"Thủ lĩnh" vùng đất khó Đak Kơ Ning

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với vùng đất Kông Chro (tỉnh Gia Lai), có lẽ chỉ nói tới con số thu nhập 200-300 triệu đồng mỗi năm cũng đủ là mơ ước với số đông đồng bào Bahnar. Ấy vậy mà, trên vùng đất khắc nghiệt này có một người không chỉ là ông chủ của một gia sản tiền tỷ mà còn là “thủ lĩnh” dẫn dắt dân làng thoát nghèo. Ông là Đinh A Rớh-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đak Kơ Ning.

Hai lần kết nạp vào Đảng

Trải qua 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND xã, 1 nhiệm kỳ làm Bí thư Đảng ủy xã, nhưng cảm xúc nhất với ông Đinh A Rớh vẫn là hôm được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Đak Kơ Ning. Đinh A Rớh hiểu, khi đặt ông vào cương vị này là cả một niềm tin của những người đi trước. Thực sự, nếu không có niềm tin và cả sự bao dung thì ông đã không thể được kết nạp vào Đảng lần 2 để có cương vị hôm nay.    

Sinh năm 1957, lớn lên khi đất nước còn chiến tranh nên mãi đến năm 1976, ông Rớh mới được đi học. 19 tuổi mà bắt đầu lớp 1, xấu hổ lắm nhưng vì xã cử đi nên phải cố. Nhờ thành tích học tập, ông được nhà trường kết nạp vào Đảng. Tốt nghiệp bổ túc lớp 12, ông Rớh xin vào làm ở một ngân hàng. Thời bao cấp, ngân hàng lương cũng ba cọc ba đồng. Đã vậy, làm ở Kon Tum nhưng phải về Gia Lai sinh hoạt Đảng. Xe cộ khó khăn, nhiều lần phải bỏ sinh hoạt, thế là bị kỷ luật. Tự ái, ông bỏ việc về làng. Thông cảm với sự bồng bột của tuổi trẻ, ông Rớh được nhận vào công tác tại Văn phòng UBND xã. Cảm kích, ông quyết tâm phấn đấu để trở thành đảng viên. Năm 1995, ông Rớh được kết nạp lại và sau đó trở thành Phó Chủ tịch UBND xã Đak Kơ Ning.

Nhưng niềm vui thoáng chốc đã lọt thỏm trong trăn trở: Phải làm gì đây để cùng tập thể lãnh đạo xã vực dậy đời sống cho bà con? Một bài toán hóc búa giữa vùng đất cằn nắng lửa. Nói vậy nhưng cùng sống trên đất này mà người Kinh đâu có chịu nghèo. Cứ mỗi năm một vụ lúa rẫy, được mất nhờ trời rồi ngồi chơi mà không nghèo được sao? Bao nhiêu lần vận động rồi mà cái tâm lý sợ khó, sợ đổi thay xem ra vẫn không lay chuyển… Trách bà con vậy nhưng rồi nghĩ lại, ông cũng tự xấu hổ, bởi bản thân chưa giàu hơn ai.

 Ông Đinh A Rớh bên “con ngựa chiến” của mình. Ảnh: Ngọc Tấn
Ông Đinh A Rớh bên “con ngựa chiến” của mình. Ảnh: Ngọc Tấn



Tự mình đổi mới nếp nghĩ, cách làm

Ông Đinh A Rớh mở đầu câu chuyện với tôi bằng cái “sơ yếu lý lịch” như vậy sau nụ cười khoáng đạt. Tôi tò mò ngắm ông. Làn da cháy nắng, bộ râu điểm bạc, mái tóc rễ tre cứng khô vì nắng gió, thần thái ông như toát lên tất cả cái nắng nôi, bụi bặm của một vùng đất khó. Tôi hiểu, ông đã từng lăn lộn với cuộc sống đến nhường nào để có được những thành quả hôm nay.

