Với người Việt Nam, việc nâng chén trà không chỉ là để uống, mà việc này còn được xem là một phong tục, một nét văn hóa lâu đời cần được chú trọng và nâng niu.
Thú thưởng thức trà của người Việt Nam. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam) |
Ở Việt Nam, tục uống trà có từ lâu đời. Có nhiều bằng chứng cho thấy, cây trà có nguồn gốc từ Việt Nam và nhờ đó, người Việt biết đến trà sớm hơn nhiều so với các nước.
Từ núi cao xuống đồng bằng, từ thành thị đến thôn quê, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người Việt đều yêu thích và có cách uống trà, thưởng trà phù hợp với điều kiện của mình.
Uống trà từ lâu đã là một phong tục, một nét văn hóa được phổ biến rộng rãi trong đời sống người Việt. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, chén trà càng được chú trọng, nâng niu.
Theo sử sách ghi chép, trà khởi nguồn ở các chùa, nơi gắn kết trà với đạo Phật. Cũng bởi vì lý do đó, hình thức thưởng trà được gọi là Thiền trà. Từ chùa, hình thức thưởng trà nhanh chóng được ưa chuộng trong chốn cung đình. Thời xưa, chỉ có những người tầng lớp vua, quan, quý tộc, dòng dõi quyền quý mới được thưởng thức trà theo hình thức cầu kỳ này. Người dân thường chỉ uống loại chè tươi hái từ cây xuống.
Tùy vào đặc trưng từng vùng địa lý, khí hậu và cách chế biến, người Việt đã tạo ra các thức uống khác nhau từ cây chè, nhưng nhìn chung trà được chia thành ba loại: Trà hương, trà mạn và trà tươi.
Trong trà Việt, có sáu loại hoa bắt hương nhất thường được dùng để ướp trà là: nhài, cúc, ngâu, sói, mộc và sen. Bởi thế, nâng chén trà với hương hoa thoang thoảng đem lại cho người thưởng thức cảm giác thư thái, dễ chịu vô cùng.
Người Việt xưa đã có những cách ướp hương hoa cho trà một cách độc đáo. Trong triều đại nhà Nguyễn, dưới thời trị vị của nhà vua Tự Đức, người dân đã biết cách lấy trà, gói thành từng gói giấy nhỏ, sau đó thả vào trong từng bông hoa sen, đêm xuống cánh hoa sen cúp lại, ấp ủ, những dúm trà được thấm đẫm hương thơm của sen, nhưng nếu để có một lượng lớn trà ướp hoa sen thì người dân phải gỡ lấy hạt trắng ở mỗi nhụy hoa sen, hạt trắng này thường được gọi là gạo sen, rồi sau đó đem đi trộn lẫn với trà, rồi ủ kín. Khi gạo sen khô héo và teo lại, thì đem đi sấy với lửa liu riu để giữ được mùi hương tự nhiên của hoa sen. Đây quả là một quá trình rất công phu, mất nhiều thời gian, nhưng để có được loại trà thơm, ngon thì cũng thật xứng đáng.
Trà mạn là loại trà phổ biến nhất ở Việt Nam, từ búp trà tươi sao khô, phơi sấy mà thành. Đặc điểm của loại trà này là khi pha nước có màu xanh. Cùng với đó thì lá chè đã già, cũng được hái, rửa sạch và phơi khô, khi uống được vò nhỏ, nước của loại chè này khi pha ra lại có màu đỏ, giống với màu của chè nụ.
Chè mộc, chè móc câu, chè sao suốt … là tên của loại các loại chè có tiếng ở các vùng chuyên sản xuất chè như Phú Thọ, Thái Nguyên. Khi chè được sao bằng tay trong chảo lớn, với mức lửa trung bình không quá to cũng không quá nhỏ và được đảo liên tục thì cho ra loại “chè sao suốt”, còn loại chè sau khi búp chè được sao xong, mang hình dáng giống như những chiếc móc câu, thì chè này được gọi là “chè móc câu”, hay với loại chè được sao nhưng không tẩm ướp bất cứ mùi hương hoa nào thì được gọi là “chè mộc”.
