(GLO)- Nói tới Đội du kích làng Bak xã E5 (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), người ta nhớ ngay đến Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kpă Ó cùng những đội viên du kích Ra Lan Thôh, Siu H’Noanh, Kpă Hyôi, Kpă Tình tên tuổi vang dội một thời.
Bây giờ thì Đội du kích làng Bak chỉ còn 5 nữ tại thế, mà cũng đã trên 70 tuổi cả. Chẵn 60 năm từ ngày đội du kích thành lập, bao nhiêu là sự kiện, bao nhiêu là biến cố trải qua trong đời mỗi con người, ký ức một thời đã rơi rụng dần. Tôi cứ hy vọng vào trí nhớ của người đội viên tiêu biểu nhất là Anh hùng Kpă Ó nhưng bà cũng chẳng nhớ được gì nhiều. Dẫu sao thì qua sự chắp nối ký ức vụn vỡ của những người đang tại thế cùng với những câu chuyện được nghe kể trước đây từ ông Ra Lan Thôh-một đội viên cũng rất tiêu biểu của Đội du kích làng Bak, tôi cũng đã có chút tư liệu về đội du kích từng “một thời vang bóng” ấy.
Đó là những năm 1962. Trước khí thế phong trào Đồng khởi đang dâng như sóng cuộn, cay cú vì sự thất bại thảm hại của “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ-Diệm càng điên cuồng chống phá. Vùng đất Chư Prông vốn đã nóng bỏng lại càng thêm sôi sục. Với làng Bak giàu truyền thống cách mạng, kẻ địch lại không từ một thủ đoạn nào. Tháng 10-1962, một sự kiện đau thương đã diễn ra trên mảnh đất này: Sau khi đồn Del bị lực lượng vũ trang huyện tấn công, đồng bào làng Bak đã thừa cơ nổi dậy phá bung ấp chiến lược trở về làng cũ.
Được tin, Lương Văn Trí-Quận trưởng Lệ Thanh khét tiếng gian ác lúc bấy giờ đã đưa 1 đại đội lính đến đàn áp hòng đưa dân làng trở lại ấp chiến lược. Thái độ kiên quyết “một tấc không đi, một ly không rời” của dân làng đã khiến tên ác ôn cay cú. Hắn ra lệnh xả súng, ném lựu đạn vào đám người không một tấc sắt trong tay. 162 người, chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ nhỏ đã bị giết hại dã man. Cuộc thảm sát càng khiến lòng căm thù giặc dâng lên sôi sục.
Trong hoàn cảnh đó, Đội du kích E5 gồm 30 đội viên đã được thành lập. Cùng với đội du kích xã, các làng cũng thành lập đội du kích riêng. Theo ông Rơ Lan Thôh, ban đầu, Đội du kích làng Bak có 10 đội viên. Đó là các anh, chị: Ra Lan Thôh, Kpă Hning, Kpă Hyôi, Kpă Tình, Kpă Ó, Siu H’Noanh, Kpui H’Yan, Siu K’Lat, Kpuih Ơng, Ra Lan Alunh do chị Siu H’Noanh-Xã đội phó làm Đội trưởng. Được sự nuôi nấng, đùm bọc của dân làng, họ đã nhanh chóng trưởng thành. Chỉ với những vũ khí thông thường được trang bị, Đội du kích làng Bak đã “xuất quỷ nhập thần” diệt ác trừ gian, chống càn bảo vệ xóm làng, hỗ trợ đồng bào sản xuất; đối đầu hàng chục trận với kẻ địch được trang bị đến tận răng. Đồi Chư Yăh, đường 19, 14, đồi 70 và hàng chục địa danh đã in dấu những chiến công của họ. Đặc biệt là trận phục kích địch trên đồi 70 với tấm gương chiến đấu đến hơi thở cuối cùng của 2 anh em rể Kpă Hyôi và Kpă Tình.
Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ xã Ia Phìn. Ảnh: Ngọc Tấn |
Ngày 20-7-1970, lực lượng vũ trang huyện Chư Prông phối hợp với du kích mở trận tấn công ấp chiến lược đồn Del. Với lòng căm thù giặc sâu sắc đã tàn sát dân làng, Hyôi và Kpă Tình đã xin bằng được chỉ huy cho tham gia trận đánh. Với 2 khẩu cacbine và 21 quả lựu đạn, hai anh em bí mật đào công sự trên đồi 70 dự tính sẽ là nơi đổ quân tiếp viện của địch. Phát hiện được mục tiêu, địch tập trung hỏa lực bắn vào dữ dội rồi xua lính tràn lên.
Cuộc chiến không cân sức diễn ra ác liệt. Dù áp đảo về quân số và hỏa lực nhưng từ sáng đến quá trưa, cả đại đội địch vẫn không thể nào chiếm được ngọn đồi. Trận chiến giằng co đến chiều thì hết đạn. Quyết không để địch bắt sống, hai anh em dùng dao găm xông lên đánh giáp lá cà. Chiều tối hôm đó, khi chiếc trực thăng cuối cùng đến nhặt xác bọn lính rời khỏi đồi 70, đồng đội mới tìm thấy hai anh. Trên vuông đất khét lẹt mùi thuốc đạn, Hyôi và Tình nằm sấp, tay còn nắm chặt chiếc dao găm. Bọn giặc hèn hạ cứa đứt cổ Hyôi cho hả bất lực trước hai con người gan góc.
Cái chết của hai đội viên du kích dũng cảm đã gây niềm xúc động lớn lao và lòng căm thù giặc sâu sắc trong toàn đội. Để trả thù cho hai anh, Kpă Yor-một đội viên du kích xã, nhân lúc địch càn lùng bắt thanh niên trốn ra rừng đã dùng lựu đạn và mìn Claymore diệt 12 tên lính bảo an.
*
Chiến tranh kết thúc, ngày 6-11-1978, lực lượng dân quân du kích của xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng ngày, Kpă Ó-nữ đội viên du kích làng Bak cũng được nhận danh hiệu cao quý đó. Tên tuổi của Đội du kích làng Bak ngân thêm một quãng rồi dần lắng đi trong rẫy nương, cơm áo đời thường.
Những năm 80 của thế kỷ trước, trong tình hình khó khăn chung của đất nước, cuộc sống của những đội viên du kích làng Bak cũng không ngoại lệ. Bấy giờ, ngoài Ralan Thôh đang công tác trong cơ quan nhà nước, những người còn lại ai cũng khó khăn, nghèo túng. Một cảnh ngộ nổi bật là chị Kpui H’Yan. Chồng chết để lại cho chị 2 đứa con trai. Chị đi bước nữa, được thêm 2 con gái thì chồng cũng chết. Một nách 4 con, chị cố chống chèo vượt lên số phận nhưng sự oái oăm cuộc đời vẫn không buông tha. Do túng quẫn, Biu-đứa con trai của đời chồng trước đã liều bắt trộm bò của người làng đem bán. Vậy là chị bị xử theo “luật làng”. Chẳng có gì để đền, chị đành phải dỡ ngôi nhà tôn đem bán. 5 mẹ con phải tá túc qua ngày trong túp lều tranh…
Còn có phần éo le hơn cả Kpui H’Yan là cảnh ngộ của chị Siu H’Noanh. Vào du kích lúc mới 15 tuổi, năm 17 tuổi, chị lấy chồng cũng là một đội viên du kích làng Bak. Chồng hy sinh lúc chị đang mang trong mình giọt máu của anh. Quê hương giải phóng, chị ra khỏi cuộc chiến tranh với tang chồng trên đầu, gánh nặng trên vai là mẹ chồng, cha mẹ mình và đứa con gái thơ dại. Có người tưởng H’Noanh khó lòng đứng vững trước gánh nặng ấy, thế nhưng bằng nghị lực phi thường, không những chị đã cố gắng chống chèo mà còn gánh công việc của một Phó Trưởng Công an xã. Rồi theo tập tục, H’Noanh “nối dây” với Kpuih Bop, em trai của chồng, nhỏ hơn chị 2 tuổi, cũng từng là đội viên du kích. Căn nhà ấm lại dần, nhất là khi chị có thêm một con gái.
