Cảnh báo ô nhiễm nguồn nước mặt ở Gia Lai Kỳ 1: Ô nhiễm cục bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh Gia Lai chịu sức ép từ các nguồn xả thải, nhiều khu vực có dấu hiệu bị ô nhiễm cục bộ và suy giảm khả năng tiếp nhận. Trước tình hình đó, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh cần triển khai những giải pháp căn cơ để bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt.
Mặc dù công tác quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn tài nguyên nước đã được các ngành và địa phương quan tâm, song ở nhiều thời điểm, nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh vẫn ô nhiễm cục bộ.
Từ ô nhiễm sông Ba 
Chúng tôi có mặt tại lưu vực sông Ba đoạn qua bến đò xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa) vào một ngày cuối tháng 5. Nơi đây, nước sông có màu xanh, nổi váng và bốc mùi hôi tanh. Bà Rơ Ô H’Cheo (buôn Múk) cho biết: “Tình trạng này xảy ra hơn 5 năm nay và ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của người dân. Ngày trước, nước sông trong lắm, dân làng thường ra đây lấy nước về dùng. Từ khi nước sông Ba đổi sang màu xanh đục, tôi không dám sử dụng nữa”. 
Còn theo ông Nguyễn Giang Nam (thôn Thống Nhất) thì: Vào mùa khô, nước sông Ba có màu xanh đậm và hôi. Có thời điểm, cá chết khi nắng nóng kéo dài, nhất là vào tháng 4 và 5. “Tôi đánh bắt cá đã nhiều năm tại khu vực này. Trước đây, tôi còn sử dụng nước sông để rửa mặt và tay chân. 5 năm nay, nước ở khu vực này bị ô nhiễm, mỗi lần đi đánh cá về, tay chân tôi đều bị nổi mẩn ngứa rất khó chịu”-ông Nam nói. 
Vào mùa khô, nước sông Ba đoạn qua bến đò xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa) đặc quánh tảo xanh và có mùi hôi. Ảnh: Hồng Thương
Vào mùa khô, nước sông Ba đoạn qua bến đò xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa) đặc quánh tảo xanh và có mùi hôi. Ảnh: Hồng Thương
Nói về nguyên nhân nước sông Ba bị ô nhiễm, ông Hà Văn Vinh-Chủ tịch UBND xã Chư Ngọc-cho hay: Nước sông bị ô nhiễm một phần do ảnh hưởng của nguồn chất thải từ 2 nhà máy chế biến tinh bột mì. Các nhà máy này đều đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, sông Ba đoạn qua xã Chư Ngọc khá sâu, nước ít lưu thông dẫn tới suy giảm khả năng gột rửa nước thải. Vì vậy, khi gặp thời tiết khô hạn, nước sông bị ô nhiễm hữu cơ và hình thành tảo xanh, bốc mùi hôi tanh.
“Hiện nước sông không còn khả năng tiếp nhận thêm nguồn thải. Vì vậy, các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động xử lý nước thải của các nhà máy từ đầu nguồn để đảm bảo không xảy ra các sự cố gây ô nhiễm nguồn nước”-ông Vinh đề xuất.
Tương tự, sông Ba đoạn qua thị xã An Khê những năm qua cũng phải oằn mình gánh chất thải từ các nhà máy và nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Có mặt tại sông Ba đoạn qua thôn 2 (xã Thành An) những ngày đầu tháng 5, chúng tôi thấy nước sông nổi bọt, có váng màu đen và bốc mùi hôi.
Bà Hồ Thị Mỹ Lệ (thôn 2) cho biết, tình trạng này chỉ xảy ra khoảng 1-2 ngày, thậm chí là vài tiếng đồng hồ, sau đó nước trở lại bình thường. Còn ông Trần Văn Tư-Trưởng thôn 2 nói: “Đây không phải là lần đầu nước sông Ba nổi bọt và có mùi hôi. Vì vậy, ngành chức năng cần kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải, đặc biệt là nước thải từ Nhà máy Đường An Khê để bảo vệ chất lượng nguồn nước”. 