Dùng trà mạn, người ta chú trọng đến sự tinh tế trong cách thưởng thức hương vị trà nguyên bản nên cũng là loại trà mà các nghệ nhân tâm đắc nhất.
Riêng trà tươi được sử dụng phổ biến tại nhiều làng quê, người ta thường hãm lá trà tươi rửa sạch để thiết đãi cả làng vào mỗi tối.
Thưởng trà không chỉ là uống trà, mà còn có rất nhiều ý nghĩa bên cạnh. |
Văn hóa uống trà của người Việt gần gũi, giản dị, nhưng cũng rất đỗi tinh tế. Người Việt không uống trà nhiều, uống đặc và liên tục mà uống trà với quan niệm rằng trà là một triết học về sự tế nhị và thanh tao. Uống trà chính là cách để con người giao hòa với thiên nhiên và môi trường.
Khi pha trà, màu nước trà phải vàng sánh trong xanh, hương trà, hương hoa tự nhiên phản ánh một Việt Nam với rừng vàng, biển bạc, tài nguyên phong phú. Vị đắng chát gợi lên nỗi vất vả, cần lao của những người làm trà truyền thống bao đời nay. Hậu vị ngọt mát của trà chính là tâm hồn người Việt giàu tình, giàu nghĩa, có thủy, có chung.
Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ ấm, ngũ quân anh là câu nói miêu tả toàn bộ nghệ thuật và văn hóa trà của người Việt. Trà ngon nhất khi được pha với loại nước thanh khiết tự nhiên, và nước ngon nhất là nước đọng trên lá sen, hoặc nước được hứng từ mo cau, có nhiều người rất kỳ công trong việc lấy nước pha trà, người ta trộn nước mưa với nước giếng, loại nước này được gọi là nước âm dương ( trời là dương, đất là âm ).
Nước cần phải được đun trên bếp than hoa bằng nồi đất, vì dùng than hoa nước sẽ không bị bám mùi của khói như đun bằng dầu, rơm … tùy từng loại trà mà chúng ta đun nước ở độ sôi khác nhau, đối với trà xanh thì nước cần đun sủi tăm, còn đối với các loại ướp hương sen, hương nhài, hương cúc … thì nước cần đun sôi ở đầu nhang, bởi nhiệt độ của nước ảnh hưởng đến vị ngon của trà, nếu không đủ độ sôi thì trà sẽ không phai ra, còn nếu nhiệt độ cao quá sẽ khiến cho trà bị nồng, mất vị thơm và thường được gọi là “cháy” trà.
Cùng với thời gian và những biến động của lịch sử, thú chơi trà, thưởng trà dần bị hạn chế. Tuy nhiên, không vì vậy mà văn hóa uống trà của người Việt bị mai một và mất đi. Những nghệ nhân trà truyền thống tại Hà Nội cũng như nhiều vùng khác trên toàn quốc vẫn âm thầm gìn giữ niềm đam mê và bí quyết chế biến trà cho thế hệ sau này.
Chén trà ngon vẫn là mở đầu cho những câu chuyện hàn huyên, là cơ hội để gắn kết gia đình, bạn bè.
Thưởng trà không đơn thuần chỉ là thỏa mãn nhu cầu uống mà nó còn là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống, được đặc biệt chú trọng trong ngày Tết cổ truyền.
Vào những ngày xuân năm mới, pha một ấm trà nóng, hương vị trà Việt dường như giúp con người giao hòa với trời đất, gần gũi hơn với thiên nhiên, khiến cho mọi lo toan thường nhật tan biến, chỉ còn lại sự bình yên, thanh tịnh với câu chuyện hàn huyên ấm cúng.
Trong những ngày Tết sum vầy, một ấm trà thơm ngon dường như làm cho mọi người gần nhau hơn, ấm áp hơn, làm cho những câu chuyện đầu năm thêm ý nghĩa.
Theo TTXVN/Vietnam+