Tản mạn Trà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi từng là người nghiện trà. Rồi... không nghiện. Giờ thì lại... nghiện.    

Thu hoạch chè tại xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông). Ảnh: PHAN NGUYÊN
Thu hoạch chè tại xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông). Ảnh: PHAN NGUYÊN




Cái thời mà chế độ thực phẩm phân phối, cái gì cũng nằm trong những ô phiếu, trà cũng nằm trong ấy, có loại trà chín hào ba, tức... chín hào ba gói trà, đa phần là loại trà thứ phẩm, rất nhạt thì Gia Lai đã có trà Bàu Cạn, trà Biển Hồ, trà Ayun nổi tiếng. Hồi ấy, nó cùng với trà BLao, tức Bảo Lộc, để... sánh với trà Thái phía Bắc, tất nhiên không thể bằng trà Thái, nhưng trong hành trang của những người ở Gia Lai, Kon Tum về quê ăn Tết đều có những gói trà Bàu Cạn hoặc ít nhất là Biển Hồ (tức mặc định trà Bàu Cạn luôn xịn hơn). Các tỉnh Tây Nguyên có khí hậu lạnh hơn do ở cao, trong đó 2 tỉnh cao nhất là Lâm Đồng và Gia Lai là 2 vùng trà nổi tiếng. Lâm Đồng có Bảo Lộc với thương hiệu trà BLao và Gia Lai có thương hiệu trà Bàu Cạn.     

Hồi đầu, nó cũng là những gói trà đơn giản như tất cả mọi thứ hàng hóa thời ấy. Sau này, cố Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Hạc chụp ảnh cho trà Bàu Cạn làm cái bao bì khá ấn tượng, ảnh ông già râu dài trên nền màu xanh, rất là... trà.  Và cũng là sau này, trà Thái mới có nhiều ở Gia Lai, chứ hồi đầu, toàn chơi trà Bàu Cạn là xịn nhất, rồi Biển Hồ, rồi trà Đak Đoa, Ayun nữa...

Nhưng quả là một đất không thể... hai vua. Đã có cà phê rồi thì trà khó mà lên ngôi vương. Cũng như người ta thường nhắc trà Lâm Đồng chứ ít khi nhắc cà phê Lâm Đồng, dẫu sau này có chuyên gia cho rằng, chính ở Lâm Đồng ấy mới cho ta thứ cà phê ngon, bởi hạt cà phê ở đấy nó đạt mấy yêu cầu, một là độ cao, hai là được hưởng gió biển, hứng được vị mặn của biển. Nên, nói đến trà, người ta hay nói đến xứ Bắc. Phàm là dân phía Bắc, nhất là đàn ông thì họ đều nghiện trà như nghiện... vợ. Nếu cà phê thường chỉ uống ngày một cữ, chủ yếu là vào buổi sáng thì người ta có thể pha trà uống cả ngày. Sáng sớm lăn trên giường xuống, là loay hoay súc ấm pha trà. Tối trước khi ngủ có khi cũng rốn thêm ấm nữa. Tức là có thể uống cả ngày, nhất là khi trong nhà có từ 2 gã đàn ông trở lên. Dẫu vậy, trà ấy chưa chắc đã là... trà, mà mới chỉ đạt chuẩn... chè khô.

Nhưng với cánh nhà văn Tạp chí Quân đội thì trà nó thứ thiệt là trà. Nghe nói mấy bố này có nguồn xịn từ Thái Nguyên, toàn loại trong cái gói giấy màu vàng hút chân không. Biết nó ngon là bởi, tôi là kẻ trà lõm bõm nhì nhằng, có thì uống, không cũng chả thèm. Và tuyệt đối chưa bao giờ uống được buổi sáng khi bụng đói, tức với dân trà tôi chỉ là cậu trẻ con lon ton nhắng nhít. Thế mà chỉ 2 lần dự trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức thì tôi... phân biệt được trà ngon và trà dở, phân biệt được trà Thái Nguyên và trà Thái... không nguyên.       

Giờ đi làm cho một khu du lịch ở Củ Chi, một mình ở một tòa nhà, sau khi đi trại Văn nghệ Quân đội về thì trà lại trở thành một nhu cầu khốc liệt. Anh bạn nhà văn Phạm Đức Long làm cùng, khoe: “Em mua trà từ Pleiku mang đi, để em sẻ cho bác một ít”. Là trà Thịnh Phát nổi tiếng ở Pleiku, tôi cũng đã có lần viết về nó. Đây là nơi uy tín tại Gia Lai bán các loại trà. Ở Pleiku có nhiều điểm bán trà Thái, nhưng nổi tiếng và lâu đời nhất là tiệm trà Thịnh Phát. Trước đấy, họ bán trà BLao của Lâm Đồng, trà Bàu Cạn của Gia Lai, nhưng mươi năm lại đây, trà Thái mới là thứ mà họ bán chính. Mấy ông nghiện trà ở Gia Lai, trừ một số ông có nguồn từ Hà Nội hay trực tiếp từ Thái Nguyên gửi vào hàng tháng (mà ai cũng úp mở khoe là trà sao tay đấy, gia truyền đấy!) thì còn lại ai nghiện trà đều đến mua ở đây. Thế nên cũng không thể coi thường khi cách đây cả trăm năm người Pháp đã chọn Bàu Cạn để trồng chè...

  Đồi chè xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah). Ảnh: PHAN NGUYÊN
Đồi chè xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah). Ảnh: PHAN NGUYÊN



Hàng xóm tôi ở Pleiku có ông nghiện trà. Ông này một thời toàn được hưởng... xái trà của tôi. Ấy là khi được biếu trà thì hoặc là tôi đưa cho ông ấy pha rồi sang uống, bởi một mình pha một ấm thì rất nhiêu khê, chỉ trừ mấy tiên ông về trà mới uống kiểu ấy. Đưa ông pha rồi tôi lại phải gọi thêm vài người nữa sang uống. Hoặc cho ông ấy luôn. Ông ấy cứ xuýt xoa, bác tốt quá, có biết đâu nếu không đưa cho ổng thì tôi cũng để... mốc. Ông hàng xóm khoe trà nhà ông toàn gửi từ Bắc vào chứ không bao giờ mua ở Pleiku. Mỗi lần gửi vào mấy cân, lại có cái vò sành bỏ vào, rất kỹ. Vừa rồi về, giữa cơn nghiện trà trở lại, lò dò sang bảo chú còn trà cho anh ít mang đi uống. Hai vợ chồng lụi hụi mở vò bốc cho tôi đến mấy lạng, bảo bác mang đi uống. Ơ kìa, tôi đang uống và vẫn không ngon như những gì tôi đã uống.

Mới rồi, lục lọi một hồi trong va ly, chợt thấy gói trà Bàu Cạn vuông vuông một thuở. Lại mới rưng rưng mà nhớ, một thời trong túi quà Tết luôn có gói trà này. Tết năm nay, hình như loại trà này đang tả xung hữu đột trên thị trường. Nghe tôi nói thế, anh bạn bảo, mấy năm rồi ông ạ, tại ông không uống trà. Ừ nhỉ, cái tội ở ngay xứ trà mà không chịu uống trà hoặc uống mà... vọng ngoại. Cứ uống rồi sẽ quen, nó thành một thói quen và sẽ nghiện...                                                                           

 

 VĂN CÔNG HÙNG