Chuyện thường ngày: Lời nói chẳng mất tiền mua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đèn vàng còn nháy, cậu thanh niên tóc xanh tóc đỏ rồ ga chiếc Exciter tranh thủ lao tới. Phía kia, một trung niên râu tóc bặm trợn điều khiển xe SH trắng cố tận dụng khoảnh khắc đèn xanh chưa chuyển đỏ. Thế là va chạm.
Cũng nhẹ thôi, nhưng chiếc SH trầy mấy đường ở vè trước, chủ nhân văng tục, dựng xe sấn tới cậu thanh niên. Vốn tính hiếu kỳ, tôi tấp xe vào lề theo dõi diễn biến vụ việc mà cả hai bên đều có phần lỗi. Sau mấy câu sừng sộ khá gắt của “bên thiệt hại”, bên kia khẩn thiết nhận hết lỗi về mình và chịu mọi chi phí bồi thường kèm theo thái độ rất biết điều của cậu thanh niên. Trái tim đang lạnh ngắt, cái đầu đang nóng sôi vì bực tức của anh chủ xe SH có lẽ vì vậy chợt chùng xuống. Nhìn lại mấy vết trầy trên xe mình, anh nhẹ giọng: “Lần sau đi cẩn thận chút, thôi đi đi”. Thế là “chuyện không có gì” đã có cái kết êm thấm.
Văn hóa ứng xử là cái nắm tay ban đầu dẫn trẻ vào con đường hình thành nhân cách. (ảnh minh họa, internet)
Văn hóa ứng xử là cái nắm tay ban đầu dẫn trẻ vào con đường hình thành nhân cách. (ảnh minh họa, internet)
Nhưng cũng có những kết thúc ầm ĩ, thậm chí bi thảm xảy ra từ những va chạm, mâu thuẫn bình thường trong sinh hoạt hàng ngày, cứ xem tin tức cập nhật thì rõ lắm. Từ một chút va quệt trên đường khi tham gia giao thông rồi dẫn đến xung đột, bạo lực, án mạng chết người; chút hiểu lầm trong quan hệ hàng xóm láng giềng; mâu thuẫn bạn bè, gia đình… đều có thể dẫn người ta đến chỗ chọn cách giải quyết rất tệ hại. Vài vụ việc làm người ta khó tưởng tượng được: mời uống rượu nhưng bị từ chối, chém nhau; nhậu xong, giành quyền thanh toán, giết nhau... Nguyên nhân ban đầu thường không có gì trầm trọng, nhưng cái cách người ta giải quyết đã làm cho mọi việc trở nên tồi tệ đi. Lời qua tiếng lại, cố giành phần phải về mình, mức độ càng lúc càng gay cấn đến mức phải nhờ nắm đấm hỗ trợ. Nếu có hung khí trên tay thì chẳng ai biết trước được chuyện gì sau đó. Hay chuyện như thế này cũng thật là đáng trách: chồng dạy con học bài, vợ tham gia góp ý rằng chồng dạy chưa đúng thì chồng phản bác, chỉ sau vài câu qua lại, chồng vớ ấm nước trên bàn thẳng tay ném. Hậu quả là vợ phải vào bệnh viện khâu mấy mũi trên đầu, may chưa đến mức chấn thương sọ não.
Nhắc đến văn hóa ứng xử, tôi chợt nhớ đến một clip được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội về chuyện ông bố ôn tồn, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết bắt đứa con gái nhỏ của mình phải nói “xin lỗi” vì đùa nghịch mà xảy ra va chạm với người khác. “Hai tiếng xin lỗi dễ nói lắm, nào! Con nói theo bố nhé!”. Thật ấn tượng với cách dạy con như thế của một người cha. 
Hình như ở ta, cái phản xạ cảm ơn-xin lỗi đang dần phai nhạt thì phải, dù nó là “miếng trầu” để mở đầu cho chuyện giải quyết mâu thuẫn nhỏ lớn sau đó. Nếu ai cũng thấm thía câu dạy bảo của cha ông “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” thì cuộc sống đẹp hơn rất nhiều, tránh phải trả giá đích đáng vì những chuyện không đâu.
Các nhà giáo dục, các bậc phụ huynh đừng bao giờ nghĩ rằng đây là chuyện nhỏ. Đó là cái nắm tay ban đầu dẫn trẻ vào con đường hình thành nhân cách đấy.
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.