Bà Lệ chỉ tay về đám ruộng của một hộ dân nằm ngay bờ sông Ba bị bỏ hoang vì ảnh hưởng của nguồn nước bị ô nhiễm
Bà Hồ Thị Mỹ Lệ (thôn 2) chỉ tay về đám ruộng của một hộ dân nằm ngay bờ sông Ba bị bỏ hoang vì ảnh hưởng của nguồn nước bị ô nhiễm. Ảnh: Hồng Thương
Tại khu vực suối Vối (phường Ngô Mây, thị xã An Khê), theo người dân nơi đây, hoạt động sản xuất của các cơ sở chế biến tinh bột mì gây mùi hôi và nước thải từ khu sản xuất cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn nước. Một số thời điểm, nước suối có màu đục, nổi váng.
Nói về nguyên nhân, ông Đặng Quốc Hoài Huy-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thị xã An Khê-cho hay: “Nước sông Ba nổi váng, có mùi hôi là do xảy ra sự cố xử lý nước thải của các nhà máy, trong đó có Nhà máy Đường An Khê. PhòngTN-MT không có hệ thống quan trắc nên phối hợp kiểm tra, lấy mẫu nước gửi đi phân tích, đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp khắc phục sự cố”.
Phát biểu tại buổi nghiệm thu cấp cơ sở đề tài “Đánh giá sức chịu tải môi trường và đề xuất các giải pháp quản lý bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm tại một số thủy vực trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương-Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở TN-MT) cho hay: Lưu vực sông Ba chảy qua tỉnh Gia Lai với khoảng 8.656 km2. Từ kết quả quan trắc, nhiều thời điểm, nước sông ở một số vị trí có biến động, vượt giới hạn cho phép nhiều lần trong nhiều năm như: nước mặt đoạn cầu sông Ba (thị xã An Khê); suối Vối (nơi tiếp nhận nguồn thải trước khi đổ ra sông Ba tại thị xã An Khê); cầu Lệ Bắc (huyện Krông Pa); nước mặt sông Ba tại thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa), bến đò xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa)…
Nguyên nhân do sông Ba là nơi tiếp nhận nhiều nguồn thải từ các nhà máy chế biến nông-lâm sản và các cơ sở công nghiệp khác cũng như nước thải từ hoạt động của khu đô thị chưa được thu gom xử lý. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nak phía thượng nguồn sông Ba tích nước để phát điện đã nắn dòng sông Ba chuyển nước về sông Côn (tỉnh Bình Định) gây ra tình trạng cạn kiệt nước vào mùa khô, dẫn đến nước không lưu thông gây ô nhiễm cục bộ nguồn nước.
Đến ô nhiễm cục bộ trong đô thị
Đi dọc suối Hội Phú (TP. Pleiku), chúng tôi bắt gặp một số đoạn nước suối đục ngầu. Đặc biệt, một số con suối nhỏ hoặc kênh mương là điểm tiếp nhận nước thải dẫn ra suối Hội Phú có dấu hiệu bị ô nhiễm nặng. Trong đó, suối Lò Bò (chảy dọc ranh giới phường Ia Kring và Hội Thương, TP. Pleiku) bị ô nhiễm nặng vì tiếp nhận nước thải sinh hoạt của các hộ dân sống trong khu vực và Trung tâm Thương mại Pleiku không qua xử lý. Tại đây, nước suối đặc quánh và bốc mùi hôi tanh, rác thải vương vãi ngay trong lòng suối.
Ông Nguyễn Văn Cường (tổ 3, phường Ia Kring) phản ánh: “Nước suối Lò Bò trước đây trong lành lắm, chúng tôi thường lấy về sử dụng mỗi khi vào mùa khô. Song những năm gần đây, nước bị ô nhiễm nặng, bốc mùi rất khó chịu. Hơn 1 sào đất vườn của tôi không thể canh tác vì nước thải tràn về gây ngập úng và ô nhiễm”.
