Bữa tiệc bóng đá ngày Quốc khánh của người dân huyện Đak Đoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 

Cứ đến ngày Tết Độc lập, người dân huyện Đak Đoa lại nô nức đổ về sân vận động huyện để theo dõi, cổ vũ trận chung kết của Giải Bóng đá truyền thống huyện, đồng thời tận hưởng sự sôi động cùng bầu không khí nhộn nhịp của dịp lễ Quốc khánh 2-9.

Qua mỗi năm, Giải Bóng đá truyền thống huyện Đak Đoa lại có thêm sự khởi sắc. Năm nay, giải đấu đã quy tụ hơn 400 cầu thủ của 17 đội bóng, trong đó có 16 đội đại diện các xã, thị trấn và đội Công an thị trấn Đak Đoa. So với năm 2022, giải lần này đã tăng 3 đội tham gia. Sau 1 tháng thi đấu sôi nổi và quyết liệt, Ban tổ chức đã tìm ra 2 đội bóng xuất sắc nhất lọt vào trận chung kết. Đó là 2 cái tên rất quen thuộc đã đụng độ nhau ở 2 trận chung kết liên tiếp trước đó là xã Glar và xã A Dơk.

Khoảng 20 ngàn khán giả đã đổ về sân vận động huyện Đak Đoa trong ngày 2-9 để thưởng thức trận chung kết Giải bóng đá truyền thống. Ảnh: Văn Ngọc

Khoảng 20 ngàn khán giả đã đổ về sân vận động huyện Đak Đoa trong ngày 2-9 để thưởng thức trận chung kết Giải bóng đá truyền thống. Ảnh: Văn Ngọc

Đây là 2 địa phương nổi danh về bóng đá phong trào với rất nhiều cầu thủ tài năng cũng như đông đảo người dân Bahnar có tình yêu mãnh liệt với trái bóng tròn. Và rõ ràng ở nơi được xem là “cái nôi” của bóng đá phong trào toàn tỉnh, người dân luôn có cách thể hiện sự khác biệt. Phải đến 13 giờ 30 mới bắt đầu trận tranh hạng 3 và 15 giờ là trận chung kết, song ngay từ hơn 12 giờ ngày 2-9, dòng người đã nườm nượp đổ về sân vận động huyện. Ai nấy đều tranh thủ rảo bước tìm cho mình chỗ ngồi ưng ý để có thể theo dõi trận đấu một cách chân thực nhất.

Nắm bắt được sự cuồng nhiệt với trái bóng tròn này, xung quanh sân vận động đã xuất hiện các dịch vụ bán đồ ăn nhanh. Quang cảnh cùng bầu không khí nơi đây khiến tất cả liên tưởng tới một lễ hội. Anh Khiêm (xã Glar) hồ hởi: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày Quốc khánh là dân làng lại gác lại công việc nương rẫy để đi xem bóng đá. Nếu không đi thì ở nhà buồn lắm vì người làng già trẻ ai cũng đi cả rồi. Mình đi xem đội trong xã đá ở nhiều nơi, nhưng không có giải nào vui như giải này vì nó diễn ra vào ngày Tết Độc lập của đất nước. Người dân Đak Đoa chúng tôi rất tự hào vì có một giải đấu mà nhiều khán giả đến vậy, không thua kém ở các tỉnh khác”.

Trận chung kết diễn ra giữa 2 đội bóng khá quen thuộc là xã Glar và xã A Dơk. Ảnh: Văn Ngọc

Trận chung kết diễn ra giữa 2 đội bóng khá quen thuộc là xã Glar và xã A Dơk. Ảnh: Văn Ngọc

Chuẩn bị bước vào trận chung kết có khoảng hơn 15.000 khán giả tập trung quanh 4 đường biên và ken đặc trên khán đài. Nhiều người thậm chí còn trèo lên cây, bờ tường hoặc bất kỳ điểm cao nào có thể quan sát được trận đấu. Thậm chí khi trời bỗng đổ cơn mưa nặng hạt, khán giả vẫn đội mưa cổ vũ cho các đội bóng. Dường như cơn mưa vẫn không thể làm dịu đi tình yêu cháy bỏng của người dân Đak Đoa với trận đấu đặc biệt này.

