EURO 2020: Đừng xem thường đội tuyển Anh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Đừng xem thường người Ý, đừng để ý người Anh” là câu cửa miệng của nhiều CĐV ở các giải lớn, nhưng tại EURO 2020, đội tuyển Anh của HLV Gareth Southgate không còn là “hổ giấy” như quá khứ.

Đội tuyển Anh sẽ cần nhiều bản lĩnh và tài năng của Harry Kane ở vòng knock-out - Ảnh: AFP
Đội tuyển Anh sẽ cần nhiều bản lĩnh và tài năng của Harry Kane ở vòng knock-out - Ảnh: AFP



Phải gặp đội tuyển Đức ở vòng 1/8 EURO 2020 được xem là lá thăm đen đủi cho Anh. Trong khi các đội đầu bảng chỉ phải gặp những đối thủ nhẹ ký (Ý gặp Áo, Pháp gặp Thụy Sĩ, Thụy Điển gặp Ukraine), cửa ải trước mắt đội tuyển Anh là cựu vô địch thế giới năm 2014.

Thành tích bất bại, sạch lưới và ngôi đầu bảng D (đứng trên á quân World Cup 2018 Croatia) của đội tuyển Anh vẫn chưa giàu sức thuyết phục. “Tam Sư" bị chê là nhàm chán, cũ kỹ, thiếu sức sáng tạo.

HLV Gareth Southgate là người đứng mũi chịu sào khi chưa xây dựng được lối chơi đáng xem, dù đội tuyển Anh nở rộ hàng loạt ngôi sao tấn công như Mason Mount, Phil Foden, Bukayo Saka hay Jack Grealish.


Người Anh chơi tấn công nghèo nàn với trung bình 0.67 bàn/trận, thấp nhất trong các đội lọt vào vòng knock-out.
 

Đội tuyển Anh đã vào vòng knock-out với khuôn mặt kém thuyết phục- Ảnh: AFP
Đội tuyển Anh đã vào vòng knock-out với khuôn mặt kém thuyết phục- Ảnh: AFP


Harry Kane, chân sút giành đồng thời hai danh hiệu vua phá lưới và vua kiến tạo ở Ngoại hạng Anh, vẫn biến mất và lạc lõng với 0 bàn thắng. Jadon Sancho, ngôi sao in dấu giày vào 77 bàn của Borussia Dortmund, chỉ được vào sân ít phút ở trận cuối.

Huyền thoại Lothar Matthaus của Đức còn khẳng định: “Nếu Anh không cần Sancho, chúng tôi sẵn sàng nhập tịch cậu ấy”. Điều này gián tiếp cho rằng Southgate không biết dụng nhân, Matthaus khiến sức ép dồn lên HLV đội tuyển Anh ngày một lớn hơn.

Những chỉ trích của người hâm mộ đã căng như một quả bóng, chỉ chờ phát nổ nếu Anh không vượt qua Đức.

Tuy nhiên, tình hình càng nguy nan, việc chạm trán một đối thủ đẳng cấp lại càng là điều cần thiết với “Tam Sư”. Đây là cơ hội để đội tuyển Anh rèn luyện sức bền và chứng minh bản lĩnh.


 

Sterling đang ghi 2 bàn thắng để giúp tuyển Anh vào vòng 1/8 - Ảnh: AFP
Sterling đang ghi 2 bàn thắng để giúp tuyển Anh vào vòng 1/8 - Ảnh: AFP



Nếu người Anh dự EURO với mục tiêu tiến càng xa càng tốt, phải gặp Đức là điều không may, còn nếu muốn vô địch thì việc gặp đối thủ mạnh là chuyện sớm hay muộn. Nếu thắng Đức sẽ không ai có thể nghi ngờ đẳng cấp của họ được nữa.

Ở World Cup 2014, đội tuyển Anh từng vướng vào chỉ trích tương tự. Chỉ thắng 2 đội yếu là Tunisia và Panama, thua Bỉ ở trận tranh ngôi đầu, nhưng Anh đã lầm lũi tiến đến bán kết - thành tích tốt nhất ở các giải lớn sau 22 năm.

