Huyền sử xã Gào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xã Gào cách trung tâm TP. Pleiku 18 km về phía Tây Nam. Xuất xứ tên gọi và quá trình hình thành của vùng đất này chứa đầy chất lãng mạn và pha chút huyền thoại của sử thi Tây Nguyên.
Nghe nói vùng xã Gào từ xa xưa đã mọc lên một loài cây hòa thảo, hạt nhỏ như hạt cỏ, màu đen, tiếng địa phương gọi là cây “Gao” (hình như là một giống kê). Hạt Gao nấu lên, ủ men sẽ cho ra một thứ rượu thơm ngon đặc biệt. Rượu Gao là đặc sản một thời, bay bổng như huyền thoại Tây Nguyên, từ xa xưa nó là linh hồn của mảnh đất anh hùng này. Có lẽ vì vậy, các làng người Jrai trong vùng đều có chữ “Gào” trong âm tiết đầu như: Gào Choang, Gào Nang, Gào Del, Gào Klah, Gào Mơnú... Và xã cũng mang tên là xã Gào.
Ngay đến thiên nhiên cũng tạo cho xã Gào một địa hình thật hài hòa với cái thế “địa linh”. Xã tựa lưng vào núi Hàm Rồng hùng vĩ, chạy dọc theo bờ Bắc của dòng suối Ia Púch thơ mộng. Theo truyền thuyết của người Tây Nguyên thì núi Hàm Rồng nguyên là đầu của một con rồng lửa. Núi Hàm Rồng là đất phát tích của nhóm Jrai Hdrung, đồng thời là nơi phát nguyên ra 5 dòng suối đổ về 5 ngã cao nguyên. Người ta bảo những dòng suối xuất phát từ đỉnh núi Hàm Rồng thì quanh năm không bao giờ cạn nước.
Anh hùng trong kháng chiến
Một điều kỳ diệu là mảnh đất này tuy nằm sát các căn cứ quân sự của Quân đoàn 2-Quân khu II ngụy, lại không có thế núi sông hiểm trở, không có hang động hay địa đạo xuyên lòng đất nhưng qua 2 cuộc kháng chiến, chỉ bằng lòng dân, xã Gào-Bàu Cạn luôn là cơ sở bàn đạp của Khu 9, tồn tại kiên cường suốt mấy chục năm ác liệt. Nơi đây đã nuôi giấu nhiều đồng chí lãnh đạo của tỉnh như: Ksor Ní, Lê Tiến Hồng, Lê Tiên, Nguyễn Đàn...
Nhân dân xã Gào-Bàu Cạn đã bền bỉ chống lại các đợt càn quét, dồn dân lập ấp, các đợt tố cộng; chủ động diệt ác, phá kềm, tiêu diệt đồn bốt của địch, che giấu, bảo vệ lực lượng cách mạng. Qua 2 cuộc kháng chiến, du kích xã Gào đã cùng bộ đội tiến hành hàng trăm cuộc tấn công, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, phá hủy nhiều đồn bốt, xe cơ giới của địch, lấy súng địch trang bị cho ta.
Để nuôi giấu cách mạng, Nhân dân xã Gào-Bàu Cạn đã hình thành nhiều rẫy kháng chiến, quyên góp hàng trăm tấn lương thực. Đặc biệt, những năm 1965-1972, Nhân dân xã Gào-Bàu Cạn đã buộc chủ đồn điền phải nộp thuế bằng tiền cho cách mạng mỗi năm hàng triệu đồng. Không chỉ đảm bảo tự túc tại chỗ, đã có lúc ông Lê Tiến Hồng-nguyên Bí thư Khu ủy Khu 9 Pleiku trực tiếp về căn cứ Krong giao cho cơ quan tỉnh cả túi vàng quyên góp được để làm kinh phí mua hàng hóa và khí tài phục vụ chiến đấu.
Trong kháng chiến, Nhân dân xã Gào đã vận động hàng trăm lính ngụy là người dân tộc thiểu số bỏ ngũ, trở về buôn làng làm ăn. Những năm sau giải phóng, người dân xã Gào luôn nêu cao cảnh giác trước âm mưu phá hoại của lực lượng phản động, bắt và tiêu diệt nhiều tên FULRO, giữ vững an ninh buôn làng.
Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Gào-Bàu Cạn có 112 liệt sĩ đã được khắc bia tưởng niệm tại xã. Trong các liệt sĩ, người lớn tuổi nhất sinh năm 1898, người trẻ tuổi nhất sinh năm 1956. Có 44 liệt sĩ người Kinh quê tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An. Người được khắc tên đầu Bia liệt sĩ xã Gào-Bàu Cạn là ông Siu Lơl-Bí thư Đảng bộ xã Gào giai đoạn 1967-1970. Ông Siu Lơl là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh kiên cường quả cảm của quân và dân xã Gào. Đây là giai đoạn xã có số lượng đảng viên đông đảo, hoạt động rất tích cực, kỷ cương.
Đường Hồ Chí Minh-tuyến tránh đô thị Pleiku (đoạn qua xã Gào). Ảnh: L.H
Đường Hồ Chí Minh-tuyến tránh đô thị Pleiku (đoạn qua xã Gào). Ảnh: L.H
Thời trước, xã Gào còn là vùng rừng rậm, nguyên sinh. Ban ngày đứng ở xã Gào nhìn về Pleiku toàn bị rừng che lấp, không biết phố ở hướng nào. Xã Gào lúc ấy còn rất nhiều trâu rừng, heo rừng, nai, mang, khỉ... Đặc biệt là cọp! Cọp đi kiếm ăn cả giữa ban ngày, có đàn 7-8 con. Ông Nguyễn Đàn lên xã Gào từ năm 1945, đến năm 1946 thì bị bắt, địch bỏ tù 4 năm. Tháng 7-1950, ông vượt ngục thành công và lại trở về hoạt động ở xã Gào. Ông Đàn kể: Thời ấy, cán bộ ở ven suối Ia Púch, ở chòi trong rừng; lúc ăn cơm nhà mả do đồng bào cải trang tiếp tế, lúc gây dựng cơ sở sản xuất lương thực, thực phẩm tự túc. Thế mà đánh hàng trăm trận. Bây giờ, những nơi ấy chẳng còn lấy một vết tích. Những căn hầm bí mật, những hộp thư chết ven suối Ia Púch (nơi giao dịch thư từ, mật mã) cũng đã bị thời gian xóa mờ!... Vì ông có nước da đen, râu quai nón, chân tay lông lá nên rất dễ hóa trang thành người Jrai. Thường ngày, ông đóng khố, cởi trần, mang gùi vào ra các làng, có lúc vào cả khu vực nội thị Pleiku liên lạc công tác. Kinh nghiệm để không bị địch phục kích, ông thường cứ nhằm dấu vết của cọp mà đi. Có lúc trên đường rừng, ông mang gùi đi trước, con cọp to lừng lững cứ lẽo đẽo theo sau như người cận vệ trung thành. Đến lúc ông mắc võng lấy cơm đùm ra ăn, con cọp cũng dừng lại từ xa canh chừng. Thấy vậy, ông cất tiếng: Mời ông Cọp ăn cơm!
Ông Kpah Nick-bố của anh Rơ Mah Giáp-nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thời trước là người nuôi giấu chu cấp cho ông Hiệp (bí danh của ông Nguyễn Đàn). Giai đoạn khó khăn nhất, ông Đàn thường phải ẩn náu ngoài rừng, lấy hòn đá bên cạnh con suối Ia Púch làm hộp thư để giao dịch trao đổi tin tức qua lại. Mỗi khi tiếp tế cơm gạo thực phẩm, ông Kpah Nick ra rừng dùng mõ trâu gõ theo nhịp nhất định thì ông Đàn bí mật ra lấy. Người làng bảo A Hiếp (ông Hiệp) có phép thuật biến thành a Mung (con cọp) vì thế mọi người thường gọi là “ông Cọp”.
