Để Pleiku thật xanh-Kỳ cuối: Xã hội hóa đầu tư phát triển cây xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong dự án “Pleiku xanh”, Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ đưa ra nhiều nội dung liên quan đến vấn đề tăng cường sự đóng góp của các tổ chức xã hội cho quá trình quản trị và phát triển hệ thống cây xanh ở Việt Nam nói chung, Pleiku nói riêng.

Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ đề xuất: Với mục đích tăng cường nhận thức của mọi người tham gia bảo vệ môi trường sống, sáng kiến cộng đồng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp… thực hiện sự kêu gọi đóng góp mua cây xanh qua các chiến dịch truyền thông để kêu gọi các doanh nghiệp, các bên liên quan đóng góp kinh phí mua cây giống và trồng, chăm sóc theo một bản thiết kế chi tiết đã xây dựng từ sự làm việc tích cực của các chuyên gia nên nó mang đậm tính khoa học và hợp lý về hệ thống cây xanh đô thị. Về vấn đề này, đã từ rất lâu, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” nhằm huy động sức dân để thực hiện một kế hoạch đầu tư xây dựng, phát triển một lĩnh vực kinh tế-xã hội nào đó. Xa hơn nữa, trong những năm kháng chiến và cả thời kỳ còn cơ chế bao cấp cũng đã tổ chức các ngày lao động tập trung, gọi là “lao động xã hội chủ nghĩa”; gần đây có nhiều tên gọi khác nhau như: “Ngày chủ nhật hồng”, “Tháng thanh niên tình nguyện”... Điều đó đã đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội đáng ghi nhận.

Trao đổi tại hội nghị bàn tròn liên quan đến dự án “Pleiku xanh”, Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ và nhiều ý kiến khác cho rằng, nếu công tác truyền thông và tổ chức phối hợp tốt, chặt chẽ giữa các đơn vị tham gia dự án thì chủ trương xã hội hóa trong việc đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh tại TP. Pleiku không phải là điều không thể không làm được. Cũng theo Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ, qua điều tra, khảo sát ý kiến người dân tại nội thành Pleiku, nhất là các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, đa số đều nhất trí với chủ trương xã hội hóa đầu tư cho cây xanh đô thị Pleiku, nếu chủ trương đó được thống nhất triển khai từ cơ quan có thẩm quyền.

Một phần thiết kế của tuyến đường Đặng Văn Ngữ thuộc dự án “Pleiku xanh” được đề xuất xây dựng từ nguồn huy động xã hội hóa.
Một phần thiết kế của tuyến đường Đặng Văn Ngữ thuộc dự án “Pleiku xanh” được đề xuất xây dựng từ nguồn huy động xã hội hóa.
Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ: Tỉnh ta còn nghèo. Để đạt được hệ thống cây xanh đa sắc màu, hoa nở quanh năm, phù hợp thổ nhưỡng, bản sắc văn hóa địa phương, đạt được một thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” với mục tiêu mang lại sức khỏe thể chất và tinh thần cho người dân thì phải mất 5 năm, 10 năm, 20 năm. Vì vậy, cần phải xã hội hóa để sớm đạt được mục tiêu, mang lại cảnh quan đô thị độc đáo, hấp dẫn du lịch.

Từ sau khi được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, TP. Pleiku đã được quan tâm đầu tư đồng thời với việc chỉnh trang, nâng cấp và xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực nội thành, còn quy hoạch, mở rộng thành phố ra ngoại ô, điều chỉnh một số đơn vị hành chính cấp xã và thành lập phường ở một số xã đủ điều kiện và tiêu chí theo quy định. Cùng với đó là xây dựng nhiều con đường, nâng cấp những con hẻm thành đường có tên gọi. Vì vậy, nhu cầu tiếp tục đầu tư phát triển cây xanh trên các trục đường mới và các công viên, cụm cây, hoa, lâm viên... là rất lớn, nhưng vốn từ ngân sách còn chưa đáp ứng. Cho nên, theo chúng tôi, chủ trương xã hội hóa công tác này là cần thiết. Nếu làm tốt việc vận động và truyền thông rộng rãi trong cộng đồng thì mọi người, mọi nhà và mọi doanh nghiệp có thể chung tay, góp sức để xây dựng hệ thống cây xanh đô thị, làm cho TP. Pleiku thật sự trở thành đô thị “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” như kỳ vọng.