Còn ông Huỳnh Văn Kính (tổ 4, phường Ia Kring) thì than thở: “Nước chảy qua con suối này đổi màu liên tục trong ngày, sáng sớm thì có màu trong hơn nhưng tới trưa đã đục ngầu và có mùi hôi như mùi của xác động vật chết. Chúng tôi mong thành phố có giải pháp xử lý nguồn nước thải này để tránh gây ô nhiễm môi trường”. 
Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: Suối Hội Phú là nơi thu gom một phần nước sinh hoạt của thành phố, bao gồm Trung tâm Thương mại Pleiku và các hộ dân sống dọc suối. Lượng nước thải này không được xử lý mà xả thẳng ra suối nên đã gây ô nhiễm nguồn nước. 
Ông Nguyễn Văn Cường nói về nguồn nước suối Lò Bò bị ô nhiễm nặng do nguồn nước sinh hoạt thải về chưa qua xử lý
Ông Nguyễn Văn Cường (tổ 3, phường Ia Kring, TP. Pleiku) bên một đoạn suối Lò Bò bị ô nhiễm nặng do nguồn nước sinh hoạt thải về chưa qua xử lý. Ảnh: Hồng Thương
Trong khi đó, tại suối Trà Đa, ở một số thời điểm, dòng nước nổi bọt, đổi màu đen kèm mùi hôi gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân trong khu vực. Theo người dân nơi đây, nguyên nhân có thể do việc xả trộm nước thải chưa qua xử lý của một vài nhà máy thuộc Khu Công nghiệp Trà Đa.
Ông Nguyễn Tự Quyết-Phó Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng Khu Kinh tế tỉnh (Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh) cho biết: “Khu Công nghiệp hiện có 43 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 37 doanh nghiệp đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của Công ty. Hầu hết doanh nghiệp đều chấp hành tốt việc xử lý nước thải để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn còn tình trạng người dân phản ánh nguồn nước mặt tại suối Trà Đa bị đổi màu và bốc mùi hôi là do sự cố xử lý nước thải, cá biệt có trường hợp xả trộm ra môi trường mà không qua xử lý. Đối với những cơ sở vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, Sở TN-MT đã kiểm tra, xử lý và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục”.
Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, Sở TN-MT đã lấy 667 mẫu nước mặt tại 23 vị trí trên địa bàn tỉnh để phân tích chất lượng nguồn nước. Phần lớn các vị trí quan trắc cho chỉ số chất lượng nước ở mức độ trung bình, sử dụng cho mục đích tưới và các mục đích tương đương khác chiếm 54,55%; một số vị trí có nước mặt tương đối tốt có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần có các biện pháp xử lý phù hợp chiếm 29,55% và khoảng 14,39% nước mặt đang ở trong tình trạng chất lượng kém, tập trung ở điểm xả thải khu dân cư, điểm tiếp nhận nước thải các khu-cụm công nghiệp và ô nhiễm nhất là khu vực suối Hội Phú. 
Trao đổi với P.V bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) thông tin: Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước trên địa bàn tỉnh có xu hướng tốt trong giai đoạn trước năm 2016 và có chiều hướng ô nhiễm trong thời gian từ năm 2017 đến nay. Một số vị trí có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, vi sinh và dinh dưỡng, không đảm bảo cho mục đích cấp nước sinh hoạt, bảo tồn động, thực vật thủy sinh hoặc mục đích thủy lợi.
Đặc biệt, một số điểm quan trắc nước mặt có nhiều biến động, vượt giới hạn cho phép nhiều lần và cao hơn hẳn so với các vị trí còn lại như: lưu vực sông Ba đoạn qua cầu sông Ba (thị xã An Khê); nước sông Ba tại thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa); khu vực suối Hội Phú (TP. Pleiku); suối Vối và nước sông Ba nơi tiếp nhận nước từ suối Vối đổ ra (thị xã An Khê).
 
HỒNG THƯƠNG