Thời ấy, cứ 2-3 ngày, bộ đội lại về làng vào tầm 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm, họp làng giao lưu, vận động tuyên truyền. Bộ đội thường mở đài nói tiếng Jrai cho dân nghe rất thích. Dân mê nhất là được nghe đài hát bài hát Jrai, rồi những bài hát dân ca chèo miền Bắc. Đêm đêm, thanh niên phụ nữ trong làng phân công lấy thực phẩm, nấu nước chè xanh đổ vào bi đông cho bộ đội. Đã thành lệ, những hôm bộ đội về làng, các gia đình bao giờ cũng gùi sẵn rau ở rẫy về, thiếu niên chia thành các tổ đi các nhà thu rau đem cho bộ đội, cán bộ làm cái ăn.
Để kiểm soát tình hình và tìm cách lôi kéo, dụ dỗ người dân, địch cũng thỉnh thoảng vào làng lục soát, có lúc cả ô tô chở đội ngũ y tế, người phiên dịch tiếng Jrai và các loại thuốc tây vào làng khám bệnh cấp thuốc, xà phòng, cho bọn trẻ những quả bóng bầu dục... Những lúc ấy, người làng thường vác dao vào rừng, giả vờ đi chăn bò như hành vi vô tình chặt những cành khô đặt ngang các lối đi để báo cho bộ đội, cán bộ biết trong làng có địch, không nên vào.
Qua sự vận động của cán bộ, bộ đội, từ những năm 1971-1972 đã có khá nhiều em thiếu nhi xã Gào vượt Trường Sơn ra miền Bắc học tập. Chỉ riêng năm 1972, trong đoàn 44 em thiếu nhi của tỉnh đi ra Bắc đã có tới 25 em xã Gào. Không ít người trong số đó bây giờ đã trưởng thành làm lãnh đạo các cấp như: Rơ Chăm Keo, Rơ Mah Giáp, Pui Ri, ....
Vì những thành tích to lớn trong kháng chiến, xã Gào đã được Nhà nước phong tặng nhiều huân chương cao quý. Ngày 6-6-1976, Ban Anh ninh xã Gào được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tiếp đến, ngày 1-11-1978, cán bộ và dân quân du kích xã Gào được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2.
Trên đà khởi sắc
Những năm sau giải phóng, mảnh đất xã Gào nhỏ bé đã vinh dự được đón rất nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về thăm như: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch nước Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Ngày nay, trong thời bình, xã Gào đã có những bước phát triển đột phá về hạ tầng, sản xuất. Những con đường trải nhựa đã chạy khắp các làng trong xã, nối liền với tỉnh lộ, quốc lộ, kết nối xã Gào với trung tâm Pleiku và các địa phương trong vùng.
Trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới, xã Gào đã có những bước tiến bộ vượt bậc. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 5.645 ha, hơn 1 ngàn hộ, gần 5 ngàn khẩu. Với 2.800 ha đất nông nghiệp, hàng năm, toàn xã gieo trồng được gần 3 ngàn ha, trong đó có 100 ha lúa nước 2 vụ, gần 1 ngàn ha cây công nghiệp các loại (chủ yếu là cà phê và cao su). Đàn bò gần 2 ngàn con, đàn heo hơn 2 ngàn con. Toàn xã có gần 1 ngàn em học sinh các cấp, trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%.    
Tuy vậy, có một thế mạnh xã Gào rất cần được bảo tồn phát triển, đó là tiềm năng du lịch văn hóa-lịch sử, gắn với sinh thái rừng suối tự nhiên. Cần đầu tư hỗ trợ xã Gào xây dựng lại các di tích căn cứ Khu 9 xưa, khôi phục lại một phần dòng suối Ia Púch gắn với rừng nguyên sinh hỗn giao đa dạng hóa nguồn gen sinh học. Cùng với đó, củng cố phát huy tốt những lễ hội truyền thống của người Jrai xã Gào gắn với những truyền thuyết về núi Hàm Rồng, về văn hóa nhóm Jrai Hdrung, về món rượu Gao nổi tiếng trong huyền sử! Biến xã Gào thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn với căn cứ địa Khu 9 xưa, với cụm thắng cảnh núi lửa Hàm Rồng, suối đá Ia Púch huyền thoại, ngay bên cạnh đô thị sầm uất Pleiku!
PHẠM ĐỨC LONG