Tất nhiên, việc huy động xã hội hóa trong việc đầu tư trồng cây xanh đô thị phải theo đúng thiết kế được cơ quan chức năng phê duyệt. Trong đó, chủng loại cây, mật độ... theo từng trục đường được thiết kế và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến cho việc trồng và chăm sóc cây xanh. Chăm sóc cây xanh cũng là vấn đề đặc biệt quan tâm. Công việc theo dõi và kiểm tra từ trồng đến chăm sóc, bảo vệ cây là trách nhiệm của ngành chức năng cho đến khi cây trồng đủ điều kiện “tự sống”. Khi cây đã đủ điều kiện “tự sống”, ngành chức năng bàn bạc thống nhất cùng địa phương sở tại, chọn và bàn giao cho một trong các tổ chức quần chúng hoặc hộ gia đình đảm nhiệm việc bảo vệ, chăm sóc cây.

Việc bàn giao cho tổ chức quần chúng và hộ gia đình bảo vệ, chăm sóc cây xanh cũng phải theo một quy trình kỹ thuật được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền hướng dẫn tỉ mỉ. Trên thực tế, chúng ta đã chứng kiến nhiều con đường, cả ở nông thôn và đô thị, có gắn các biển báo như: “đoạn đường thanh niên/phụ nữ/phụ lão/cựu chiến binh... tự quản”. Nhưng ở những đoạn đường ấy, hình như sự “tự quản” chỉ là hình thức. Cây xanh, tình trạng vệ sinh... của những đoạn đường “tự quản” đó vẫn rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”. Vì vậy, theo chúng tôi, ngoài sự tổ chức hội họp, tuyên truyền, bàn giao, trao đổi... cần có một cơ chế, chính sách rõ ràng, giúp người (tổ chức) nhận bảo vệ, chăm sóc cây xanh có thêm điều kiện và động viên họ tận tâm với công việc... lao động xã hội chủ nghĩa này.

Cũng xin có mấy lời trao đổi thêm về công việc làm cho Pleiku trở thành thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, ngoài cây xanh đường phố và các điểm vui chơi, sinh hoạt của cộng đồng, khuôn viên của các công sở, trường học, bệnh viện, doanh trại của lực lượng vũ trang... chúng tôi nghĩ cũng cần làm giảm nhiệt những bức tường bê tông trong phố. Đó là những giàn dây leo cho lá nhiều màu và hoa quanh năm. Những giàn dây leo ấy tất nhiên phải đạt tiêu chí mỹ quan cho đô thị, làm mát mắt người đi đường, dịu hẳn ánh nắng chói chang vào mùa nắng nóng bức.

Chúng tôi được biết, nhiều đô thị cả trong và ngoài nước được sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và cung cấp giống dây leo của ngành chức năng, người dân đã thấy tầm quan trọng của việc trồng dây leo trên tường nhà mình mà mọi người hưởng ứng tích cực, trồng và chăm sóc cẩn thận. Nhiều nơi ở Phố núi cũng đã được người dân quan tâm và tự giác trồng các loại dây leo cho hoa và cho màu sắc các loại. Nếu được vận động, hướng dẫn và cung cấp giống, chúng tôi tin chắc người dân sẽ hưởng ứng, thực hiện, tạo ra cảnh quan đô thị thật sự xanh-đẹp-mát trong tương lai gần!

 

ĐẶNG THANH HƯNG - TRƯƠNG NAM THUẬN - BÍCH HÀ