Sau những cơn mưa từ cuối tháng 4 đến tháng 5, người dân các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh nhanh chóng làm đất, chuẩn bị giống, vật tư nông nghiệp để gieo trồng vụ mùa 2022. Đến nay, hầu hết các loại cây trồng cạn như: mì, bắp, mè, dưa hấu, mía, đậu đỗ đã cơ bản xuống giống xong. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài hơn 1 tháng qua khiến cho cây trồng phát triển kém, nhiều khu vực có nguy cơ bị hạn.
Ông Rah Lan Bar (buôn Ia Klon, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) cho biết: “Nhà tôi có 3 ha mì. Cuối tháng 4 vừa rồi, mưa sớm nên đất đủ độ ẩm, gia đình huy động nhân công để xuống giống cho kịp thời vụ. Tuy nhiên, khi xuống giống xong thì nắng nóng kéo dài khiến mì mọc không đều, nhiều cây bắt đầu có dấu hiệu bị khô héo. Năm trước cũng bị nắng hạn, tôi phải trồng đi trồng lại 2-3 lần nhưng đến khi thu hoạch cũng chỉ hòa vốn đầu tư. Ở đây người dân trồng mì phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, năm nào thời tiết thuận lợi thì được mùa, ngược lại nắng hạn coi như mất trắng”. Còn bà Ksor H’Krôh (buôn Ngôl, xã Uar) thì cho hay: “Khoảng đầu tháng 5, trên địa bàn xã có mưa lớn khiến kênh mương bị đất bồi lấp làm cho nhiều diện tích lúa bị thiếu nước. Nhà tôi trồng 3 sào lúa, nhưng do thiếu nước khiến cây bị héo úa, ước thiệt hại trên 30%”.
Ông Nguyễn Đức Nguyên-Chủ tịch UBND xã Uar-thông tin: Để triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa đạt hiệu quả, ngay từ cuối tháng 3-2022, UBND xã đã ban hành văn bản hướng dẫn người dân gieo sạ lúa từ ngày 20-5 đến 30-6. Tuy nhiên, người dân đã tiến hành gieo sạ ngay sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân. Trong thời gian đầu tháng 5, trên địa bàn liên tục có mưa lớn khiến kênh mương bị bồi lấp với khối lượng lớn làm ngăn cản dòng chảy không đủ nước tưới cho diện tích lúa. Đã có 14,4 ha lúa của 61 hộ dân buôn Ngôl và buôn Choanh bị thiệt hại từ 30% đến 70%.
Tại huyện Kông Chro, đến thời điểm này, người dân đã gieo trồng được hơn 12.892 ha, đạt hơn 43% kế hoạch. Tuy nhiên, thời gian qua, nắng nóng khiến một số loại cây trồng ngắn ngày bắt đầu có hiện tượng khô héo. Nếu 10-15 ngày nữa không có mưa thì thiệt hại nặng do nắng hạn gây ra là khó tránh khỏi. “Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã có công văn đề nghị các xã, thị trấn tập trung triển khai các biện pháp phòng-chống hạn vụ mùa và tổ chức rà soát, đánh giá diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán gây ra trong thời gian qua để tổng hợp báo cáo UBND huyện theo dõi, chỉ đạo. Hy vọng những ngày tới thời tiết có mưa để tránh thiệt hại cho người dân”-ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin.
Trong khi đó, tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh nhờ có mưa đã “giải hạn” cục bộ cho một số diện tích cây trồng. Ông Đỗ Văn Đặng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Le (huyện Chư Pưh) cho biết: Sau khi gieo trồng một số cây ngắn ngày như: bắp, mì, đậu đỗ các loại nhưng nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn xã có hiện tượng khô héo, phát triển chậm. Rất may vừa rồi có 2 cơn mưa nên tránh thiệt hại cho người dân. Dù vậy, đợt nắng hạn này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng của các loại cây trồng. Còn ông Phạm Hữu Viên-Chủ tịch UBND xã Hbông (huyện Chư Sê) thì thông tin: Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến một số diện tích bắp vụ mùa của người dân bị khô héo. Tuy nhiên, trên địa bàn vừa có mưa đã phần nào giải cơn khát nước tưới, tránh thiệt hại cho người dân. Nếu nắng nóng trở lại thì nguy cơ hạn là rất lớn.
Những ngày qua, tại cánh đồng xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh), người dân đang khẩn trương gieo sạ lúa cho kịp lịch thời vụ. Anh Nguyễn Văn Phong (thôn Lương Hà) cho biết: “Vụ này, gia đình tôi gieo sạ 5 sào lúa nước và làm thêm 1 ha bí đỏ, 7 sào mì. Tranh thủ mấy ngày qua có mưa, tôi đã xuống giống xong diện tích bí và mì. Riêng với diện tích lúa nước tôi đã làm đất xong, khi nào ruộng đủ nước sẽ tiến hành gieo sạ”.
Để đảm bảo diện tích, năng suất cũng như lịch gieo trồng vụ mùa, UBND huyện Chư Pưh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động giống, vật tư nông nghiệp và triển khai xuống giống theo đúng lịch thời vụ mà cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Vụ mùa năm 2022, huyện dự kiến gieo trồng hơn 30.794 ha. Đến nay, người dân đã xuống giống hơn 22,5 ngàn ha, đạt 73,16% kế hoạch. Ngay từ đầu vụ, Phòng phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát toàn bộ diện tích thực của từng loại cây trồng tại các cánh đồng để đề xuất giao kế hoạch sản xuất sát với tình hình thực tế của từng địa phương. Đồng thời, chủ động tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên môn của tỉnh để kịp thời khuyến cáo người dân về lịch thời vụ gieo trồng, dự báo điều kiện thời tiết, dịch bệnh và các loại giống trong sản xuất vụ mùa.
Theo kế hoạch, vụ mùa 2022, toàn tỉnh gieo trồng 221.420 ha cây trồng các loại. Đến nay, các địa phương đã xuống giống được hơn 152.820 ha, đạt 69% so với kế hoạch. Trong đó, cây lương thực 54.276 ha; cây tinh bột 61.888 ha; rau, đậu đỗ các loại 24.864 ha; cây công nghiệp ngắn ngày 4.884 ha; cây hàng năm khác 4.531 ha; cây công nghiệp dài ngày 595 ha; cây ăn quả 1.673 ha; cây dược liệu 109 ha.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Bình-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi-cho biết: Thời gian gần đây, nắng nóng kéo dài cục bộ tại một số địa phương, nhất là khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài thì nguy cơ hạn cục bộ đầu vụ mùa 2022 là rất lớn. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết cũng như lượng nước tưới để sản xuất vụ mùa phù hợp với thực tế, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.