(GLO)- Người dân làng Dơk Rơng (xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) xem ông Wut-Trưởng ban Công tác Mặt trận như cây đại thụ của làng. Bởi lẽ, ông là trung tâm đoàn kết và luôn đi đầu vận động người dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Làng Dơk Rơng hiện có 223 hộ đồng bào Bahnar sinh sống. Những năm trước, làng Dơk Rơng nghèo nhất xã Glar. Nguyên nhân là bởi làng cách xa trung tâm xã, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tập quán sản xuất của người dân còn lạc hậu nên hiệu quả kinh tế rất thấp.
Ông Wut (bìa trái) đang trao đổi với người dân trong làng. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Ông Đinh Ơng-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa: Già làng Wut là một trong những người có uy tín tiêu biểu. Với những việc làm thiết thực, ông Wut vinh dự đại diện người có uy tín tiêu biểu tham dự hội nghị biểu dương Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2014-2017; hội nghị biểu dương cán bộ thôn, làng tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số lần thứ nhất năm 2016 tại tỉnh Đak Lak và hội nghị già làng các dân tộc Tây Nguyên năm 2019 tại Gia Lai. |
Ông Wut sinh ra và lớn lên tại làng Dơk Rơng, được gia đình tạo điều kiện cho đi học để biết cái chữ. Sau ngày giải phóng, ông có nhiều năm tham gia xóa mù chữ ở huyện Mang Yang. Khi trở về làng, ông được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận rồi già làng. Bằng kiến thức có được, ông chủ động tuyên truyền, vận động người dân trong làng áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình.
Từ năm 2007 trở về trước, tuyến đường chính vào làng chỉ rộng khoảng 4 m, mùa mưa thì trơn trượt, còn mùa nắng thì bụi mù. Ông Wut phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động dân làng tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí để mở rộng và nhựa hóa con đường giúp việc đi lại và vận chuyển hàng nông sản được thuận lợi. Năm 2013, ông tiếp tục vận động người dân làm thêm 5 km đường bê tông nội làng. Với 2 ha đất chung, sau khi trồng cà phê, ông vận động người dân luân phiên chăm sóc. Số tiền thu về (mỗi năm xấp xỉ 100 triệu đồng) dùng vào hoạt động chung của làng và cho mọi người mượn phát triển kinh tế gia đình.
Ông Wut bộc bạch: “Cuộc sống của bà con được như ngày hôm nay là do mọi người chăm chỉ, quyết tâm phát triển kinh tế gia đình. Trong quá trình tuyên truyền, vận động, mình khuyên bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên”. Còn ông Byuih-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân làng Dơk Rơng thì cho hay: “Mọi việc lớn nhỏ trong làng, ông Wut đều đến từng nhà tuyên truyền vận động, hướng dẫn, nhắc nhở để mọi người làm theo”.
Trao đổi với P.V, ông Sing-Chủ tịch UBND xã Glar-nhận xét: Từ khi được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận kiêm già làng, ông Wut đã tích cực phối hợp với các ban, ngành triển khai nhiều việc rất thiết thực và ý nghĩa giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Năm 2020, làng Dơk Rơng đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
NGUYỄN DIỆP