(GLO)- Năm 2015, Gia Lai bắt buộc phải đạt mục tiêu loại trừ bệnh phong theo 4 tiêu chuẩn Việt Nam. Nhiều người băn khoăn tự hỏi liệu với sự cấp bách trên, những kết quả phòng-chống phong ở Gia Lai có thực sự đáng tin. Câu trả lời đã được PGS.TS Trần Hậu Khang-Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương giải tỏa.
Khẳng định tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh và Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa về công tác phòng-chống phong, PGS.TS Trần Hậu Khang-Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương chia sẻ: Tôi đã nhiều lần đến Gia Lai và cũng đã làm việc với tỉnh về công tác phòng-chống phong trên địa bàn. Trong 5 tỉnh còn lại chưa loại trừ bệnh phong, tôi lo nhất vẫn là tỉnh Gia Lai. Lo là bởi vì năm 2015 tới, Gia Lai phải đạt mục tiêu loại trừ bệnh phong. Và tôi lo những kết quả mà tỉnh đạt được liệu có thực tế và đáng tin hay không. Trong đó, đối với tỷ lệ khám phát hiện là quan trọng nhất vì nếu không triển khai công tác khám phát hiện thì chắc chắn sẽ không phát hiện bệnh nhân và từ đó cũng sẽ không phát hiện bệnh nhân phong tàn tật và nhiều yếu tố liên quan khác...
Chăm sóc bệnh nhân phong. Ảnh: N.N |
“Tuy nhiên qua khảo sát và đối chiếu các kết quả phòng-chống phong mà tỉnh đạt được trong những năm qua, cho thấy công tác phòng-chống phong trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khách quan và đáng tin tưởng; số bệnh nhân phong phát hiện mới giảm dần theo từng năm và các kết quả khác trong công tác phòng-chống phong cũng rất ấn tượng. Tỉnh đã và đang trên đường về đích tiến tới loại trừ bệnh phong trong năm 2015. Tuy nhiên, thời gian tới, Gia Lai cần quan tâm thêm về công tác phòng-chống tàn tật và phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong, cần sớm thành lập Bệnh viện Phong-Da liễu của tỉnh; tăng cường hơn nữa công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh phong trên địa bàn…”-PGS.TS Trần Hậu Khang khẳng định.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Tân-Giám đốc Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa (TP. Quy Nhơn, Bình Định) thì Gia Lai đạt được những kết quả ổn định trong công tác phòng-chống phong thời gian qua một phần chính là sự quan tâm của tỉnh đầu tư cho công tác này. Bác sĩ Tân cho biết: “Năm 1996, công tác phòng-chống phong trên địa bàn tỉnh hết sức yếu kém. Những năm sau đó, chúng tôi đã cùng với Gia Lai phối hợp làm công tác đào tạo, xây dựng mạng lưới phòng-chống phong. So với các tỉnh thành trong khu vực và cả nước thì Gia Lai là một trong những địa phương có tỷ lệ bệnh nhân phong cao nhất trong cả nước. Thực tế đòi hỏi tỉnh phải có những chính sách, chiến lược phù hợp trong công tác phòng-chống phong. Đến năm 2012, Gia Lai đã có những quyết định phù hợp trong đó thành lập Ban Chỉ đạo loại trừ bệnh phong cấp tỉnh, cấp huyện, xã đã góp phần tăng cường và đẩy mạnh công tác phòng-chống phong trên địa bàn”.
Theo báo cáo của Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh, công tác phòng-chống phong trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan, số bệnh nhân mới phát hiện giảm dần qua từng năm. Về dịch tễ bệnh phong từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân phong giảm từ 7,2/100.000 dân xuống 1,9/100.000 dân (năm 2013) và còn 0,72/100.000 dân (năm 2014); tỷ lệ lưu hành bệnh phong giảm từ 0,60/10.000 dân xuống 0,14/10.000 dân (năm 2013) và còn 0,058/10.000 dân (năm 2014) và tỷ lệ tàn tật độ II đã đạt được từ 34,2% xuống 11,5% (năm 2013) và còn 0% (năm 2014).
Bác sĩ Nguyễn Văn Đồng-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh chia sẻ: “Gia Lai đã và đang tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh phong trong năm 2015. Đến nay, tỉnh đã đạt 3 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn Việt Nam là tỷ lệ lưu hành dưới 0,2/10.000 người; tỷ lệ tàn tật độ II dưới 15% và tỷ lệ phát hiện dưới 1/100.000 dân. Tiêu chuẩn còn lại là công tác truyền thông giáo dục y tế sẽ được kiểm tra đánh giá và tiến tới loại trừ bệnh phong đúng tiến độ đề ra trong năm 2015. Điều chúng tôi lo nhất là hậu loại trừ bệnh phong vì khi đã đạt được mục tiêu nhưng thiếu sự quan tâm, đầu tư thì khả năng bệnh phong quay trở lại là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, ngay cả khi đã loại trừ bệnh phong, các cấp, các ngành cũng cần quan tâm đầu tư cho công tác này để tiến tới thanh toán bệnh phong…”.
Như Nguyện