Đảm bảo an toàn xử lý rác thải trong khu cách ly và điều trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch, các cơ quan, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phát sinh, nhất là rác thải y tế trong khu cách ly tập trung và cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19.
Theo bà Lê Thị Hồng Quyên-Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), rác thải phát sinh tại các cơ sở y tế và khu cách ly tập trung tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, đơn vị đã hướng dẫn cụ thể công tác thu gom, xử lý rác thải. Theo đó, tất cả chất thải rắn phát sinh tại các khu vực/phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 đều được coi là chất thải lây nhiễm và được bỏ vào thùng màu vàng có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo để được ưu tiên xử lý tại chỗ ngay trong ngày bằng lò đốt hoặc thiết bị hấp, khử khuẩn khác. Tại cơ sở cách ly y tế tập trung, rác thải được phân làm 2 loại, trong đó rác thải có nguy cơ lây nhiễm đựng trong thùng màu vàng có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”, rác thải sinh hoạt gồm thức ăn thừa và chất thải rắn được thu gom vào 2 thùng màu xanh, có nắp đậy, có đạp chân, lót túi màu vàng. Nếu xuất hiện ca mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 thì tất cả chất thải tại phòng cách ly của người này được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm...
Tất cả rác thải đều được Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 3 đựng vào thùng chuyên dụng, xử lý đúng quy định. Ảnh: Hồng Thương
Tất cả rác thải đều được Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 3 đựng vào thùng chuyên dụng, xử lý đúng quy định. Ảnh: Hồng Thương
Tại Bệnh viện 331 (Bệnh viện điều Covid-19 cơ sở 3), bác sĩ Vũ Trọng Dũng-Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện-cho biết: Đơn vị đang điều trị cho 74 ca dương tính cùng 5 F1. Chỉ tính từ ngày 5 đến 13-8, Bệnh viện phát sinh 886 kg rác thải. Tất cả số rác thải này đều phải bỏ vào thùng màu vàng có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”. “Tất cả đều là rác thải nguy hại nên chúng tôi bỏ vào thùng màu vàng, khử khuẩn trước khi tập kết về nhà kho theo đường đi riêng được phân luồng. Nhà kho này có mái che và được quây kín để ngăn ngừa phát tán mầm bệnh. Từ kinh phí được tỉnh cấp, chúng tôi hợp đồng với Công ty TNHH thương mại và môi trường Hậu Sanh (tỉnh Bình Định) thu gom để đưa về nhà máy tại Bình Định xử lý”-bác sĩ Dũng cho hay. Cũng theo bác sĩ Dũng, chi phí cho mỗi lần vận chuyển rác thải là 1 triệu đồng và xử lý là 22 ngàn đồng/kg.
Tương tự, khu cách ly tập trung tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đức Cơ được chia làm 5 khu vực gồm: 3 khu nhà ở của công dân (gồm 32 phòng), 1 khu tiếp nhận và 1 khu lấy mẫu xét nghiệm. Thượng tá Phạm Ngọc Dũng-Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đức Cơ-thông tin: Thời điểm số công dân cách ly đông, mỗi ngày, khu cách ly phát sinh khoảng trên 1 tạ rác thải sinh hoạt và 20 kg rác thải y tế. Đơn vị phải bố trí 74 thùng đựng rác, gồm 11 thùng loại 120 lít đặt tại các khu vực và 64 thùng loại 20-30 lít đặt tại phòng ở của công dân. Theo đó, rác thải y tế được bỏ vào thùng màu vàng, rác thải sinh hoạt được bỏ vào thùng màu xanh. Mỗi ngày, đơn vị thu gom 2 lần và mỗi lần trước khi thu gom đều phun khử khuẩn, sau đó rác thải được tập kết về bãi chứa để đốt. Ngoài ra, đơn vị còn bố trí 1 thùng đựng rác thải sinh hoạt tại khu vực nhà bếp và tại mỗi khu vực nói trên bố trí thùng chứa thức ăn thừa có nắp đậy, sau đó tập kết về hố xử lý đã được lót vôi, dùng Cloramin B phun khử khuẩn rồi lấp đất.
Tất cả rác thải phát sinh tại Bệnh viện điều trị covid-19 cơ sở 3 đều được thu gom vào thùng đựng màu vàng, có lót túi, buộc chặt miệng và phun khử khuẩn trước khi đưa về kho để đơn vị hợp đồng thu gom mang đi xử lý
Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 3 đã thu gom rác thải phát sinh bỏ vào thùng chuyên dụng rồi phun khử khuẩn để mang đi xử lý. Ảnh: Hồng Thương
“Thực tế, chúng tôi còn gặp khó khăn về kinh phí xử lý rác thải, đặc biệt là bãi chứa rác chưa có mái che khi gặp trời mưa gây khó khăn cho việc xử lý dẫn tới chi phí đội giá lên cao. Trong khi đó, rác thải y tế tiềm ẩn mầm bệnh nguy cơ lây nhiễm cao”-Thượng tá Dũng chia sẻ.
Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Hồng Quyên cho biết thêm: Ngoài hướng dẫn các cơ sở y tế, các khu cách ly tập trung thu gom, xử lý rác thải, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã hướng dẫn các địa phương cách thức phân loại, xử lý rác thải tại khu phong tỏa, chốt phòng-chống dịch Covid-19, phòng cách ly tại nhà, nơi lưu trú. “Hiện nay, tỉnh ta chưa có đơn vị xử lý chất thải nguy hại. Một số cơ sở y tế chưa có lò đốt, hấp rác hoặc có nhưng công trình bị hỏng nên phải hợp đồng với Công ty TNHH thương mại và môi trường Hậu Sanh để xử lý. Riêng các khu cách ly tập trung chưa ký hợp đồng với các công ty có chức năng xử lý rác thải nguy hại tạm thời được hướng dẫn phân loại, phun khử khuẩn trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý đốt tại các bể xây hoặc các thùng kim loại, có mái che đặt trong khuôn viên, nằm ở cuối hướng gió. Đối với chất thải rắn hữu cơ là thức ăn thừa thì đào hố, rắc vôi bột, Cloramin B và lấp đất để xử lý. Sở cũng đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hợp đồng với các công ty đủ năng lực thu gom, xử lý rác thải nguy hại nhằm đảm bảo đúng quy định, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh từ rác thải trong các khu cách ly tập trung”-Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường thông tin.
 
HỒNG THƯƠNG