Cứ tưởng cuộc sống đã có thể mỉm cười thì số phận một lần nữa lại đeo bám chị. Sức đã hao nhiều vì đánh giặc, mà không chừng bị nhiễm chất độc da cam nữa, một thời gian sau vợ chồng cứ lâm vào tình trạng đau ốm liên miên. Sợ nhất là H’Noanh, thỉnh thoảng cả người bị sưng lên rồi ngứa, có lúc không cho con bú được. Cả hai đứa nhỏ cũng vậy. Còn Bóp thì sinh chứng đau bụng. Thuốc không có đủ, bệnh cứ nặng dần. Lúc con bé út được hơn mùa rẫy thì Bóp về với ông bà.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kpă Ó-người đội viên tiêu biểu của Đội du kích làng Bak. Ảnh: Ngọc Tấn |
Nhưng cuộc sống có bĩ cực rồi cũng phải đến lúc sáng lên. Năm 1991, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới thì cây cà phê cũng đến đất Ia Phìn. Nhờ các công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư trước đó cộng với điều kiện đất đai thuận lợi, cây cà phê đã nhanh chóng phát triển. Rồi nông trường cà phê ra đời trên đất Ia Phìn, con cái nhiều người lại được tuyển vào công nhân. Cùng với việc chăm lo của Nhà nước với người có công, cuộc sống của những đội viên du kích năm xưa cứ vậy sáng dần.
Bà Kpă Ó phấn khởi cho biết, gia đình của các đội viên du kích năm xưa, kể cả những hoàn cảnh éo le nhất, giờ ai cũng kinh tế ổn định, con cái xây được nhà cửa, có cà phê, ruộng nước. Điều này thì tôi đã thấy dấu hiệu của một cuộc sống mới đang bung nở từ dạo năm 1998 khi theo ông Rơ Lan Thôh về thăm chị H’Noanh: Cái nhà sàn 6 người ngồi chật lùi ra sau làm bếp. Một nếp nhà ngói xinh xắn án gọn khoảng sân nhỏ. Cô bé út đét đóng, gầy còm dạo ấy bây giờ đã là một thiếu nữ mặn mòi bối rối nhìn khách. “Ti vi, xe máy là của vợ chồng con chị sắm. Chị có một suất lương cán bộ phụ nữ xã, cộng với chế độ có công hàng tháng; làm thêm 1 ha cà phê cho Công ty Cà phê tỉnh. Lo cho con chứ mình sống thế được rồi”-chị cười vẻ mãn nguyện.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là di chứng của một thời chiến tranh gian khổ đã không còn. Và Kpă Ó-người đội viên tiêu biểu nhất của Đội du kích làng Bak năm xưa lại chính là người gánh nỗi đau nặng nề nhất. Trong số 5 người con của bà thì 1 con trai bị câm, 1 con gái bị bệnh thần kinh, 1 người thì bệnh tật, đau ốm luôn, từng lên bàn mổ 3 lần. “Mình có chế độ của Nhà nước, đứa con gái bị thần kinh cũng được trợ cấp hàng tháng; nhà ở cũng được Nhà nước giúp cho. Vậy là cũng ổn rồi. Cái thời chiến tranh, cứ củ mì miết miết thì sao”-bà Kpă Ó nói và nở một nụ cười vô tư.
“Em tự quên chính mình/Những phút thành dũng sĩ/Như núi rừng tự quên/Những phút thành chiến lũy/Lại trở về nguyên sơ/Cái màu xanh bình dị”. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng đã viết về Siu H’Noanh như thế và hình tượng chung của con người Tây Nguyên một thời đánh giặc cũng là như thế!
NGỌC TẤN