Khán giả đội mưa cổ vũ cho các đội bóng. Ảnh: Văn Ngọc

Khán giả đội mưa cổ vũ cho các đội bóng. Ảnh: Văn Ngọc

Và không để phụ lòng người hâm mộ, các chàng trai của 2 đội bóng xã Glar và A Dơk đã cống hiến một bữa tiệc bóng đá thực sự với kịch bản đầy gay cấn. Phút 15, xã Glar đã vươn lên dẫn trước từ một tình huống đá phạt góc và tiền đạo của họ đã bật cao đánh đầu thành bàn. Nhưng chỉ 2 phút sau, đương kim vô địch A Dơk đã nhanh chóng tìm được bàn gỡ 1-1 với cú sút chân trái uy lực của Thưn.

2 đội bóng đã cống hiến một bữa tiệc bóng đá hấp dẫn. Ảnh: Văn Ngọc

2 đội bóng đã cống hiến một bữa tiệc bóng đá hấp dẫn. Ảnh: Văn Ngọc

Thế trận giằng co với nhiều cơ hội đã được 2 đội tạo ra nhưng không có bên nào tận dụng thành công buộc trận đấu phải đi đến loạt sút luân lưu 11 m. Ở loạt sút may rủi này, xã Glar đã hạ gục đối thủ với tỷ số 5-4 một cách nghẹt thở để đòi lại ngôi vị vô địch đã rơi vào tay đối thủ 1 năm trước. Cầu thủ Dung (xã Glar) mừng rỡ: “Năm trước, chúng tôi đã gục ngã ở chấm 11 m đầy tiếc nuối nhưng năm nay đã đòi được món nợ đó. Chúng tôi rất vui vì đã mang về chức vô địch cho người hâm mộ sẵn sàng đội mưa để cổ vũ cho các cầu thủ. Đây sẽ là một ngày Quốc khánh rất đặc biệt với chúng tôi và bà con ở xã Glar”.

Niềm vui vỡ òa của các cầu thủ xã Glar sau khi vượt qua đối thủ trên chấm penalty. Ảnh: Văn Ngọc

Niềm vui vỡ òa của các cầu thủ xã Glar sau khi vượt qua đối thủ trên chấm penalty. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với P.V, bà Đặng Thị Hoài-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa, Phó Trưởng Ban tổ chức giải-cho hay: “Năm nay số lượng đội bóng cũng như cầu thủ đã tăng hơn năm ngoái, chất lượng chuyên môn cũng được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt năm nay, giải đấu có thêm nhà tài trợ là doanh nghiệp Vật tư Nông nghiệp Thái Bình Gia Lai nên cơ cấu giải thưởng đã được đẩy lên khá cao nhằm khích lệ cho các đội bóng”.

Ban tổ chức trao giải cho các đội bóng đạt thứ hạng cao ở giải năm nay. Ảnh: Văn Ngọc

Ban tổ chức trao giải cho các đội bóng đạt thứ hạng cao ở giải năm nay. Ảnh: Văn Ngọc

Kết thúc giải đấu, Ban tổ chức đã trao Cúp vô địch cùng tiền thưởng 8 triệu đồng cho đội bóng xã Glar, đội bóng xã A Dơk giành giải nhì với phần thưởng 6 triệu đồng, đội Công an thị trấn Đak Đoa giành giải 3 với phần thưởng 5 triệu đồng và đội bóng xã Hà Bầu giành giải khuyến khích với 4 triệu đồng. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao các danh hiệu cá nhân gồm: cầu thủ xuất sắc nhất, vua phá lưới và thủ môn xuất sắc nhất giải.

Có thể bạn quan tâm

Đội tuyển Việt Nam và vận hội mới

Đội tuyển Việt Nam và vận hội mới

Chức vô địch AFF Cup 2024 không chỉ giúp hàng chục triệu người hâm mộ VN có được niềm vui sau nhiều năm bóng đá VN 'khát' danh hiệu, mà còn là bước khởi đầu mới đầy thuận lợi cho thầy trò HLV Kim Sang-sik hướng đến những mục tiêu quan trọng trong tương lai.