộng đồng làng quản lý, bảo vệ. Nhờ sự chung tay cộng đồng của người dân mà độ che phủ của rừng luôn được tăng lên. Giao khoán rừng cũng là cách để phát huy nội lực trong Nhân dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng rất hiệu quả”.
Trước đây, đèo Mang Yang nổi tiếng với những cung đường, con dốc hiểm trở. Giờ đây, sau khi được cải tạo, từ chân đèo Mang Yang nối đến thị trấn cùng tên có lẽ là cung đường đẹp nhất trên tuyến quốc lộ 19. Con đường rộng rãi uốn lượn dưới tán thông xanh tựa như một dải lụa mềm mại. Chỉ với 30 năm, vùng “đất chết” nơi “cổng trời” này đã tái sinh thành những cánh rừng kỳ diệu. 
PHƯƠNG LINH