Ngôi đình cổ giữa cánh đồng xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trải qua hàng trăm năm với nhiều thăng trầm nhưng đình An Mỹ (thôn 2, xã An Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) vẫn hiện hữu giữa làng quê như một chứng tích sinh động về truyền thống văn hóa tâm linh của người dân Bình Định và Quảng Ngãi khi chọn nơi đây làm quê hương thứ 2 của mình. Không những vậy, công trình còn là điểm đến du lịch tâm linh cần được bảo tồn và gìn giữ.

Từ trung tâm TP. Pleiku, chúng tôi chỉ mất khoảng hơn 10 phút chạy xe máy là đến đình An Mỹ. Tọa lạc trên diện tích hơn 5.000 m2, ngôi đình lọt thỏm giữa màu xanh ngắt của những vườn rau non tơ, đem đến một cảm giác yên ả, trong lành.

Ngôi đình trăm năm tuổi

9 giờ sáng 10 tháng 2 Âm lịch, những người lớn tuổi sinh sống tại thôn 1 và thôn 2 của xã An Phú đã tề tựu về đình An Mỹ để chuẩn bị lễ cúng đình. Khác với mọi năm, lễ cúng đình năm nay đơn giản hơn và hạn chế số lượng người để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.

Dưới bóng mát của cây bàng đã hơn 70 năm tuổi, ông Đoàn Tiến Quyết-Trưởng ban Hộ đình-cho biết: Ngôi đình được xây dựng từ năm 1915 nhằm tưởng nhớ công ơn của các vị tiền hiền đã có công khai hoang lập địa. Ban đầu, đình được xây dựng cách vị trí hiện tại gần 1 km và được đặt tên theo tên làng là Quảng Định. Đến năm 1926, vợ chồng ông bà Nguyễn Mai Luật-Trần Thị Hạnh đã hiến đất để dân làng di dời đình về vị trí mới và đổi tên là đình An Mỹ. “An Mỹ là từ ghép của 2 vùng đất An Nhơn và Phù Mỹ. Đây là quê hương của vợ chồng ông Luật. Dù vậy, người dân vẫn quan niệm, An Mỹ còn được hiểu thêm là một vùng đất bình an và đẹp đẽ”-ông Quyết giải thích.

Đình An Mỹ được trùng tu, xây mới nhưng vẫn còn lưu giữ một số di tích cũ là bình phong, trụ cổng. Ảnh: Nhật Hào
Đình An Mỹ được trùng tu, xây mới nhưng vẫn còn lưu giữ một số di tích cũ là bình phong, trụ cổng. Ảnh: Nhật Hào


Lần giở ký ức về sự hình thành và thay đổi kiến trúc của ngôi đình, ông Nguyễn Đức (74 tuổi, trú tại thôn 2) cho hay: Khi dời vào vị trí mới, đình được xây dựng bằng tranh tre, vách đất. Do hoàn cảnh chiến tranh, những năm 1945-1954, cư dân của làng bỏ đi nơi khác để tránh giặc nên công trình dần bị hoang phế, đổ nát. Đến năm 1972, đình An Mỹ được tái thiết và trùng tu. Năm 2004, ông Đoàn Tiến Quyết cùng các vị cao niên đã kêu gọi con cháu, các nhà hảo tâm tài trợ xây dựng lại chánh điện và một số công trình phụ trợ. Đến năm 2014, Ban Hộ đình và người dân đã đóng góp tiền, ngày công xây dựng tường rào, sân, đường vào đình, phục chế bình phong và trụ cổng. “Đình An Mỹ giờ vững chắc hơn nhờ được trùng tu, xây mới. Dù vậy, nơi đây vẫn còn lưu giữ những di tích cũ như minh chứng cho sự cổ kính, linh thiêng. Có thể kể đến là bức bình phong, 2 trụ chầu và cây bàng cổ thụ. Đặc biệt, bức bình phong và 2 trụ chầu với biểu tượng hình con hổ, kỳ lân được khảm bằng những mảnh sành thể hiện sự kỳ công trong quá trình xây dựng”-ông Đức nói.

