Đôi điều về thần tượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nhân việc có người nhắc lại tên và nội dung một cuốn sách cũ, nhóm bạn chúng tôi bỗng sôi nổi hẳn khi nhắc lại chuyện của một thời, từ khi chúng tôi còn đi học. Câu chuyện về cuốn sách cũ liên quan đến một thần tượng điện ảnh của chúng tôi ngày ấy.

Cuốn sách chúng tôi nhắc đến đã từng được chuyển thể thành bộ phim rất ăn khách vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Những năm ấy, hầu hết học sinh chúng tôi đều thần tượng lứa diễn viên toàn những “trai xinh gái đẹp” của điện ảnh Việt Nam. Chúng tôi sưu tầm hình ảnh của họ từ poster, báo chí, bỏ vào cặp sách mang lên lớp khoe với nhau, rồi cắt dán trên tường nhà. Có thể hồi đó, các loại hình thông tin giải trí còn hiếm nên chúng tôi quan tâm đến tất cả những sự kiện gây chú ý với mình.

Chuyện thần tượng ngày đó cũng thật nhẹ nhàng. Kiểu như lâu lâu dành dụm được chút tiền thì lên phố huyện, vào các sạp báo mua lấy một tờ poster có in hình tất cả những diễn viên nổi tiếng, nếu thân quý đứa bạn nào lắm thì cắt chia cho bạn vài tấm, còn lại thì về bỏ trong album, dán vào sổ, treo lên tường nhà.

Thời chúng tôi đang là sinh viên, trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam có một chương trình rất được giới trẻ trông đợi, đó là “Topten làn sóng xanh”. Mỗi sáng chủ nhật, vào một khung giờ được ấn định, Đài sẽ phát chương trình gồm những bài hát mới được công bố và bài hát được bình chọn nhiều nhất trong tuần qua. Ai là người bình chọn? Tất nhiên chính là chúng tôi, những khán giả cuồng nhiệt nhất.

Sau khi nghe những bài hát được phát trong chương trình, chúng tôi sẽ liệt kê danh sách bình chọn những bài hát mình yêu thích nhất theo thứ tự, rồi đạp xe ra bưu điện, mua tem dán cẩn thận lên phong bì và gửi đi. Cùng với chương trình ca nhạc là những băng cassette, đĩa CD được phát hành và những cuốn sách nho nhỏ in các bài hát kèm ảnh ca sĩ được chúng tôi sưu tầm và chuyền tay nhau như của quý. Chúng tôi lớn lên cùng những thần tượng và thần tượng cũng thay đổi theo thời gian và nhận thức của chúng tôi.

Chuyện dông dài thế để thấy, không phải bây giờ giới trẻ mới có phong trào hâm mộ thần tượng. Mà chuyện thần tượng thời nào cũng có, lứa tuổi nào cũng có. Ngay cả chúng tôi bây giờ, vẫn có những thần tượng của riêng mình, chỉ là có thể nó không còn là trào lưu, không còn là hiệu ứng tập thể ồn ã như thời xa xưa nữa. Nó lặng lẽ hơn, riêng tư hơn và có thể là... hâm mộ đúng người hơn. Trong cuộc đời mỗi người, có lẽ khó ai tránh khỏi việc chúng ta ngưỡng mộ, yêu mến, thậm chí sùng bái một ai đó, coi họ là thần tượng. Thần tượng cũng rất đa dạng, trong đó phần nhiều là người nổi tiếng như diễn viên, ca sĩ, văn nghệ sĩ... Nhưng, cũng có những người đem lòng thần tượng những người sống ngay cạnh mình như cha mẹ, thầy-cô giáo, bạn học...

Mỗi người có lý do khác nhau để coi một ai đó là thần tượng, mà đôi khi, người khác không thể hiểu được. Việc biết cảm phục, ngưỡng mộ một người nào đó để học theo những điều tốt từ họ thường mang tính lan tỏa và tạo ra những hiệu ứng xã hội rất tích cực. Thực tế đời sống đã chứng minh, không ít những người có những hành động đẹp, trở thành thần tượng trong mắt người khác và truyền cảm hứng cho rất nhiều người.

Tuy nhiên, bất kỳ chuyện gì cũng nên có một giới hạn an toàn, bởi vượt quá giới hạn là điều không tốt. Việc chúng ta tôn sùng, cuồng nhiệt quá đà với một thần tượng nào đó có thể dẫn đến những hành động quá khích, thậm chí sai trái, gây hại đến bản thân khi học theo thần tượng. Chưa kể, việc hâm mộ thái quá thần tượng khiến chúng ta biến họ thành nhân vật hoàn hảo “không tì vết” trong mắt mình, để rồi khi họ có một điều gì đó khiến chúng ta thất vọng, thần tượng sẽ “sụp đổ” trong lòng, khiến chúng ta rơi vào cảm giác chán chường, thậm chí có thể dẫn đến những hành động dại dột.

Nghĩa gốc của từ “thần tượng” được hiểu là hình ảnh hay một vật chất khác tượng trưng cho một vị thần được hướng đến để thờ phụng, tôn sùng trong tôn giáo. Sau này, nghĩa được mở rộng thêm để chỉ một người nào đó hay thứ gì đó được quan tâm bằng sự ngưỡng mộ, yêu mến hay sùng bái. Có thể khẳng định rằng, sống có thần tượng cũng được xem là một nét văn hóa. Thần tượng sẽ góp phần thúc đẩy chúng ta hướng đến những ước mơ, mục tiêu của cuộc đời. Vấn đề là hâm mộ thần tượng thuộc về phạm trù tình cảm nên đòi hỏi sự tiết chế, điều chỉnh cảm xúc của mỗi cá nhân, đừng để sự hâm mộ thần tượng bị đẩy đến mức quá đà, sẽ tạo ra những hành động phản cảm, đi ngược lại với những giá trị tốt đẹp vốn có của nó.

Có thể bạn quan tâm

Nữ luật sư 9X ham học hỏi

Nữ luật sư 9X ham học hỏi

Với Trần Phan Hoài Phương, việc học là hành trình bền bỉ chứ không phải điểm đến một sớm một chiều. Nhờ học hỏi không ngừng, cuộc sống của cô thêm sắc màu đẹp đẽ.