Ông kể tiếp sau một thoáng im lặng: “Vậy là tôi bắt tay vào hành động. Quyết tâm có thừa nhưng mới bước đi đã thấy lúng túng. Mảnh đất Đak Kơ Ning chỉ trồng được cây ngắn ngày nhưng là cây gì cho hiệu quả, trong khi mình vốn liếng chỉ có 2 con bò mua bằng tiền vay ngân hàng. Tình cờ, tôi quen với ông Lê Sự ở thị xã An Khê đang tìm thuê đất. Nghe tôi tâm tình, ông Sự bảo: “Anh có đất, tôi có nghề, có vốn, ta chung nhau trồng ớt”. Hồi đó, cả vùng này chưa có ai trồng ớt. Dù vậy, tôi vẫn liều nghe theo. Thật không ngờ, 1,5 ha ớt của chúng tôi trúng lớn, thu được 150 triệu đồng. Nghe lời khuyên của ông Sự, tôi vay thêm ngân hàng mua 10 con bò về nuôi để có nguồn phân bón. Rồi vừa trồng chung ớt, tôi vừa nhờ ông Sự chỉ cho cách trồng bắp lai, rau màu… 6 năm ròng, cứ ngơi việc xã là trần lưng vào ruộng rẫy. Cuối cùng, tôi cũng đã có một số vốn kha khá. Tôi nghĩ tới chuyện làm ăn lớn hơn. Bấy giờ, Nhà máy Đường An Khê đang có chủ trương mở rộng vùng nguyên liệu. Tôi quyết định phải đến tận nơi tìm hiểu. Ông giám đốc, sau khi nghe tôi bày tỏ những băn khoăn, cười bảo: “Vốn, giống để chúng tôi lo; kỹ thuật sẽ có người đến tận ruộng chỉ bảo. Vấn đề là anh có chịu làm không thôi”. Mừng hết nói, tôi đăng ký làm luôn 5 ha. Đến kỳ thu hoạch, năng suất mía đạt 100 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi 100 triệu đồng. Được đà, tôi làm dấn luôn 15 ha. Cuộc sống gia đình tôi “sang trang” từ đó”.

“Trở thành người Bahnar giàu nhất huyện Kông Chro từ đó chứ”-tôi nhìn ông, cười hỏi. Ông cũng cười: “Làm gì mà giàu nhất. Nói thật thế này, lúc cao điểm nhất, tôi canh tác tới 19 ha đất, gồm 15 ha mía, 3 ha mì, 1 ha bí, nuôi hơn 100 con bò. Bà con cứ trầm trồ tôi là tỷ phú, là “đại gia” này nọ, tôi chỉ cười. Làm giàu cho mình thành công, với tôi đâu phải là mục tiêu duy nhất”.

Cuộc “chuyển lửa” từ làng Nhang Lớn

Sau một đỗi trầm ngâm, ông A Rớh tiếp tục câu chuyện: “Đã tự hứa với mình quyết làm giàu thành công để nêu gương cho bà con, sau lúc làm ớt rồi trồng mía thành công, tôi đã bắt tay vận động các làng chuyển đổi cây trồng. Việc đã sờ sờ ra đó nhưng nói rát cổ mà chẳng ai theo. Tôi ngẫm, nếu chỉ vận động suông thì còn lâu bà con mới chịu nghe. Muốn lung lay cái thành trì bảo thủ, ngại khó này thì không thể vội vàng được. Cũng như nhóm lửa, phải bắt đầu từ thanh củi nhỏ mới dần nên bếp. Nghĩ được cách rồi, đầu tiên, tôi gọi các ông: A Mênh, Đinh Nhân, Klei trong làng đi làm thuê cho mình. Họ đều là người siêng năng, có đất nhưng nghèo vì nếp nghĩ chỉ xoay quanh cây lúa rẫy. Nói “làm thuê” nhưng thực ra là tôi lấy tiền mình để “tập huấn” cho họ. Vào việc, tôi hướng dẫn tỉ mỉ cách trồng bắp, trồng bí thì ra giống, tưới nước, phun thuốc lúc nào; trồng mía thì làm đất, bón phân ra sao và yêu cầu họ làm đúng như thế. Khi mọi người đã thạo việc rồi, tôi bảo: “Đấy, các anh làm cho tôi thế nào thì hãy về làm cho mình như thế, có khó gì đâu mà phải chịu đói nghèo”. Họ cười ngượng... Không ngờ là các ông ấy không những chịu nghe, làm theo mà còn làm lớn. Như ông A Mênh làm tới 5 ha mía, mì. Sau đó, tôi quay sang “thanh toán” các anh lười. Cũng với cách làm trên nhưng tôi trả công cao hơn để khuyến khích, đồng thời nhờ những người đã được “tập huấn” kèm cặp thêm. Khi thấy nhiều người đã chịu làm, tôi tiến thêm một bước bằng việc thành lập các tổ đổi công. Các tổ này cứ một người siêng được giao nhiệm vụ kèm cặp vài ba anh lười… Để khuyến khích những hộ chịu làm ăn, tôi cho họ nhận bò nuôi rẽ. Chẳng là bao năm tiền dư, tôi không gửi ngân hàng mà dồn lại mua được 75 con bò. Với những biện pháp ấy, từ năm 2010, làng Nhang Lớn bắt đầu thay đổi. Để rồi, từ một ngôi làng không ai có nổi một mái nhà lợp tôn thì sau một thời gian, tất cả 136 hộ đều đạt mức sống từ trung bình trở lên. Hộ nghèo chỉ còn chưa đầy chục, do hoàn cảnh già yếu, neo đơn”.