Dù vậy, trải qua sự biến thiên của thời gian, đình An Mỹ đã có nhiều thay đổi khiến cho người dân nơi đây không khỏi trăn trở. “Đình An Mỹ đã được Vua Bảo Đại sắc phong. Sắc phong này được đựng trong hộp gỗ và cất giữ cẩn thận tại chánh điện. Tuy nhiên, giai đoạn 1972-1975, trong quá trình sửa chữa ngôi đình, người dân đã gửi sắc phong tại chùa An Thạnh (thôn 2) nhưng do chùa xuống cấp gặp trời mưa, thời tiết ẩm khiến cho sắc phong bị mục nát nên không lưu giữ được. Bên cạnh đó, bức bình phong và 2 trụ chầu đã xuống cấp. “-ông Đức cho hay.

Nơi cố kết cộng đồng      

Những năm qua, người dân bầu chọn Ban Hộ đình gồm 12 người. Đồng thời, phân công người trông coi và hương khói hàng ngày hoặc vào các dịp lễ, Tết. Vào ngày 10 tháng 2 và 20 tháng 8 Âm lịch hàng năm, người dân tề tựu về đây để cúng đình nhằm tri ân các vị tiền hiền đã có công khai khẩn đất đai và cầu mong các vị thần linh phù hộ, chở che cho dân làng được bình yên, khỏe mạnh, làm ăn may mắn.

Vừa sửa soạn lễ cúng, ông Trần Văn Minh (thôn 2) tâm sự: Đình làng là hình ảnh thân quen, là nơi chứng kiến những sinh hoạt và sự đổi thay trong đời sống xã hội của làng. Bởi vậy, không chỉ đóng góp công sức, vật chất để trông coi, trùng tu mà người dân còn tổ chức đều đặn lễ cúng đình hàng năm.

Sau khi được trùng tu, đình An Mỹ trở nên chắc chắn hơn. Ảnh: Nhật Hào
Sau khi được trùng tu, đình An Mỹ trở nên chắc chắn hơn. Ảnh: Nhật Hào


Sau nghi lễ cúng đình, người dân tổ chức phần hội bằng hình thức thuê gánh hát bội từ Bình Định lên biểu diễn hoặc tự tổ chức giao lưu văn nghệ. Ở đó, họ có dịp giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ buồn vui cũng như kinh nghiệm sản xuất. Ông Đức chia sẻ: Ông quê ở thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định). Từ nhỏ, ông nhiều lần theo bố mẹ tới dự các lễ cúng đình do làng tổ chức. Trong tâm thức của ông, đình làng thân thuộc, gần gũi như chính hồn quê của mình. Bởi vậy, khi đình An Mỹ được trùng tu, ông rất phấn khởi.

Nói về đình An Mỹ, ông Nguyễn Hữu Tài-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Phú-cho biết: Sau hơn 100 năm tồn tại, đình An Mỹ vẫn được người dân nơi đây tôn tạo, trùng tu, gìn giữ cẩn thận như để lưu giữ một phần hồn quê của mình. Các lễ cúng đình hàng năm không chỉ tri ân các vị tiền hiền mà còn là dịp để người dân gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Qua đó, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng khu dân cư, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. “Thời gian tới, xã sẽ đề xuất các cấp có thẩm quyền công nhận đình An Mỹ là di tích lịch sử văn hóa của địa phương. Đồng thời, vận động người dân tập trung sản xuất các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao gắn với văn hóa đình làng nhằm tạo ra điểm nhấn du lịch”-ông Tài nói.

Rời đình An Mỹ, chúng tôi ghé thăm chùa An Thạnh. Đây là nơi an nghỉ của vợ chồng ông bà Luật-Hạnh, người đã hiến đất và trực tiếp xây dựng đình An Mỹ. Với vẻ đẹp yên bình và đậm nét văn hóa tâm linh, đình An Mỹ và chùa An Thạnh hứa hẹn sẽ là những điểm đến thú vị cho những ai muốn tìm về nét đẹp tâm linh, cổ kính.

 

NHẬT HÀO