(GLO)- Là người con sống trên mảnh đất Tây Nguyên, tôi không nhớ mình đã bao lần đặt chân lên miền biên viễn, chạm tay vào cột mốc biên giới của quốc gia, trong bời bời xúc cảm. Và mới đây, khi đến thăm nơi địa đầu của Tổ quốc, trong tôi vẫn vẹn nguyên niềm xúc động ấy.
1. Tôi đến Cà Mau trong một ngày tháng 8, ngày của những cơn gió nhẹ vương trong nắng, mát rượi sau trận mưa rào. Lý do thôi thúc tôi lên đường trước hết là bởi niềm mong mỏi được chiêm ngắm mặt trời mọc trên Biển Đông và lặn ở phía Tây của biển. Một hành trình hơn 100 km bằng ô tô về thị trấn Năm Căn (huyện Ngọc Hiển) trên con đường mang tên Bác, nghe đâu đây mùi hương mặn mòi của biển.
Cán bộ, viên chức Báo Gia Lai chụp ảnh lưu niệm tại Km 0 Tràng Vĩ (phường Trà Cổ, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: L.V.N |
Mất 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi về đến Năm Căn. Đây rồi, vùng đất mũi dần hiện ra với chằng chịt sông ngòi, kênh rạch, thấp thoáng những mái nhà ẩn mình bên rừng đước. Đứng trên đường kè vòng cung chắn sóng miền đất cuối cùng phương Nam, chúng tôi thỏa thích ngắm biển. Xa xa là Hòn Khoai. Phía trước đường kè vòng cung là cột mốc “Đường Hồ Chí Minh điểm cuối Cà Mau Km 2436”. Cách đó không xa là cột mốc Tọa độ quốc gia GPS 0001-cột mốc cực Nam của Tổ quốc. Chạm tay vào cột mốc tọa độ, lòng tôi dâng lên nỗi buâng khâng khó tả, lại cảm nhận rõ ràng hơn về chủ quyền biên giới quốc gia; từ đó mà thêm tự hào về non sông gấm vóc.
Tại tượng đài mô hình con tàu no gió hiên ngang hướng ra biển với Quốc kỳ tung bay, chúng tôi không ai bảo ai đều giơ nghiêm tay chào. Riêng tôi, lòng chợt ngân lên đôi câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu mà đã thuộc nằm lòng từ lâu: “Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó-mũi Cà Mau”. Anh Trần Văn Thành-giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương đi cùng chúng tôi không giấu được xúc động, lòng bồi hồi cất lên những giai điệu đẹp trong bài “Về đất mũi” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Ôi đất mũi Cà Mau trăm thương ngàn mến/một hạt phù sa lấn biển thêm rừng/đều giục người đi nhanh nhanh đôi bàn chân/nhanh nhanh những nghĩ suy và ước vọng…”.
Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN VINH HIỂN |
2. Mới đây, tôi có dịp đến thăm điểm cực Đông Bắc Tổ quốc nơi địa đầu Móng Cái. Cái cảm giác lần đầu đặt chân đến đất mũi Sa Vĩ (phường Trà Cổ, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) thật thú vị. Đứng tại điểm cột mốc đầu tiên Km số 0 của đất nước, đầu con đường Tràng Vĩ, chúng tôi chụp mấy tấm ảnh mà trong lòng tràn đầy xúc động. Cách cột mốc Km 0 Tràng Vĩ chưa đầy 10 m là bức phù điêu tượng hình 3 cây phi lao-biểu tượng của Trà Cổ có ghi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước…” được trích trong khổ thơ: “Hùng vĩ thay toàn thân đất nước/Từ Trường Sơn vươn tới Trường Sa/Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước/Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa…” như một lời nhắc nhở đến mai sau. Với người con nước Việt, chúng ta càng thấy tự hào và có trách nhiệm về chủ quyền quốc gia. Bởi lẽ, để xây dựng nên cơ nghiệp hôm nay, các thế hệ cha anh đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu, giữ trọn vẹn một dải biên cương, giữ được bình yên biên giới trong hòa bình, hữu nghị.
Cách cột mốc Km 0 Tràng Vĩ gần một giờ đồng hồ bằng phương tiện ô tô là Cửa khẩu Móng Cái, nơi đây cũng có cột mốc 1369, điểm để lấy một đoạn dòng sông Ka Long phân định biên giới 2 nước Việt-Trung. Dừng chân nơi cột mốc này gợi nhớ trong ta về những trang sử bi tráng chống giặc phương Bắc chưa bao giờ vơi nhẹ trên các tuyến đường biên giới Cao Bằng, Quảng Ninh hay dấu tích hào hùng thuở xưa với ải Chi Lăng… Chúng tôi đến thăm đền Xã Tắc. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, đền Xã Tắc được xây dựng từ cuối thế kỷ XIII với những mái vòm cong, hoa văn chạm khắc trang trí lối kiến trúc Việt; khẳng định một lần nữa ấn chỉ tinh thần dân tộc Việt đã có một nền văn hóa lâu đời nơi đây.
Hôm nay, chúng ta được sống trong hòa bình độc lập. Khi đi trên mỗi con đường, đến mỗi miền của đất nước, được đặt chân đến cột mốc chủ quyền quốc gia càng khiến mỗi chúng ta tự hào hơn về lịch sử nước mình, nuôi dưỡng trong lòng tinh thần quật cường để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Những hình ảnh ấy luôn là bài học quý giá, nhắc nhở rằng cha ông ta đã bảo vệ giang sơn đất Việt như thế nào…
LÊ VĂN NHUNG