Ảnh: Ngọc Tấn
Ông Đing A Rớh luôn tìm cách làm giàu cho bản thân và hỗ trợ dân làng phát triển sản xuất. Ảnh: Ngọc Tấn


Một lối đi đầy gian khó và nhọc nhằn nhưng đã chứng minh cách làm của ông A Rớh là rất đúng. Năm 2016, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã. Ở cương vị này, ông tiếp tục triển khai ra toàn xã cuộc vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm theo mô hình làng Nhang Lớn. Những làng kém như Tkăt, Chi bộ, Trưởng thôn được giao phụ trách trực tiếp các tổ vận động, tổ đổi công. Kết quả là đến cuối năm 2021, khi ông A Rớh kết thúc nhiệm kỳ Bí thư, không kể làng Nhang Lớn, 2 làng Ya Ma, HRách từ yếu kém đã vươn lên khá. Làng Nhang Nhỏ và Tkăt kém hơn nhưng cũng đã bắt đầu chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm. Rõ nhất là phong trào trồng keo lai đã trở thành phổ biến.

Có lẽ cũng phải kể thêm chút về thứ cây “sinh sau đẻ muộn” của vùng đất này. Năm 2017, khi huyện phát động trồng keo lai, ông A Rớh như thấy mình được cởi bỏ nỗi niềm bấy lâu vẫn canh cánh bên lòng. Vẫn biết vùng đất khô cằn, nắng lửa này trồng cây ngắn ngày là không thể khác. Nhưng cây ngắn ngày với số đông đồng bào cũng không phải dễ. Chưa kể, kỹ thuật, vốn liếng thì được hay mất còn trông cậy vào trời. Dễ làm, ít công chăm sóc, không phụ thuộc vào thời tiết, cứu cánh cho sự trăn trở của ông A Rớh là đây. Vậy là, ông dành luôn 10 ha đất rẫy để trồng keo. Đã sẵn niềm tin, các ông A Mênh, Klei liền làm theo. Phong trào trồng keo lan rộng dần. Đặc biệt, khi ông A Rớh khai thác 5 ha keo đầu tiên thu được trên 200 triệu đồng thì không phải vận động, ai cũng đua nhau trồng. Một số hộ đã có diện tích keo ngang ngửa với ông A Rớh. Với giá nguyên liệu gỗ đang tăng mạnh hiện nay, chỉ vài ba năm nữa thôi, đời sống bà con chắc sẽ có những đổi thay cơ bản.

 

*

*          *


Chuyện vãn, ông bắt tay tôi rồi vội vã bước đến khởi động “con ngựa chiến” thân thuộc của mình. Thấy tôi ngạc nhiên, ông cười: “Tôi tuy một tay nhưng từ điều khiển máy móc cho đến bón phân, cuốc cỏ, gì cũng làm được”. “Nghỉ hưu rồi, làm ít thôi”-tôi nói với theo trong tiếng động cơ đang rung lên bần bật. Đáp lại tôi, ông A Rớh chỉ nhoẻn miệng cười. Khuyên xã giao cho vui vậy, với tính cách của ông ấy, tôi biết chẳng bao giờ ông chịu ngồi nhàn tản. Nhìn hút theo “con ngựa chiến” của ông đang khuất dần trên con đường bê tông chạy qua làng, tôi chợt nhớ lời của một cán bộ lãnh đạo huyện Kông Chro: “Giá cán bộ người địa phương, ai cũng được như A Rớh”.
 

 NGỌC TẤN