Nhật báo Daily Mail của Anh cũng cho rằng lối chơi hấp dẫn không phải phẩm chất phải có của một nhà vô địch.

“HLV Southgate cùng cộng sự đã nghiên cứu màn thể hiện của Pháp ở World Cup 2018. Pháp chơi thận trọng, kỷ luật dù có nhiều ngôi sao tấn công như Kylian Mbappe hay Antoine Griezmann. Đội tuyển Anh có thể đang đi theo con đường này nhờ hàng thủ chắc chắn (sạch lưới 5 trận gần nhất)”, Daily Mail phân tích.


 

Đội tuyển Anh chưa muốn tỏa sáng hay chưa thể tỏa sáng? - Ảnh: AFP
Đội tuyển Anh chưa muốn tỏa sáng hay chưa thể tỏa sáng? - Ảnh: AFP


Đội tuyển Anh đang sở hữu phiên bản không phải hấp dẫn, nhưng các học trò của Southgate tạo ra cảm giác họ có thể tiếp tục cải thiện. Bởi ngay cả khi chơi không tốt, Anh vẫn đủ sức vượt qua vòng bảng.

Một bảng đấu dễ thở giúp Anh vẫn giữ được nhiều mảng miếng chiến thuật. Đến trận cuối cùng, Jack Grealish mới tỏa sáng, Bukayo Saka bất ngờ nổi lên, còn Jadon Sancho có thể là vũ khí đầy tiềm năng khi ngôi sao của Dortmund rất hiểu bóng đá Đức.

Trong khi Đức phải dồn mọi nguồn lực để sống sót ở bảng tử thần, đội tuyển Anh vẫn là ẩn số. Cứ lầm lũi tiến lên, có khi lại là điều hay với "Tam sư", thay vì thất bại thảm hại ở những lần “khua chiêng gõ trống” ầm ĩ trước đây.

Theo Nam Nhi (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bản lĩnh của "Tam sư"

Bản lĩnh của "Tam sư"

(GLO)- Bị dẫn bàn và đứng trước nhiều áp lực, rốt cuộc, đội tuyển Anh cũng đã chứng tỏ được bản lĩnh thật sự của mình để ghi tên vào trận chung kết. Trong khi đó, Đan Mạch đã phải dừng bước đầy tiếc nuối trong một trận cầu họ đã chơi sòng phẳng ngay trên sân khách.
Dấu ấn chiến thuật của Roberto Mancini

Dấu ấn chiến thuật của Roberto Mancini

(GLO)- Sau màn so tài cân não của các vị chiến lược gia, Italia đã giành tấm vé đầu tiên để vào chơi trận chung kết. Đó là chiến quả xứng đáng mang đậm dấu ấn chiến thuật cùng sự tỏa sáng của những ngôi sao.
Tứ kết Euro 2020: Cảm xúc trái chiều

Tứ kết Euro 2020: Cảm xúc trái chiều

(GLO)- Vòng tứ kết Euro 2020 đã khép lại với nhiều cảm xúc trái chiều. Trong khi một số đội được hưởng “quả ngọt“ từ sức trẻ thì cũng có đội sở hữu dàn cầu thủ đang vào độ chín tài năng nhưng vẫn phải ngậm ngùi nuối tiếc.
Tứ kết Euro 2020: Chờ những cuộc thư hùng

Tứ kết Euro 2020: Chờ những cuộc thư hùng

(GLO)- Sau hàng loạt “cơn địa chấn“ ở vòng 1/8, Euro 2020 hứa hẹn tiếp tục mang đến cho người hâm mộ những trận đấu đầy cảm xúc. Liệu những “gã khổng lồ“ có chứng minh được bản lĩnh để nuôi tham vọng hay các đội bóng cửa dưới sẽ nối dài câu chuyện cổ tích của mình.
Một kỳ EURO lạ thường

Một kỳ EURO lạ thường

Khi Unai Simon đỡ bóng hời hợt để Croatia mở tỉ số trong trận đấu ở vòng 1/8 với Tây Ban Nha, EURO 2020 đã xác lập kỷ lục số phản lưới nhà nhiều nhất trong lịch sử, bằng các kỳ EURO trong 40 năm trước đó cộng lại (từ 1976 - 2016).