Cần có cơ chế đặc thù cho Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Phạm Ngọc Thạch
Ông Phạm Ngọc Thạch
Sau khi nghiên cứu dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng, tôi có một số ý kiến tham gia về lĩnh vực an sinh xã hội như sau:
Thứ nhất, tôi nhất trí cao nội dung đánh giá thành tựu đạt được về phát triển kinh tế- xã hội. Trong đó, công tác giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách với người và gia đình có công, chính sách an sinh xã hội đạt kết quả tích cực.
Trong 5 năm, toàn quốc đã giải quyết việc làm cho trên 8 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm còn dưới 5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 9,5%... Tỉnh Gia Lai đã góp phần đáng kể vào thành tựu chung của cả nước. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm nhanh, từ 29,8% (năm 2005) xuống còn 10,82% (năm 2010), vượt 8,2% so với mục tiêu Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh đề ra. Số lao động được giải quyết việc làm 22.000 người/năm, xuất khẩu lao động được 3.160 người.
Thứ hai, tôi còn băn khoăn với đánh giá: “Chất lượng cuộc sống của nhân dân giảm sút trên một số mặt”. Vì, Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991-2011), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đánh giá: “Chỉ số phát triển con người không ngừng tăng lên, từ 0,688 năm 2000 lên 0,733 năm 2008, xếp thứ 105/177 nước tham gia xếp hạng, thuộc nhóm trung bình cao. Việt Nam đã hoàn thành phần lớn mục tiêu thiên niên kỷ cam kết trước cộng đồng quốc tế. Hầu hết các mục tiêu đề ra cho năm 2015 đều đạt và vượt vào năm 2008”.
Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật
Thực tế ở Gia Lai, thành tựu đạt được trong 5 năm qua đã khẳng định: Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt về mọi mặt; mặc dù có một số lĩnh vực chưa thật sự bền vững. GDP bình quân đầu người năm 2010 gấp 2,82 lần so với năm 2005. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Đời sống vật chất, tinh thần và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân ngày càng khá hơn, 100% xã có điện thoại; 100% thôn làng, 95% số hộ dùng điện; 80% dân cư nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực, đến nay đã có 99,2% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được định canh định cư, mặt bằng dân trí được nâng lên.
Thứ ba, về thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm (2011-2015), như dự thảo báo cáo đề ra: Tập trung giải quyết tốt chính sách lao động, việc làm và thu nhập; đảm bảo an sinh xã hội. Theo tôi, để làm tốt vấn đề này ngoài những giải pháp chung mà dự thảo đã nêu, đối với tỉnh Gia Lai cần đẩy mạnh cơ cấu đầu tư; Trung ương cần có cơ chế đặc thù cho các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng trong việc vận dụng và đề ra một số chính sách ưu đãi thỏa đáng thu hút các nhà đầu tư để đưa công nghiệp về nông thôn.
Khi công nghiệp về nông thôn sẽ thúc đẩy các dịch vụ phát triển theo. Đó là chuyển một phần lao động nông nghiệp sang lao động ở lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Muốn vậy, phải thực hiện tốt Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; đồng thời, thu hút lao động qua đào tạo về nông thôn góp phần phân bổ lại lực lượng lao động qua đào tạo trên địa bàn. Đây là nguồn nhân lực vô cùng to lớn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Tuy nhiên, để thu hút đầu tư công nghiệp về nông thôn, bên cạnh các chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư, các địa phương cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi để phục vụ cho sản xuất cũng như nhu cầu dân sinh. Đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo nghề cho người lao động (đào tạo nguồn nhân lực).
Phạm Ngọc Thạch (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH)